Chống hàng giả, hàng nhái vào thị trường ngày giáp Tết

Lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán ở Hà Nội đang tăng cao từng ngày. Kéo theo nó là nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trà trộn vào tiêu thụ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã bắt giữ, xử lý 1.138 vụ hàng giả, hàng vi phạm SHTT, phạt hành chính trên 9,6 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 12 tỷ đồng.

Dịp Tết năm nay, hàng hóa vi phạm SHTT, hàng giả, hàng nhái tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: rượu, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm chức năng…

Công nghệ sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT ngày một cao, hàng giả làm một cách tinh vi nên đã đánh lừa được người tiêu dùng. Mỳ chính là mặt hàng bị làm giả nhiều năm nay, nhất là các thương hiệu có tiếng.

Mỳ chính giả bị thu giữ và ngăn chặn ngay từ biên giới Lào Cai.

Chi cục QLTT Hà Nội năm nào cũng mở một gian hàng trưng bày hàng giả và hướng dẫn cách so sánh hàng thật, hàng giả để người tiêu dùng nhận biết. Xem bao bì mì chính giả và mì chính thật của thương hiệu Ajinomoto, quả thật người tiêu dùng không thể phân biệt.

Theo ông Phan Thanh Phong, Đội trưởng Đội QLTT số 8 thì bao bì của mì chính giả màu sắc nhòe hơn, không sắc nét như bao bì thật. Chữ in trên bao bì cũng không sắc nét, thậm chí nhìn kỹ còn sai chính tả. Tuy nhiên, do thực phẩm là mặt hàng lưu động, hàng giả có khi bị trà trộn với hàng thật rồi mới đem tiêu thụ nên việc kiểm tra, phát hiện và lấy mẫu giám định cũng khó khăn hơn.

Chi phí lấy mẫu phân tích, giám định cũng là cả một vấn đề nên chống hàng giả ở lĩnh vực thực phẩm quả thật chưa khiến các cơ quan chức năng mặn mà và tích cực.

Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết, năm 2016 đơn vị đã kiểm tra, xử lý 186 vụ vi phạm SHTT (đạt 218.82% kế hoạch). Riêng trong tháng cao điểm kiểm tra hàng hóa Tết theo kế hoạch của Chi cục QLTT, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm SHTT về nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ tại Việt Nam như Louis Vutton, Nike, The North Face, Adidas.

Hàng hóa vi phạm SHTT chủ yếu là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hàng hóa. Giá trị hàng hóa vi phạm không lớn, lượng hàng hóa vi phạm không nhiều, nhưng hành vi vi phạm có ở hầu khắp các tuyến phố của quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là những tuyến phố chuyên doanh. Đây cũng là điều gây nhức nhối, khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng QLTT.

Qua kiểm tra Công ty TNHH sản xuất kinh doanh XNK Gia Phong ở Tây Mỗ, Đội QLTT số 6 đã phát hiện 96 hộp carton là nguyên liệu gia công thực phẩm chức năng và thực phẩm chức năng thành phẩm chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ.

Khi đại diện công ty đến trụ sở Đội QLTT số 6 xuất trình hợp đồng gia công cùng hóa đơn của lô hàng trên, tổ kiểm tra đã lấy mẫu sản phẩm Can xi Long Thái thành phẩm, trí lực bảo (dung dịch uống) thành phẩm và trung thảo nhân sâm Long Thái thành phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng.

Kết quả giám định là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo chất lượng. Hơn thế nữa, có nhà thuốc còn tẩy hàng hết date để chuẩn bị tuồn hàng chục nghìn sản phẩm ra thị trường.

Điển hình là 3 cơ sở kinh doanh tân dược ở 11A An Dương, 20 Nguyễn Biểu, 129 Phúc Xá đã có hành vi tẩy xóa, sửa chữa ngày sản xuất và hạn sử dụng của các sản phẩm tân dược, thực phẩm chức năng đã hết hạn sử dụng để đưa ra lưu thông trên thị trường. Đội QLTT số 14 đã tạm giữ 71.443 sản phẩm tân dược, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm.

Hàng giả, hàng nhái đã xâm nhập vào cuộc sống khi nó được bày bán và tiêu thụ nhiều trên thị trường Hà Nội như mặt hàng thời trang và túi xách. Ông Lưu Bách Chiến cho biết, qua kiểm tra điểm tập kết hàng hóa ở số 10 Hàng Ngang đã phát hiện 100 đôi giày mang nhãn hiệu Lacoste và 108 đôi giày mang nhãn hiệu LV giả mạo.

Chủ hàng là Bùi Phương Uyên đã bị xử phạt 16 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng giả. Không chỉ các nhãn hiệu nổi tiếng, đến bình chữa cháy, thiết bị vệ sinh, thuốc uốn tóc, ủ tóc cũng bị làm giả.

Việc cửa hàng kinh doanh thiết bị vệ sinh Tuấn Bình ở 445 Quang Trung, Hà Đông qua kiểm tra bị phát hiện kinh doanh thiết bị vệ sinh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu với giá trị ước tính 500 triệu đồng.

Vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự nên Đội QLTT số 30 đã chuyển toàn bộ hồ sơ và hàng hóa cho Công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Hay gần đây Đội QLTT số 7 kiểm tra điểm giao nhận hàng hóa thuộc Công ty CP thương mại và kỹ thuật An Phước ở quận Nam Từ Liêm, phát hiện công ty có dấu hiệu kinh doanh hàng giả.

Kiểm tra ở đây, Đội QLTT số 7 đã tạm giữ 226 hộp sản phẩm thuốc uốn tóc Maia 400ml, 57 hộp kem ủ tóc 500ml, 157kg nắp vỏ hộp các loại, 4kg màng co nilon, 20kg vỏ giấy bao bì sản phẩm nước ngoài; 2 thùng thuốc uốn tóc 150kg/thùng, 2 máy dập date, 2 máy chiết rót, máy dán màng co, vỏ thùng carton có in chữ Maia, 30g nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, 300 tem phản quang có chữ Maia…

Theo Chi cục QLTT Hà Nội, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái xâm nhập vào thị trường, ngay từ đầu năm đã tổ chức ký cam kết với 107.359 doanh nghiệp, hộ kinh doanh về không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả…

Tuy nhiên, còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cần phải được ráo riết tăng cường hơn, tránh để người tiêu dùng sử dụng phải hàng giả, hàng nhái, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Theo Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội, năm 2016 các lực lượng chức năng của Thủ đô đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 23.589 vụ hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm SHTT; nộp ngân sách nhà nước gần 3,9 nghìn tỷ đồng; khởi tố 205 vụ với 222 đối tượng. Riêng hàng giả, hàng vi phạm SHTT đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý 1.315 vụ.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/chong-hang-gia-hang-nhai-vao-thi-truong-ngay-giap-tet-426265/