Chống buôn lậu mùa nước nổi ở An Giang: Cuộc chiến chưa có hồi kết

An Giang là một trong những địa bàn trọng điểm buôn lậu của cả nước. Khi mùa nước nổi về, cuộc chiến chống buôn lậu của các lực lượng chức năng càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trung tuần tháng 8-2017, dọc theo địa bàn biên giới của TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu, huyện An Phú, huyện Tịnh Biên nước lũ lên khá cao. Đây cũng là thời điểm mà các lực lượng chống buôn lậu tỉnh An Giang gặp nhiều khó khăn trong công tác ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu trên địa bàn biên giới.

Buôn lậu chưa “hạ nhiệt”

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang cho biết: “Tuyến biên giới tỉnh An Giang dài gần 100km, tiếp giáp với hai tỉnh Kan Đal và Tà Keo, Vương quốc Campuchia. Nơi đây tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn ra rất nhức nhối. Đặc biệt là vào mùa nước nổi, từ tháng 8 đến tháng 11 và thời điểm sát Tết Nguyên đán.

Thời điểm này, nhiều đoạn biên giới bị chìm trong nước, trong khi lực lượng chống buôn lậu của đơn vị mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong việc túc trực ngày đêm để tuần tra, kiểm soát (TTKS) trên toàn tuyến. Do đó, các đối tượng triệt để lợi dụng tình hình, dùng nhiều phương tiện khác nhau tuồn hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam để tiêu thụ”.

Đường cát nhập lậu qua biên giới An Giang vẫn diễn biến phức tạp.

Cũng theo Đại tá Lý Kế Tùng, mặt hàng buôn lậu chủ yếu ở An Giang vẫn là thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan, mỹ phẩm… Các điểm nóng buôn lậu chủ yếu tập trung tại thị trấn Long Bình (huyện An Phú), Gò Tà Mâu (TP Châu Đốc), thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu).

Mặc dù các đơn vị đã lập chốt tại các “điểm nóng” với hàng chục cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ngày đêm túc trực để TTKS, đón bắt các đường dây, ổ nhóm buôn lậu. Tuy nhiên, các cơ quan chứng năng gặp rất nhiều khó khăn khi người dân sống sát khu vực biên giới bị các đối tượng buôn lậu thuê mướn tham gia vào hoạt động này.

Để tránh các chốt kiểm soát của lực lượng BĐBP, các đối tượng lợi dụng đêm tối, địa hình sông nước, đặc biệt là mùa nước nổi để dùng thuyền, xuồng, hoặc vác theo đường vòng nhằm tìm mọi cách đưa hàng lậu vào nội địa.

Được biết, các đối tượng buôn lậu đa phần là người dân sống tại địa bàn biên giới, họ thông thạo địa hình, nắm chắc hoạt động của các lực lượng chức năng. Họ không từ bất cứ thủ đoạn nào để đưa hàng lậu vào nội địa, đối với thuốc lá thì thường ngụy trang trong các bao đựng lúa, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chứa trong giỏ xách hoặc chia nhỏ ra để đưa lên xe khách, xe buýt; sử dụng xe gắn máy, ôtô vận chuyển theo các tuyến đường vào sâu trong nội địa.

Mới đây, lực lượng liên ngành chống buôn lậu An Giang, bất ngờ đột kích cơ sở chế biến đường T.B (ấp Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú), bắt quả tang nơi đây đang “hóa kiếp” đường Thái Lan thành đường phèn. Tổ công tác phát hiện 128 bao đường Thái Lan đang chờ “hóa kiếp”, 2 tấn đường phèn thành phẩm và hàng loạt các dụng cụ nấu đường dang dở.

Ở khu vực biên giới xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), tình trạng “hóa kiếp” đường lậu cũng diễn ra rất phức tạp. Nơi đây có 6 cơ sở chế biến đường hoạt động khá nhộn nhịp. Đặc biệt, cơ sở đường A. nằm cách biên giới chỉ 100 mét, từng bị chính quyền địa phương đề nghị di dời vẫn cứ “bám trụ”.

Ngoài việc nấu đường phèn tại Việt Nam, một số đối tượng còn tổ chức nấu đường Thái Lan thành đường phèn tại Campuchia, rồi lén lút vận chuyển về Việt Nam, khiến cho tình trạng buôn lậu đường cát ở An Giang càng trở nên phức tạp…

Cuộc chiến còn nhiều gian nan

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, hiện thuốc lá lậu có chiều hướng gia tăng do các đầu nậu nắm bắt được khó khăn của các lực lượng trong xử lý thuốc lá lậu. Nếu như trước họ chỉ vận chuyển 490 gói/lần/xe, thì hiện nay họ vận chuyển mức phổ biến là 1.500 gói/lần/xe. Thậm chí các đối tượng buôn lậu còn sử dụng ôtô để vận chuyển thuốc lá lậu.

Ngoài phương thức cũ, như: cử người canh đường, theo dõi hoạt động của các cơ quan chức năng; chia nhỏ hàng hóa vận chuyển… các đối tượng buôn lậu không chứa thuốc lá trong nhà hoặc kho mà để ở các khu đất trống, vắng người và cắt cử người ở gần đó canh giữ, chờ người đến nhận hàng. Khi bị phát hiện thì nhanh chóng “bỏ của chạy lấy người, nên rất khó trong việc bắt giữ người và tang vật.

Ông Thái Văn Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú) cho biết, hiện khu vực biên giới huyện An Phú có 6 kho, cơ sở sản xuất đường đang hoạt động. Do địa bàn biên giới giữa hai nước có dòng sông chung nên các đối tượng khai thác triệt để yếu tố này để đưa đường lậu qua biên giới.

Chỉ “nháy mắt” là những chiếc ghe máy tốc độ cao sang sông đưa đường vào kho, chuyển vào các bao đường nội địa. Tất nhiên họ luôn có hóa đơn chứng từ để đối phó. Họa hoằn lắm mới có việc chênh lệch giữa đường trong kho và chứng từ.

Để hạn chế tình trạng buôn lậu, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh, nhằm siết chặt buôn lậu ở các cửa ngõ. Trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng BĐBP, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, thành lập các chốt liên ngành ở các khu vực trọng điểm về buôn lậu.

Vì vậy, các đối tượng buôn lậu không dám công khai hoạt động như trước. Tuy nhiên, với gần 100km biên giới, nhất là mùa nước nổi về thì chỗ nào cũng có thể diễn ra hoạt động buôn lậu. Và dù muốn hay không vẫn có những kẽ hở cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng để hoạt động. Mặt khác, do lợi nhuận của việc buôn lậu không hề nhỏ nên người dân ở những vùng giáp ranh biên giới vốn chủ yếu sống bằng nghề nông, cuộc sống khó khăn vẫn hằng ngày tiếp tay cho bọn buôn lậu.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, khi nào người dân vùng biên vẫn ham lợi nhuận, nhất thời tiếp tay cho bọn buôn lậu thì khi đó hoạt động chống buôn lậu vẫn sẽ là bài toán khó. Bởi dù có nỗ lực bao nhiêu thì lực lượng chống buôn lậu cũng chỉ cắt được phần ngọn, phần gốc rễ cứ tiếp tục lớn mạnh và hậu quả là nguồn thu ngân sách của Nhà nước bị ảnh rất lớn.

Nguyễn Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/chong-buon-lau-mua-nuoc-noi-o-an-giang-cuoc-chien-chua-co-hoi-ket-454750/