“Chống ngập” phải làm gì để thích ứng với biến đổi khí hậu?

Để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm thiểu thiệt hại, trong thời gian qua TP.HCM đã xây dựng kế hoạch hành động, lồng ghép BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các giải pháp ứng phó trong nhiều lĩnh vực. Không nằm ngoài kế hoạch này, lĩnh vực chống ngập, chống sạt lở có xét đến yếu tố thích ứng với BĐKH cũng được thành phố đặc biệt quan tâm.

Ngập lụt - nỗi lo của người dân Sài Gòn

Thực tế cho thấy, mặc dù thành phố đã bỏ ra hàng trăm ngàn tỷ đồng cho công tác chống ngập suốt thời gian qua, tuy nhiên, tình trạng ngập lụt vẫn diễn biến rất phức tạp. Cứ mỗi trận mưa xảy ra thì cuộc sống của người dân ngoại thành lại bị đảo lộn bởi tình trạng ngập lụt. Họ phải thức trắng đêm để tát nước ra thậm chí gây thiệt hại nhiều về kinh tế. tiêu biểu là vụ mai chết hàng loạt ở phường An Phú Đông, quận 12 hồi năm 2015, hay khu vực đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình hiện nay. Ngập lụt ở TP.HCM không còn là chuyện hiếm, bởi cứ mưa hay triều cường là nước ngập lênh láng, gây phiền lụy cho cư dân thành phố, đã đến lúc cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn.

Trong quá trình phát triển, Sở Quy hoạch và Kiến trúc luôn chú trọng các biện pháp để phát triển mảng xanh.

Các chuyên gia về môi trường dự đoán, nếu TP.HCM và các khu vực chung quanh cứ tiếp tục phát triển như hiện nay thì sớm muộn gì trận “đại hồng thủy” ở Bangkok sẽ tái diễn ở TP.HCM. Nếu xảy ra những biến cố thời tiết lịch sử tương tự như Bangkok thì mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn có thể sẽ đạt đến 1,7 m hoặc cao hơn. Khoảng 60.000 ha thuộc các khu vực trũng thấp như Củ Chi, Bình Chánh, quận 2, quận 6, quận 7, quận 8, Bình Thạnh, Nhà Bè, Thủ Đức sẽ bị đe dọa. Ngoài ra hệ thống kiểm soát triều của TP.HCM chưa được hoàn thiện, dòng chảy sẽ nhanh chóng tràn bờ. Với các khu vực nội thành, nếu xảy ra các trận mưa lớn có lượng mưa trên 100 mm, trùng với khi mực nước dâng cao, thì ngập trên diện rộng kéo dài là có thể xảy ra.

Chưa có giải pháp đột biến

Theo Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập TP.HCM, công tác chống ngập trên địa bàn TP.HCM thời gian qua dù đạt được một số thành tựu nhất định nhưng nhìn chung kết quả giảm ngập nước vẫn chưa bền vững, khả năng tái ngập cao, dẫn đến nhiều bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh thành phố.

Hệ thống điều tiết nước và chống ngập đặt tại quận Bình Thạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó nguyên nhân khách quan là do BĐKH, nước biển dâng, gia tăng lượng mưa và mức đỉnh triều, do đô thị hóa tăng dẫn đến dân số gia tăng nhanh chóng vượt ngoài khả năng đáp ứng của hệ thống thoát nước. Nhóm nguyên nhân về mặt kỹ thuật là do tình trạng lấn chiếm kênh rạch làm hẹp dòng chảy đã làm giảm khả năng thoát nước; quá trình đô thị hóa đã san lấp phần lớn các ao hồ điều tiết, các ao hồ kênh rạch bị san lấp thành đất xây dựng làm mất đi vùng đệm là nơi chứa nước mưa và nước triều nhưng không có giải pháp thay thế. Mặt khác, thành phố chưa có chiến lược và những giải pháp thích ứng với BĐKH phù hợp với đặc điểm và tình hình cụ thể; sự phối hợp giữa các sở, ban ngành trong thành phố nhằm thực hiện kế hoạch ứng phó với BĐKH còn chưa chặt chẽ và hiệu quả; nguồn vốn cấp cho các mục tiêu nghiên cứu đề tài, dự án còn thấp, không kịp thời; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở địa phương còn chậm so với tiến độ thực hiện hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả chống ngập nước khu vực.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập TP.HCM cho biết: Nhận thức được tính cấp bách và mức độ nghiêm trọng do ảnh hưởng của BĐKH, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập TP.HCM đã và đang triển khai nhiều biện pháp trọng yếu để góp phần thích ứng với BĐKH. Hiện thành phố đang chú trọng đến việc quy hoạch hồ điều tiết phân tán nhằm giảm ngập, trên cơ sở đó quản lý quỹ đất phục vụ cho đầu tư xây dựng các hồ điều tiết nhằm chỉnh trang, cải thiện môi trường đô thị và ứng phó với BĐKH trong tương lai; nghiên cứu khả năng ứng phó với các biến cố mưa vượt tần suất thiết kế do BĐKH đối với các hệ thống thoát nước đô thị; các giải pháp công trình, phi công trình để phòng chống và hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng. Trong đó, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập đặc biệt quan tâm đến giải pháp “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố BĐKH theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Theo đó, trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, quy mô bề rộng cống từ 40-160 m, cao từ 3,5-10 m; xây dựng đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh. Khoảng 7 km đê/kè ở các đoạn xung yếu, 25 cống nhỏ có khẩu độ từ 2-10 m.

Hiện Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập đang kiến nghị, đề xuất xây dựng 3 hồ điều tiết Bàu Cát, Gò Dưa, Khánh Hội theo hình thức PPP. Mặt khác, dự án quản lý rủi ro ngập lụt khu vực TP.HCM cũng đang được Trung tâm đàm phán vay vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới. Dự án có 3 hợp phần bao gồm quản lý tích hợp rủi ro ngập nước; thực hiện đầu tư các hạng mục ưu tiên để giảm ngập; hỗ trợ thực hiện dự án . Tổng mức đầu tư của dự án là 437 triệu USD trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới 400 triệu USD, vốn đối ứng của thành phố 37 triệu USD.

Hà Văn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/chong-ngap-phai-lam-gi-de-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-d46471.html