Chống buôn lậu ở miền Tây mùa lũ muộn- An Giang: Đường lậu biến tướng

Tưởng chừng đường lậu không còn “đất sống” tại biên giới An Giang sau khi hàng loạt các vụ buôn lậu đường, chủ đầu nậu bị lực lượng chức năng bắt giữ, khởi tố, nhưng tình hình buôn lậu mặt hàng này lại tiếp tục biến tướng tinh vi hơn. Hàng loạt khó khăn đặt ra cho lực lượng chống buôn lậu của Hải quan An Giang.

Tang vật đường phèn ngụy trang trong các thùng bia do Chi cục HQCK Vĩnh Xương bắt giữ. Ảnh: Đ.N.

Hóa lỏng đường lậu

“Những vụ việc đường lậu bị bắt giữ từ đầu năm đến nay, những đối tượng bị khởi tố chỉ là những tay chân trong các đường dây buôn lậu, những đầu nậu vẫn chưa bị tóm sau những vụ bị bắt giữ”, ông Nguyễn Tấn Bửu, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang cho biết. Tìm hiểu về hoạt động đường lậu tại biên giới An Giang, được biết các chủ hàng đang có xu hướng di chuyển các kho đường từ khu vực Khánh Bình sang Đa Phước và Tịnh Biên. Một trong những đầu nậu vẫn đang hoạt động khá rầm rộ là Mười T. và một số tay chân nhỏ sau khi Tỷ “đường” bị bắt giữ, khởi tố đã tranh thủ thời cơ phất lên.

Mùa nước năm nay tương đối cao hơn mọi năm, các đối tượng đã tận dụng xuồng ghe vận chuyển đường lậu qua biên giới, sau đó tập kết lên các xe tải để chở vào nội địa. Trước tình hình trên, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan An Giang đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an TP. Châu Đốc để ngăn chặn. Tối ngày 27-10, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan An Giang phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế- Công an TP. Châu Đốc tiến hành tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới tại ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang phát hiện, thu giữ 140 bao đường, tổng trọng lượng 7 tấn. Đây chỉ là một vụ bắt giữ đường vô chủ trong rất nhiều vụ mà các cơ quan chức năng trên địa bàn bắt giữ thời gian qua. Do không bắt được đối tượng nên chỉ xử lý theo hàng vắng chủ nên các chủ hàng gần như không lộ diện. Hoặc nếu có đối tượng đứng ra nhận hàng sau đó thì họ đã chuẩn bị được hồ sơ để đối phó khiến cho công tác xử lý khó khăn hơn.

Một biến tướng của đường lậu nữa là việc hóa lỏng đường lậu, chế biến đường phèn đã gây không ít khó khăn trong việc bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng. Riêng tại khu vực đối diện cửa khẩu Vĩnh Xương phía Campuchia có khoảng 4 cơ sở chế biến đường phèn từ đường Thái Lan, sau đó vận chuyển lậu về Việt Nam tiêu thụ. 100kg đường sẽ chế biến được 120kg đường phèn, giá lại cao hơn đường kết tinh nên đã thu hút một số chủ hàng đường lậu tham gia việc “biến tướng” này. Vừa qua, qua nguồn tin báo của quần chúng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương- Cục Hải quan An Giang đã tiến hành áp sát đối tượng đang tập kết đường phèn cách biên giới khoảng 100m để đưa vào nội địa trên xe tải mang biển kiểm soát 67C-040.17. Phát hiện lực lượng Hải quan, đối tượng cho xe chạy nhanh về hướng nội địa, tổ công tác đã tiến hành truy đuổi đến bến đò Tân An, xã Tân An, thị xã Tân Châu thì bắt giữ. Kiểm tra trên xe, đối tượng Huỳnh Văn Tây đã vận chuyển 3,5 tấn đường phèn không giấy tờ, nguồn gốc hợp pháp. Đối tượng Tây khai nhận vận chuyển cho một người tên Hoàng, ở Hóc Môn, TP.HCM không rõ địa chỉ cụ thể.

Đường lậu "đi kèm" cùng sự nhộn nhịp tại khu vực bến đò Đường Cộ sang Gò Tà Mâu (Campuchia) trong mùa nước năm nay Ảnh: Thái Lý

Đối mặt khó khăn

Hiện nay, tại khu vực phường Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc, đối diện Gò Tà Mâu nước lũ tràn đồng. Lượng người sang Gò Tà Mâu đánh bạc, mua hàng rất đông nhất là dịp cuối năm. Chúng tôi quan sát có ít nhất 10 bến đò đưa người sang Campuchia, họ mời chào, chèo kéo khách để đưa đò sang Gò Tà Mâu nhộn nhịp cả một đoạn đường. Họ quên rằng việc đưa khách sang Campuchia như thế là trái phép, phải thông qua lực lượng kiểm soát biên giới mà cụ thể là lực lượng Biên phòng. Trong bức tranh nhộn nhịp đó, rất nhiều đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu qua biên giới trà trộn để hoạt động. Tại bến đò Đường Cộ, có ít nhất 20 xuồng máy túc trực đưa khách qua biên giới.

Phó Đội trưởng phụ trách Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan An Giang Phan Văn Tâm cho biết, hoạt động kiểm soát chống buôn lậu của đơn vị tại địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, khu vực này không còn là địa bàn hoạt động hải quan theo Nghị định 01/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nên tất cả các vụ việc phải phối hợp.

Mặc dù đã có quy chế phối hợp với các lực lượng cũng như xây dựng các kế hoạch ngắn hạn nhưng trên thực tế hiệu quả chống buôn lậu vẫn còn hạn chế vì công tác phối hợp chưa thật nhịp nhàng, có lúc có nơi các lực lượng chưa thật sự tin tưởng nhau. Thời gian trước, Đội Kiểm soát Hải quan từng là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh chống buôn lậu tại khu vực đối diện Gò Tà Mâu này. Cuối năm 2015 và năm 2016, Đội Kiểm soát Hải quan đã từng bắt nhiều vụ buôn lậu có giá trị tại khu vực này, mặc dù có phối hợp nhưng đã có đơn báo (mạo danh) đơn vị hoạt động ngoài địa bàn hải quan. “Không loại trừ có thế vì một vài lợi ích riêng tư nào đó, một số cán bộ của các lực lượng chức năng có hành vi cản trở hoạt động chống buôn lậu của lực lượng Hải quan”- một cán bộ Hải quan cho biết!

Một khó khăn nữa là hiện nay lực lượng “canh đường” quá dày đặc, hoạt động 24/24 giờ. Tại Đội Kiểm soát Hải quan, chúng tôi quan sát có nhóm 3-5 người túc trực trước cổng, tay lăm lăm điện thoại di động để có thể bấm gọi. Vừa bước ra khỏi trụ sở để đưa phóng viên Báo Hải quan đi thực tế, tất cả nhóm người này đồng loạt điện thoại cho các “cửu vạn”, đầu nậu. Điều này chứng tỏ có không ít nhóm buôn lậu đang hoạt động tại khu vực này.

Tại khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, trong vòng 5 phút quan sát chúng tôi thấy người đàn ông bám trụ trụ sở Chi cục điện thoại hàng chục lần. Chúng tôi thử nhờ anh em Chi cục tạm thời ngừng canh gác, rút quân vào trụ sở xem tình hình thế nào thì bất ngờ gã này đứng ra ngoắc tay về hướng biên giới, hàng loạt xe gắn máy chở đường, thuốc lá lậu ào xuống, ngay trước trụ sở Chi cục. Ông Trần Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương giãi bày: Như thế đó nhà báo, tình thế bắt buộc chúng tôi phải bố trí canh gác liên tục tại cửa khẩu, nếu không hàng lậu sẽ xuống bất cứ lúc nào. Trong khi đó, Chi cục quân số rất ít phải bố trí các khâu nghiệp vụ làm thủ tục hàng hóa, hành khách, phương tiện, bộ phận hành chính… nên công tác canh gác đã khó khăn, công tác chống buôn lậu còn khó khăn gấp bội.

Từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan An Giang đã bắt giữ một lượng hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới trị giá trên 2,5 tỷ đồng, tăng hơn 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. An Giang vẫn là điểm nóng về hàng lậu trong khi công tác chống buôn lậu gặp không ít khó khăn. Càng về cuối năm, hàng lậu sẽ hoạt động mạnh nên khó sẽ càng thêm khó. Nếu các lực lượng không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, hàng lậu sẽ qua biên giới ngày càng nhiều, điểm nóng này không biết bao giờ sẽ hạ nhiệt.

Đăng Nguyên

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bai-2-an-giang-duong-lau-bien-tuong.aspx