Chọn mặt mà gửi vàng mười

Như vậy là sau nhiều ngày chờ đợi, các thí sinh trên cả nước đã chính thức có được ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng đầu vào và điểm ngưỡng xét tuyển của các trường đại học. Về cơ bản, Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay mới đi được hơn nửa chặng đường.

Theo quy chế, từ ngày 15-7 đến hết ngày 23-7, thí sinh sẽ được quyền thay đổi nguyện vọng nếu có nhu cầu. Và như thế, có thể coi cuộc đua vào các trường đại học của thí sinh mới thực sự bắt đầu.

Không quá chật vật như các năm trước, không nhiều so đo toan tính như thế hệ các thí sinh cách đây vài năm, cũng không tới mức phải huy động cả phương tiện ưu tiên để chạy đến trường nọ, qua trường kia, quăng hồ sơ chỗ này, ném nguyện vọng chỗ khác để cầu may, với cách làm mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất khi chạy phần mềm lọc ảo và về cơ bản đã khắc phục được sự căng thẳng khi tham gia xét tuyển trong nhiều năm trước. Lượng thí sinh ảo cũng được lọc bỏ ngay từ đầu, giảm bớt áp lực cho các trường trong công tác tuyển lựa đầu vào.

Mặc dù xác suất trúng tuyển cho thí sinh được nới ra nhiều hơn khi mỗi em có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng và được lựa chọn thay đổi nguyện vọng vào phút chót cho phù hợp với năng lực, phù hợp với nguyện vọng của bản thân, nhưng cũng vì thế, nhiều thí sinh lại phải bước vào một cuộc chơi mới, cuộc chơi với bài toán về mức điểm, về số chỉ tiêu, về điểm ngưỡng đầu vào… để bảo đảm chắc chắn cho mình một tấm vé vào đại học. Và chỉ đến khi “tàn canh”, các em mới biết con đường học vấn của mình sẽ đi về đâu. Dĩ nhiên, theo cách làm của năm nay, số thí sinh đạt điểm cao mà “rớt đài” như những năm trước sẽ chỉ còn là trường hợp hy hữu.

Trong cuộc chạy nước rút này, dự báo việc rút ra, nộp vào để thay đổi nguyện vọng của thí sinh sẽ là rất ít. Bởi về cơ bản, các trường khi đưa ra điểm ngưỡng xét tuyển đều đã căn cứ trên cơ sở số nguyện vọng mà thí sinh đăng ký ban đầu cũng như mức độ thu hút, chất lượng thí sinh… Cũng chính vì thế, không phải thí sinh căng thẳng mà chính các trường tốp dưới lại có nhiều lo lắng nhất do không tuyển đủ chỉ tiêu và chất lượng đầu vào sẽ không cao như trông đợi. Sau ngày 1-8, ngày mà các trường công bố điểm trúng tuyển đợt đầu tiên, hẳn cũng là lúc cuộc tranh đua giữa các trường, các ngành tốp dưới mới thực sự sôi nổi. Và lúc ấy, cuộc rượt đuổi của các “vận động viên” trên con đường ma-ra-tông vào cổng trường đại học mới vào hồi cam go nhất.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT cung cấp thì 48 nguyện vọng là con số kỷ lục mà một thí sinh đã đăng ký các nguyện vọng xét tuyển trong kỳ thi năm nay. Điều đó cho thấy sự định hướng nghề nghiệp của nhiều em, nhiều trường dường như được làm chưa tốt. Và nhiều cá nhân vẫn còn có tư tưởng "bủa lưới" cầu may. Mọi sự lựa chọn đều có cái giá của nó. Khi mà chọn lựa chắc chắn có nghĩa là đã khẳng định được năng lực của bản thân, niềm tin vào chính mình và vững vàng với con đường mình đã chọn. Lẽ dĩ nhiên, những sự lựa chọn ấy sẽ được đền đáp xứng đáng. Thế nhưng, sự quăng chài cầu may, tất sẽ dễ bị hụt hẫng.

Do vậy, khi mỗi thí sinh thực sự chắc chắn, có niềm tin ở bản thân để gửi gắm tương lai của chính mình thì cuộc chạy đua vào trường đại học mới bớt đi căng thẳng, và chỉ có chắc chắn khi chọn mặt gửi vàng thì tương lai của chính các em mới mở ra sự xán lạn nơi cổng trường đại học.

TUỆ ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/chon-mat-ma-gui-vang-muoi-512547