Chông chênh quyền lợi cổ phiếu ưu đãi

(baodautu.vn) Việc phát hành quyền mua cổ phiếu với giá ưu đãi của doanh nghiệp niêm yết không phải lúc nào cũng mang lại quyền lợi cho nhà đầu tư.

Hàng ngày, các thông tin về những đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu đã trở nên quá quen thuộc đối với nhà đầu tư. Hầu hết doanh nghiệp khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu đều đưa ra phương án phát hành với mức giá khá ưu đãi, thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường, thậm chí chỉ bằng mệnh giá. Theo một số nhà phân tích, trong bối cảnh thị trường đang tăng trưởng tốt, việc doanh nghiệp phát hành quyền mua cổ phiếu rõ ràng là một quyền lợi lớn cho các cổ đông, nhưng trong bối cảnh thị trường xấu, thì chưa hẳn quyền này đã thuộc về cổ đông. Ông Đỗ Đức Cường, một nhà đầu tư cho biết, việc doanh nghiệp phát hành quyền mua không hẳn đã vì lợi ích của nhà đầu tư, vì không phải nhà đầu tư nào cũng muốn mua thêm cổ phần. Trong khi đó, cho dù nhà đầu tư có thực hiện quyền mua cổ phần phát hành thêm hay không, thì cổ phiếu của công ty vẫn đương nhiên bị pha loãng theo tỷ lệ của đợt phát hành. Do đó, vì không muốn mất quyền, nhà đầu tư buộc phải thực hiện bằng được quyền của mình, để không bị mất mát do cổ phiếu bị pha loãng sau đợt phát hành. “Rõ ràng, với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ gần như không được hưởng lợi thông qua các đợt phát hành quyền mua, mà về hình thức nhiều lúc tưởng như là sự ưu đãi đối với các cổ đông hiệu hữu của công ty”, ông Cường nói. Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), hầu hết các đợt phát hành quyền của doanh nghiệp đều thành công. Trong khi đó, những trường hợp phát hành ra bên ngoài không thể có được tỷ lệ thành công cao như vậy, nhất là trong thời điểm thị trường chứng khoán không thuận lợi. Một số chuyên gia chứng khoán cũng có nhận xét rằng, phần lớn các đợt phát hành cổ phiếu trên thế giới là để thu hút vốn từ cổ đông mới, nhưng ở Việt Nam lại chủ yếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, hay phát hành quyền với giá “một chấm” (bằng mệnh giá). “Nếu doanh nghiệp phát hành cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thành công rất cao, trong khi cổ phần hóa doanh nghiệp hay phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) chỉ thành công khi thị trường tốt. Còn khi thị trường xấu, phát hành cho cổ đông hiện hữu vẫn ổn”, một chuyên gia cho biết. Theo ông Hải, hiện nhà đầu tư Việt Nam vẫn có tâm lý từ thời điểm thị trường chứng khoán “nóng” trong hai năm 2006 và 2007, nên nhiều người vẫn lầm tưởng việc được mua cổ phiếu theo mệnh giá là một quyền lợi thực sự. Điều này khiến các cổ đông thường dễ dàng thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Trong khi đó, việc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu được thực hiện khá dễ dàng. Công ty chỉ cần có thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường lớn hơn mệnh giá là có thể lên phương án phát hành quyền với giá phát hành bằng mệnh giá. Sau đó, khi đợt phát hành được thông qua và phê duyệt là doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm và không lo cổ phiếu bị ế, vì các cổ đông - dù muốn hay không - vẫn phải mua cổ phiếu.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietchungkhoan/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/chungkhoan/binhluannhandinh/764697397f0000010169d738e50f698f