Chọn kênh đầu tư cuối năm

Tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro là mong muốn của bất cứ nhà đầu tư nào. Nhưng lợi nhuận lại vốn tỷ lệ thuận với rủi ro. Có một số tiền nhàn rỗi nên chọn kênh đầu tư nào vừa có lợi nhuận, mà độ rủi ro lại có thể “chấp nhận” được?

Vàng, chứng khoán, hay bất động sản?

Lý thuyết chung cho các nhà đầu tư là “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Các kênh đầu tư phổ biến, truyền thống cho những người có tiền nhàn rỗi hiện vẫn là chứng khoán, vàng, bất động sản, trái phiếu, gửi tiết kiệm ngân hàng… và kênh đầu tư còn khá mới chưa phổ biến là các quỹ mở, các dự án khởi nghiệp.

Vàng được cho là kênh dễ đầu tư nhất, đại trà và tạo cho người nắm giữ cảm giác an toàn. Nhưng với sự ổn định của thị trường những năm gần đây thì cơ hội “lướt sóng” kiếm lời không có nhiều. Theo nhận định của các chuyên gia, hiện chưa có bất cứ yếu tố nào để có thể đoán định xu hướng của giá vàng trong vài tháng tới. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ tới đây được cho là một sự kiện sẽ tác động mạnh đến giá vàng thế giới. Nhưng với những diễn biến nhiều bất ngờ trên đường đua của hai ứng viên, rất khó để dự báo phần thắng thuộc về ai.

Cũng có đặc điểm ít biến động, không có lãi suất nhưng vẫn được một số nhà đầu tư kỳ vọng là ngoại tệ. Hiện lãi suất tiền gửi ngoại tệ vẫn ở mức 0% và với phương thức điều hành tỷ giá hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), rất khó để có những đợt biến động tỷ giá mạnh, tạo cơ hội cho những người đầu tư “lướt sóng”. Nhưng ngoại tệ vẫn được chọn để chờ thời cơ.

Chứng khoán là kênh dễ đầu tư, hấp dẫn nhưng lại đòi hỏi người chơi phải có kiến thức và sự chuyên nghiệp. Còn nếu có số tiền nhàn rỗi lên đến vài tỷ đồng thì nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào bất động sản. Dù là đất nền hay chung cư, về lâu dài, bất động sản vẫn có giá, nhưng lại đòi hỏi nhà đầu tư “trường vốn” và biết chờ đợi, vì để “nhảy theo sóng thị trường” không dễ. Chưa kể, vì vốn đầu tư lớn nên tỷ lệ thuận với lợi nhuận lớn, rủi ro cũng không nhỏ. So với những kênh đầu tư khác, gửi tiết kiệm được cho là không “đòi hỏi” nhiều lại an toàn hơn, lợi nhuận có thể tính trước, thậm chí lĩnh trước như một số sản phẩm huy động tiết kiệm của ngân hàng đang cung cấp. Rất nhiều người chọn gửi tiết kiệm, nhưng có bao nhiêu người biết cách để tối ưu hóa lợi nhuận?

Gửi tiết kiệm cũng không đơn giản

Với đặc thù của nền kinh tế là vốn đầu tư còn phụ thuộc quá lớn vào vốn tín dụng ngân hàng, nên gửi tiết kiệm ngân hàng ở Việt Nam vẫn được coi là một kênh đầu tư. Và từ lâu “luật bất thành văn” mà những ngân hàng luôn tuân thủ là lãi suất huy động phải thực dương. Hiểu một cách nôm na là lãi suất phải cao hơn tỷ lệ lạm phát tại thời điểm gửi tiền. Và khoảng cách để người gửi tiền thật sự có lãi là cao hơn lạm phát 2%. Thí dụ, năm nay chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội thông qua là lạm phát không vượt quá 5% thì lãi suất tiền gửi tiết kiệm phải là 7%/năm.

Đáp ứng luật bất thành văn trên nhưng hiện các NHTM còn phải tuân thủ quy định của NHNN là trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn dưới sáu tháng không được vượt quá 5,5%/năm. Từ những yêu cầu cơ bản này, ngân hàng có vô vàn sản phẩm huy động tiền gửi mà nếu không được tư vấn khách hàng rất khó để lựa chọn. Ngoài phương thức gửi truyền thống tại quầy, khách hàng có thể gửi tiết kiệm online, gửi góp, tiết kiệm kết hợp với bảo hiểm… Hiện, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Mức lãi suất thấp nhất là 0,3%/năm (không kỳ hạn) và cao nhất là 8,1%/năm.

Để giảm chi phí hoạt động và khuyến khích các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng thường áp dụng mức lãi suất nhích hơn một chút đối với khách hàng gửi tiết kiệm online. Khách hàng VIP sẽ được cộng thêm tỷ lệ nhất định từ 0,1 đến 0,3% so với lãi suất của cùng loại sản phẩm. Điều kiện trở thành khách VIP lại tùy thuộc chính sách của mỗi ngân hàng, ở mỗi thời điểm (thí dụ cuối năm ngân hàng chạy đua huy động, kỳ hạch toán quý…) phổ biến nhất là có số dư tiền gửi một tỷ đồng trở lên. Hầu hết khách hàng chọn kỳ hạn tiền gửi dưới 12 tháng không chỉ vì lo biến động lãi suất mà thường, nếu cùng một số tiền, gửi kỳ hạn ngắn hơn với hình thức lãi nhập gốc thì khách hành sẽ thu về khoản tiền lớn hơn so với gửi kỳ hạn dài. Trong trường hợp khách hàng tham gia hình thức tiết kiệm dự thưởng thì kỳ hạn gửi sẽ không được quay vòng liên tục và khi rút trước hạn sẽ thiệt đơn, thiệt kép. Nếu khách hàng quên không tất toán sổ để chuyển sang sản phẩm khác thì thời gian quá kỳ hạn gửi chỉ được tính lãi suất không kỳ hạn.

Năm nay các ngân hàng phát hành khá nhiều trái phiếu với lãi suất hấp dẫn xác định trên cơ sở: lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng của bốn NHTM nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank và Vietcombank) cộng thêm 1%. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của BIDV hiện đang là 6,9%/năm; Vietinbank ở mức 6,8%/năm; Agribank và Vietcombank cùng ở mức 6,5%/năm. Sau đợt phát hành của BIDV, hiện Vietcombank đang phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi.

Những con số trên cho thấy dù ở cùng “hạng” là nhóm NHTM nhà nước cũng đã có sự khác biệt về lãi suất. Do đó, khi gửi tiết kiệm nhà đầu tư cần cân nhắc lựa chọn ngân hàng để gửi tiền. Chọn được ngân hàng rồi bạn cũng đừng ngại hỏi tư vấn các giao dịch viên để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với mình. Và cũng đừng vì mình là khách hàng VIP mà bỏ qua những quy định, quy trình bảo đảm an toàn trong giao dịch!

Gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn nhất nhưng không phải là không có rủi ro. Thế nên mới có tổ chức gọi là Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (mức đền bù cho người gửi tiền khi một TCTD mất khả năng thanh toán tối đa là 50 triệu đồng/khách hàng).

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/31170602-chon-kenh-dau-tu-cuoi-nam.html