Chống ngập ở các đô thị lớn - Bài cuối: Cần người dân chung sức tham gia

Vấn đề ngập úng đã xảy ra thường xuyên và mức độ ngày càng phức tạp trong thời gian qua tại các địa phương trong vùng Tp. HCM, nhất là tại các đô thị lớn như Tp. HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, người dân cũng cần có trách nhiệm san sẻ, chung sức tham gia khắc phục tình trạng ngập hiện nay.

PGS.TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm quản lý nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP. HCM Ảnh: SGGP.

Phóng viên: Là người nghiên cứu và theo dõi khá kỹ về các vấn đề liên quan đến công tác chống ngập trong khu vực, nhất là của Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, ông có thể cho biết những kết quả đã đạt được và còn hạn chế nào chưa thực hiện được ?

PGS.TS Hồ Long Phi: Phải nhìn nhận khách quan rằng, tình trạng ngập trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh đã được giảm ở những nơi mà hệ thống thoát nước được nâng cấp như quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận, Tân Bình. Hiện nay, ngập xảy ra ở những nơi chưa có công trình chống ngập hoặc đầu tư chưa xong (như quận Gò Vấp, 12) hay ngập dữ dội ở những nơi chưa có công trình (quận 7, Thủ Đức).

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn nên thành phố chỉ mới đầu tư hệ thống chống ngập ở phần giữa, trung tâm mà chưa thể đầu tư vùng xung quanh nên xảy ra tình trạng tái ngập do quá tải, mưa vượt tần suất thiết kế.

Trong khi đó, thành phố chưa triển khai được hồ điều tiết để ứng cứu nước ngập do không có mặt bằng.

Phóng viên: Thời gian qua, tại các đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về ngập đô thị. Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do đâu?

PGS.TS Hồ Long Phi: Nguyên nhân ngập giống nhau ở chỗ, đó là đô thị hóa quá nhanh nhưng hạ tầng chống ngập lại chưa được đầu tư một cách tương xứng. Trên cơ sở đó, mưa và triều cường chỉ là nhân tố làm lộ rõ hạn chế này thêm mà thôi.

Với Tp. Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, ngập không chỉ ở chỗ có địa hình thấp mà cả ở vị trí cao vì ống cống nhỏ lại bị tắc nghẽn do rác khiến nước không thoát được.

Hiện Tp. Hồ Chí Minh vẫn là nơi thu hút mạnh mẽ lượng người di cư khắp nơi từ các tỉnh miền Bắc - Trung đổ vào, miền Tây đi lên gây áp lực nhiều mặt ở vùng ven, ảnh hưởng đến dòng chạy tự nhiên với việc lấn chiếm, xả rác ra kênh rạch.

Sắp tới, thành phố vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng úng, kể cả điểm ngập mới và những điểm tái ngập, nhất là khi mực nước mưa đang quá tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước đô thị. Vì thế, thành phố phải kiểm soát được tốc độ gia tăng dân số cơ học, sớm xây dựng các đô thị vệ tinh. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng rơi vào cảnh tương tự.

Phóng viên: Trong điều kiện nguồn vốn để đầu tư cho các công trình dự án, chương trình chống ngập còn khó khăn hiện nay thì giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông ?

PGS.TS Hồ Long Phi: Từ năm 2001, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản trong quá trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật đã ước tính tổng vốn 6 tỷ USD để Tp. Hồ Chí Minh chống ngập. Tuy nhiên hiện nay thành phố cũng chỉ mới triển khai được hơn 1 tỷ USD.

Với số vốn này, thành phố sẽ phải đối mặt với tình trạng vừa giải quyết ngập chỗ này xong thì xuất hiện điểm ngập mới chưa kể tình trạng tái ngập. Vì vậy, về lâu dài, cần có sự san sẻ trách nhiệm của người dân, có thể tăng phí môi trường, đẩy mạnh tìm nguồn vốn từ xã hội hóa... để tìm nguồn vốn xoay vòng đầu tư chống ngập.

Phóng viên: Từ tình hình thực tế của vấn đề ngập tại các địa phương như Tp.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương vừa qua, theo ông cần có những giải pháp nào để từng bước khắc phục tình trạng này?

PGS.TS Hồ Long Phi: Theo tôi, cùng với hồ điều tiết thì việc dùng máy bơm được xem là giải pháp khá hiệu quả. Tuy nhiên giải pháp nào cũng có giới hạn, không thể giải quyết ngập một cách tuyệt đối.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng bắt buộc quy định chia sẻ trách nhiệm cộng đồng khi một căn nhà, chung cư xây dựng phải đảm bảo tự điều tiết nước cho chính mình, không đẩy trách nhiệm cho ai khác. Về lâu dài, Việt Nam cũng cần nghiên cứu và ứng dụng cách làm này.

Bởi hiện nay, khi xây dựng nhà ở, công trình, khu đô thị thì nâng đường, đẩy nước qua khu vực có vị trí thấp hơn, nghĩa là không tự giải quyết trách nhiệm của chính mình mà đẩy ra cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Đối với công tác quy hoạch đô thị, khi làm quy hoạch, nếu dành 9 phần cho xây dựng thì cũng phải giữ lấy 1 phần cho nước thoát, như vậy mới giải quyết được nguyên nhân, nếu không vẫn chỉ mãi chạy theo giải quyết hậu quả của ngập.

Trong tình hình thời tiết liên tục diễn biến cực đoan như hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu, không phải chỉ có Tp.Hồ Chí Minh mà nhiều thành phố khác trên thế giới cũng phải chấp nhận “sống chung” với ngập. “Sống chung” không nhất thiết có nghĩa là chịu đựng mà là thích nghi sao cho thiệt hại và thương tổn thấp nhất.

Đặc biệt, phải thay đổi quan điểm chống ngập, thay vì dồn hết kinh phí cho các chương trình chống ngập lớn của Thành phố thì nên dành một phần để hỗ trợ các ban ngành khác, hay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để họ chủ động giảm thiệt hại do ngập gây ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chong-ngap-o-cac-do-thi-lon-bai-cuoi-can-nguoi-dan-chung-suc-tham-gia/28567.html