Chọn Tây Ninh làm điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp

Sáng 6-1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Tây Ninh, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Tạp chí Nhà, Hội thảo quốc tế: “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh”. Tham dự, có đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và 40 đoàn khách quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân, Tây Ninh được đánh giá là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp; quỹ đất dành sản xuất nông nghiệp chiếm trên 65% (gần 270 nghìn ha) diện tích đất tự nhiên; địa hình khá bằng phẳng thuận tiện sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn, đất đai thích nghi với nhiều loại nông sản nhiệt đới.

Tuy nhiên, các nông sản phẩm tiêu thụ chủ yếu và chế biến ở dạng thô, không có thị trường ổn định và nhiều sản phẩm chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của quốc gia và quốc tế, chuỗi giá trị một số ngành hàng chưa phát triển. Điều này khiến doanh thu và giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích còn thấp, sản xuất và thị trường không ổn định, hiệu quả kém, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Hiện nay, số lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng còn hạn chế, sản lượng xuất khẩu còn ít, nhất là vào thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng cao như: Nhật, Hàn Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ… Do lối canh tác truyền thống theo hộ nông dân hoặc tổ hợp tác nhỏ lẻ nên sản xuất vừa manh mún vừa thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng nhất, sức cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân thu nhập thấp.

Ông Phạm Văn Tân cho biết thêm, với việc được chọn làm nơi thực hiện mô hình điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung cơ cấu lại, trong đó liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường. Cụ thể, tỉnh sẽ đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh; nghiên cứu, tìm kiếm và mở rộng thị trường...

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Nghị quyết số 06 - NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, ngày 5-11-2016 cũng chỉ rõ: “Tập trung phát triển ngành nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Triển khai hiệu quả các nội dung “tam nông”, mô hình “liên kết bốn nhà”. Khuyến khích phát triển bền vững kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới với hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, để “phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh”, Tây Ninh cần thực hiện đồng bộ từ quy hoạch phát triển ngành hàng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm vốn, lao động, ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất, dịch vụ logistic…

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ chế, chính sách, hỗ trợ Tây Ninh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị; Ngân hàng Nhà nước có chính sách bảo đảm vốn và vay vốn ưu đãi theo các đề án được phê duyệt. Trên cơ sở mô hình điểm sẽ trở thành nơi chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Văn Bình tin tưởng, sau năm năm triển khai mô hình “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế”, GDP của nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cán mốc tám tỷ USD và thu nhập nông dân từ 1,5 nghìn USD/năm, lên năm nghìn USD/ năm.

Tại hội thảo, hơn 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng ký cam kết đầu tư hơn 15.000 tỷ vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh từ năm 2017-2020.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31763802-chon-tay-ninh-lam-diem-phat-trien-chuoi-gia-tri-nong-nghiep.html