Chocolate nghệ thuật

Thị trường chocolate Việt Nam từ lâu đã quen thuộc với những sản phẩm đến từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp, Đức, Malaysia với các nhãn hiệu Guylian, Ducd’co, Jules Destrooper, Cemoi… và một số sản phẩm tại Việt Nam như Godiva (Kinh Đô), Chocobella (Bibica), Hải Hà-Kotobuki.

Trăn trở tìm hướng kinh doanh sau những năm du học, anh Đỗ Duy Hải, Giám đốc thương hiệu D’Art Chocolate, quyết tâm theo đuổi tạo dựng thương hiệu chocolate nghệ thuật và chocolate tươi ngay tại Việt Nam.

Anh Hải chia sẻ, thị trường chocolate Việt Nam còn khá non trẻ, sản phẩm ngoại nhập chiếm ưu thế. Các doanh nghiệp chocolate Việt Nam chưa có sự đầu tư về máy móc nên chất lượng sản phẩm không cao. Nắm bắt nhu cầu này, D’Art Chocolate đã lựa chọn phân khúc sản phẩm khá “xương” là đi theo mẫu mã sang trọng, đẹp mắt, đa dạng.

Từng sản phẩm của D’Art Chocolate đều được in hình những chiếc nón lá, áo dài, cây dừa… nhằm khẳng định thương hiệu chocolate Việt Nam với du khách tại các khách sạn lớn hay các trung tâm triển lãm. D’Art Chocolate còn có những sản phẩm chocolate nghệ thuật in hình cô dâu, chú rể để làm quà tặng các khách mời đến tham dự tiệc cưới.

Những bức tranh chocolate đậm nét dân gian như “Vinh quy bái tổ”, “Đám cưới chuột”, chợ Bến Thành, sông Hương... cùng những mẫu logo, slogan đa dạng theo đơn đặt hàng đã đưa thương hiệu D’Art Chocolate đến gần hơn với người tiêu dùng.

Anh Hải cho biết, những ngày đầu tiếp cận thị trường anh tìm hiểu một thời gian dài ở thị trường nước ngoài và nhận thấy nhu cầu sử dụng chocolate nghệ thuật làm công cụ quảng cáo thương hiệu cho doanh nghiệp rất lớn. Các doanh nghiệp thường qua các buổi gặp mặt, giới thiệu sản phẩm có những món quà nhỏ mang nét đặc trưng của công ty cho khách hàng giúp nhận diện được thương hiệu, sản phẩm của mình.

Giá cả món quà trên không cao hơn so với các hình thức giới thiệu khác nhưng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mới lạ nên nhiều công ty ưa chuộng. Đây chính là cơ hội D’Art Chocolate tiên phong tại Việt Nam, khi đầu tư khoảng 20 tỷ đồng nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu sản xuất những sản phẩm trên.

Chocolate rất dễ bị tan chảy, do vậy phải luôn đảm bảo nhiệt độ ổn định 16-280C. Sản phẩm chocolate nghệ thuật được làm ra phải trải qua rất nhiều công đoạn từ thiết kế đến sản xuất, đòi hỏi kỹ thuật và sự khéo léo. Để tạo nên những sản phẩm chocolate nghệ thuật có độ sáng bóng, vị ngon nguyên chất, phải bảo quản đúng cách nếu không sẽ bị biến dạng, hư hỏng.

Thị trường chocolate trên thế giới rất phát triển, như Hoa Kỳ được người dân nước này sử dụng như thói quen, trung bình sử dụng 6,5-7kg/năm/người. Trong khi đó, thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng chưa có thói quen sử dụng chocolate nhiều nên còn tiềm năng phát triển.

Nhiều hãng sản xuất chocolate nước ngoài đã nhìn thấy tiềm năng to lớn này nên đã có những bước thâm nhập thị trường. Đây sẽ thử thách lớn cho các thương hiệu chocolate Việt Nam muốn tiếp cận đến người tiêu dùng.

Do vậy, D’Art Chocolate hiện chưa đầu tư mạnh cho phân khúc bán lẻ và thường chỉ tung sản phẩm vào các dịp lễ, tết trong năm, đặc biệt những ngày lễ phụ nữ 8-3, 20-10, lễ tình nhân Valentine, Noel, ngày của mẹ và dịp trung thu. Ngoài ra, D’Art Chocolate vẫn tập trung cho mảng chocolate nghệ thuật ở phân khúc quà tặng doanh nghiệp, tiệc sinh nhật, đám cưới và khách du lịch. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường tiềm năng D’Art Chocolate sẽ hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới.

“Sắp tới, tôi sẽ mở một cửa hàng chocolate cà phê, một mô hình phát triển và rất phổ biến ở Australia và Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, hình thức này còn khá mới mẻ nhưng tôi tin sẽ là một cách đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng chọn lựa làm quà tặng. Đồng thời đây cũng là không gian dành cho khách hàng thưởng thức sản phẩm thức ăn và đồ uống từ chocolate nguyên chất” - anh Hải cho biết. Trung thu năm nay, D’Art Chocolate đã cho ra mắt dòng bánh trung thu chocolate và bánh dẻo tươi lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam (ảnh).

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20120917/chocolate-nghe-thuat.aspx