Chống tham nhũng: Cần đủ thuốc, đủ liều

Thực tế hoạt động của công tác PCTN kể từ Đại hội Đảng XI đến nay, nếu đánh giá một cách công bằng thì đã có chuyển biến nhất định; nhất là sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và tái lập Ban Nội chính Trung ương. Hai cơ quan này cùng với những cơ quan tư pháp sẵn có và Thanh tra Chính phủ đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh với tham nhũng. Nhiều vụ án quan trọng đã được Ban Chỉ đạo trực tiếp đưa vào tầm ngắm.

(Minh họa: I.T).

1. Trong phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết: Việc rà soát, ban hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực: cả nước đã ban hành mới hơn 1.608 văn bản, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 1.242 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực.

Nhưng, cũng vẫn theo Tổng Thanh tra Chính phủ thì, tình trạng vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn vẫn còn xảy ra. “Nói có sách, mách có chứng”, ông Phan Văn Sáu cho biết, qua 1.093 cuộc kiểm tra, giám sát về việc chấp hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã phát hiện 32 vụ vi phạm, xử lý kỷ luật 58 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 2,1 tỷ đồng. Có thể thấy số vụ vi phạm bị phát hiện không nhiều nhưng số người bị kỷ luật thì khá cao và số tiền thu về cho ngân sách cũng không nhỏ.

Cũng trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ do ông Phan Văn Sáu trình bày thì, còn có chuyện vui hơn. Đó là tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,1% số người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập là 1.004.231 người so với số người phải kê khai. Trong đó, số bản kê khai đã công khai: 993.127 bản, đạt tỷ lệ 98,9%. Có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập nhưng chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. Những con số đem lại niềm vui và sự hài lòng cho những nhà quản lý và cả những người đang được giao trọng trách PCTN.

Còn với thanh kiểm tra trên toàn ngành, theo Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu, trong năm 2016, thanh tra các cấp đã triển khai 4.640 cuộc thanh tra hành chính và 199.756 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 92.723 tỷ đồng, 14.266 ha đất; kiến nghị thu hồi 19.316 tỷ đồng và 6.508 ha đất (đã thu hồi 9.528 tỷ đồng, 739 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 73.407 tỷ đồng, 7.006 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể, cá nhân; ban hành 94.512 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 11.929 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 53 vụ, 77 đối tượng. Đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi, xử lý khác 3.155 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 75%) và xử lý 1.196 ha đất.

Riêng việc xử lý hành vi tham nhũng, Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 264 vụ, 635 bị can về các tội danh tham nhũng. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 325 vụ với 898 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 159 vụ, 427 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 46,7% (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015). Có 4 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng.

2. Những con số cho thấy, ngành thanh tra đã làm việc hết sức vất vả và đã thu lại được những kết quả tốt trên một số lĩnh vực. Thế nhưng, điều đó dường như chưa thực sự làm hài lòng cử tri và nhân dân. Bằng chứng là, bên cạnh những kết quả đạt được, chính Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã cho rằng, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.

Lý do thì có nhiều nhưng tựu trung lại vẫn là, thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở một số nơi còn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCTN. Đặc biệt, theo bà Lê Thị Nga, việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu; số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít và tiếp tục giảm, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng…

Riêng chuyện tự phát hiện tham nhũng rất yếu mà bà Lê Thị Nga đề cập thì có thể hiểu được phần nào. Bởi, có ai tham nhũng lại tự khai nhận mình tham nhũng. Mà tham nhũng thì vốn gắn liền với lợi ích nhóm; có mấy ai tự mình tham nhũng mà không bị phát hiện.

Còn chuyện kê khai và công khai tài sản xem ra còn hình thức hơn nhiều. Số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập lên đến hơn 1 triệu người. Tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao; thế nhưng, chính Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lại nêu một phản ánh của dư luận và báo chí về việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.

Riêng về chuyện kê khai và công khai tài sản, cái bất cập là ở chỗ, quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn khá hẹp. Rồi,việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực, mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai. Rồi còn chuyện sợ bị trả thù, trù dập nếu tố giác sự thiếu trung thực của quan chức trong kê khai tài sản. Dẫn chứng cho việc này, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ đã từng đề xuất: Bộ Công an ngay sau khi khởi tố bị can thì phải áp dụng kê biên tài sản với đối tượng tham nhũng. Hiện nay áp dụng không nhiều cho nên đối tượng đã kịp tẩu tán tài sản.

3. Chủ đề tham nhũng thường xuyên được đề cập trong các cuộc tiếp xúc cử tri; đặc biệt là những cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sở dĩ như thế là bởi, nó trở thành nỗi niềm của rất nhiều cử tri và nhân dân. Không phải chỉ chờ đến những cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo cấp cao nhân dân mới nói đến chuyện chống tham nhũng. Nhưng, việc chọn nơi, chọn lúc để nói về tham nhũng cho thấy một mong muốn rõ ràng của cử tri: Nói (hoặc góp thêm tiếng nói) để các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiểu rõ hơn hiện tình đất nước. Nói để thấy rằng, một vấn đề bức xúc lâu dài nay đã thực sự trở thành một căn bệnh mãn tính. Muốn điều trị được phải bốc thuốc đủ liều và phải được điều trị kiên trì.

Cử tri Đặng Tài Tính (phường Cống Vị, Ba Đình) từng cho rằng, Tổng Bí thư cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Chính phủ liêm chính. Đó là mong muốn của toàn nhân dân. Rồi cũng vẫn cử tri này đề nghị, cần làm rõ người chịu trách nhiệm trong các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng bị phát hiện và rà soát tránh để xảy ra các trường hợp tương tự.

Phát biểu với cử tri trong cuộc tiếp xúc ngay sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ cam kết: Quyết tâm chống tham nhũng để trong sạch Đảng, Nhà nước. Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri hồi đầu tháng 8, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến những vụ án lớn được đưa ra xét xử thời gian vừa qua như vụ Nguyễn Đức Kiên, Huyền Như, Phạm Công Danh… Nhưng cũng có những vụ việc phải làm chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, đồng thời giữ cho được ổn định để phát triển đất nước.- Tổng Bí thư nói.

4. Thực tế hoạt động của công tác PCTN kể từ Đại hội Đảng XI đến nay, nếu đánh giá một cách công bằng thì đã có chuyển biến nhất định; nhất là sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và tái lập Ban Nội chính Trung ương. Hai cơ quan này cùng với những cơ quan tư pháp sẵn có và Thanh tra Chính phủ đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh với tham nhũng. Nhiều vụ án quan trọng đã được Ban Chỉ đạo trực tiếp đưa vào tầm ngắm. Đó được xem nhưng những vụ án có tính chất án điểm. Đó hầu hết đều là những vụ tham nhũng lớn, phức tạp; không phải dễ bóc gỡ vì những mối dây liên hệ chằng chịt với các nhóm lợi ích đan xen. Nhưng chọn những vụ án khó, số tiền tham nhũng lớn cho thấy quyết tâm của Đảng trong chống tham nhũng khi xóa bỏ các “vùng cấm”. Mặt khác, đưa ra ánh sáng những vụ án như thế sẽ có tác dụng răn đe lớn hơn.

Đương nhiên, không dễ gì trong cuộc chiến chống tham nhũng; chống lại những thế lực trong bóng tối nhưng đã không thể chậm hơn nữa. Đảng hiểu dân mong muốn công cuộc đấu tranh ấy phải đi đến những kết quả nhất định và khả quan. Dân cần Đảng tự vượt lên trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” trong nội bộ các cán bộ do Đảng rèn giũa.

Mai Loan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/chong-tham-nhung-can-du-thuoc-du-lieu/125357