Chọn nghề để không thất nghiệp

GD&TĐ - Chọn ngành nghề và học để nắm chắc kỹ năng nghề nghiệp mới là điều mà các lao động trẻ thực sự cần đến. Đây cũng chính là sự khác biệt của hệ đào tạo cao đẳng nghề, bên cạnh danh hiệu kỹ sư thực hành thì các sinh viên khi tốt nghiệp đã được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng thực hành chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và không bị ám ảnh bởi nỗi lo thất nghiệp.

Thích ứng với thị trường lao động

Theo trang tuyển dụng Vietnamworks, báo cáo phân tích thị trường lao động, triển vọng và sự vận động của thị trường tuyển dụng tại Việt Nam năm 2017 đã bắt đầu với sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ngay trong quý I, nhu cầu tuyển dụng tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. Hồ sơ tuyển dụng cũng tăng 38%.

Với dữ liệu từ hơn 3 triệu chuyên gia trên khắp Việt Nam, có thể thấy một số con số hứa hẹn về xu hướng công việc trong các ngành công nghiệp khác nhau và các địa điểm khác nhau.

Theo đó, nhóm công việc có nhu cầu tuyển dụng cao nhất hiện nay là: CNTT - Phần mềm; Hành chính - Thư ký; Kế toán; Dịch vụ khách hàng; Quảng cáo - Khuyến mãi - PR; Cơ khí - Kỹ thuật; Kiến trúc - Thiết kế nội thất; Xây dựng dân dụng; Tiếp thị; Bán hàng. Các công việc có nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng cao nhất trong 2 năm gần đây bao gồm: Điện - Điện tử; Điều hành; Sự quản lý; Dân sự - Xây dựng; Quảng cáo - Khuyến mãi - PR; Dịch vụ; Khách hàng.

Phân tích diễn biến của thị trường lao động trong những năm gần đây và tình hình phát triển thị trường kinh tế Việt Nam cho thấy, những ngành có cơ hội việc làm cao trong vòng 5 - 10 năm tới sẽ không có nhiều biến động. Trong đó, nhu cầu nhân lực các ngành: Công nghiệp kỹ thuật, Du lịch, Môi trường, sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù số lượng người thất nghiệp nói chung đang có xu hướng giảm, tuy nhiên số lao động có trình độ đại học trở lên lại đang nằm trong nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động. Chính vì vậy, chọn ngành nghề và học để nắm chắc kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với thị trường lao động mới là điều mà các lao động trẻ thực sự cần đến.

Thực hành xuyên suốt

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, cho biết: Học nghề nghiệp khác với học đại học cơ bản, một là đầu vào nhiều em học sinh có điểm tốt nghiệp THPT và học lực lớp 12, khối THPT không cao, nhưng khi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp thì lại thành danh được.

Lý do là cách đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp khác với đào tạo đại học ở chỗ: Giáo dục nghề nghiệp sẽ đào tạo 70% về thực hành, lấy kỹ năng xuyên suốt quá trình đào tạo của người học làm chuẩn phương châm để các trường xây dựng chương trình đào tạo, thiết kế phương án GD-ĐT cho trường mình.

Cũng theo ông Đồng Văn Ngọc, một số các điểm rất khác biệt sẽ được áp dụng từ năm 2017 trở đi của các trường nghề. Cụ thể: Đối với hệ trung cấp có 2 đối tượng: Một là trung cấp học 2 năm. Hệ trung cấp này, các em có thể tốt nghiệp THCS đã có thể đăng ký xét tuyển, nhưng đối với đối tượng học trung cấp 2 năm thì không được học liên thông lên các bậc học cao hơn.

Đối với các em học hệ trung cấp 3 năm, trong đó có 2 năm học chuyên môn, một năm học các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD&ĐT, vì vậy tổng số năm học là 3 năm trình độ trung cấp, và đối với những đối tượng này các em tốt nghiệp được cấp bằng trung cấp và được học liên thông lên các trình độ cao hơn.

Đối với hệ cao đẳng, năm nay là năm đầu tiên Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép các trường khi đủ điều kiện tuyển sinh và đào tạo thì ngoài cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, các trường được ghi công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành đối với các ngành nghề kỹ thuật và cử nhân thực hành đối với các ngành về công nghệ, kinh tế và các ngành khác.

Từ năm 2017, gần 1.000 trường cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc sẽ thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Quy định tuyển sinh, đào tạo theo Luật này, chuẩn đầu tuyển sinh hệ cao đẳng là thí sinh tốt nghiệp THPT trở lên.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/chon-nghe-de-khong-that-nghiep-3652411-b.html