Choáng với ma trận thu phí đầu năm

Tới hẹn lại lên, lạm thu phí đầu năm tại các trường học dường như đã trở thành “chuyện thường” đối với các bậc phụ huynh.

Năm học mới là niềm vui của con trẻ song cũng là mối lo của các bậc phụ huynh (ảnh minh họa)

Vì con… chấp nhận nhắm mắt nộp tiền

Cầm trên tay danh sách dài lê thê về các khoản thu phí đầu năm, chị N.T.T., phụ huynh học sinh lớp 7 tại một trường THCS trên địa bàn phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tổng số tiền phải đóng lên tới hơn 8 triệu đồng. Theo đó, có tới 12 khoản thu bắt buộc từ học phí, sổ liên lạc điện tử, quỹ đoàn đội, bảo hiểm thân thể, học nghề, quỹ phụ huynh… cho tới tiền nước uống, mua báo, chăm sóc bán trú…

Ngoài ra, mỗi phụ huynh còn phải đóng thêm khoản xã hội hóa mua sắm các trang thiết bị cho phòng học gồm: Điều hòa, máy tính, rèm cửa, camera, máy chiếu… “Gọi là thu tự nguyện nhưng cũng áp mức tối thiểu cho mỗi cháu phải đóng 1,2 triệu đồng. Vô lý nhất là tiền đóng điều hòa, máy chiếu đã được thu từ năm trước, năm nay lại tổ chức thu. Thế nhưng vì muốn con không bị gây khó dễ nên đành nhắm mắt nộp tiền”, chị T. cho hay.

Mới đây nhất, một phụ huynh học sinh khối 6 trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã viết đơn kiến nghị gửi Sở GD&ĐT TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Trong đơn, vị phụ huynh này cũng phải xin giấu tên vì lý do “đảm bảo quyền lợi cho con em mình”.

Theo đơn phản ánh, học sinh khối 6 trường THCS Ngô Gia Tự ngay đầu năm học đã phải đóng 3 triệu đồng gồm: Tiền mua điều hòa, quỹ phụ huynh… Ngoài ra, tại buổi họp phụ huynh đầu năm vừa diễn ra, nhà trường thông báo các khoản đóng góp như sau: Chi phí học tiếng Anh theo chương trình Language Link kỳ 1 là 3 triệu đồng (tổng 2 kỳ/năm học là 6 triệu đồng); Mua tài liệu Language Link 460 nghìn đồng; Chi phí học thêm ba môn (Văn, Toán, Anh) là hơn 1,2 triệu đồng/tháng… Chi phí câu lạc bộ tự học; Ăn bán trú và chi phí trông buổi trưa…

Theo tính toán, tổng chi phí tối thiểu mỗi học sinh phải đóng lên tới hơn 3 triệu đồng/tháng. “Tất cả các khoản mục đều bắt buộc tham gia vì đây là theo mô hình nhưng đều thể hiện bằng các đơn đăng ký tự nguyện”, vị phụ huynh phản ánh và chia sẻ: “Phần đông các gia đình chọn trường công lập do phụ thuộc phần lớn là chi phí đóng học hàng tháng cho con. Tuy nhiên, với chi phí này thì các gia đình chủ yếu là công nhân viên Nhà nước không khỏi lo lắng và băn khoăn khi đầu tư liền trong bốn năm học mà còn phải cộng thêm các khoản chi phí học thêm do gia đình tự chọn bên ngoài”.

Đáng nói, phụ huynh còn phản ánh chất lượng chương trình liên kết dạy tiếng Anh Language Link không tương xứng với mức học phí mà phụ huynh phải bỏ ra. “Trong nhiều giờ học thầy/cô giáo Language Link chỉ ngồi làm việc riêng còn học sinh chơi là chính, hoàn toàn không có giá trị nâng cao như chất lượng quảng cáo, trong khi chi phí thì quá đắt”, một phụ huynh bức xúc.

Tất cả các khoản thu đều đúng quy định?

Về đơn thư kiến nghị thu phí bất hợp lý tại trường THCS Ngô Gia Tự, trả lời Báo Giao thông, cô Vũ Quỳnh Hương, Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Tất cả các khoản phí thu đều đúng quy định(!?). Theo đó, trước khi nhà trường áp dụng đều đã mang ra bàn luận tại buổi họp phụ huynh đầu năm. “Tại buổi họp, tất cả phụ huynh đều ủng hộ, đồng tình, không có ý kiến phản đối. Trên cơ sở này chúng tôi mới triển khai”, cô Hương cho biết. Về chất lượng dạy học theo mô hình tiếng Anh nâng cao, nữ phó hiệu trưởng cho hay: “Qua ý kiến của phụ huynh, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với Trung tâm Anh ngữ Language Link và họ cũng đã hứa sẽ cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh”.

Hội Phụ huynh chưa thực hiện tốt việc giám sát thu - chi và chống lạm thu trong nhà trường, bởi không ai muốn đương đầu, không dám chống lại hiệu trưởng vì chính con em họ sẽ bị ảnh hưởng… Do vậy, nhiều người vẫn cứ nộp tiền và vẫn cứ kêu mà không dám lên tiếng, bởi con em họ còn học ở trường”.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, người thành lập Hội đồng Giám sát cộng đồng ở trường học

Theo tìm hiểu, không chỉ trường THCS Ngô Gia Tự mà nhiều trường tiểu học và THCS khác trên địa bàn Hà Nội đều có mô hình lớp tiếng Anh nâng cao áp dụng chương trình Language Link. “Ngay từ đầu cấp, nếu phụ huynh nào muốn cho con học lớp tiếng Anh thì phải ký bản cam kết theo tới hết bậc học, không được bỏ ngang. Vì thế, khi phát hiện con học chương trình Language Link ở trường nhưng lực học càng sa sút, phụ huynh hốt hoảng, buộc lòng phải thuê gia sư hoặc cho con đi học trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để bù đắp”, chị N.T.A., phụ huynh học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học (quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ.

Theo ông Hoàng Hữu Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội, dù đã phân cấp quản lý về các Phòng GD&ĐT quận, huyện song trước tình hình “nóng” về thu phí, dạy thêm, ngay sau khi khai giảng, Giám đốc Sở đã ký quyết định thành lập bốn đoàn kiểm tra do bốn Phó giám đốc làm trưởng đoàn trực tiếp xuống các địa bàn. “Chúng tôi sẽ sớm công bố các trường vi phạm ngay sau khi có kết quả”, ông Trung cho biết.

Chưa biết kết quả kiểm tra ra sao, song trao đổi với PV Báo Giao thông, một vị đại diện Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết, thường xuyên nhận được phản ánh của phụ huynh về tình trạng lạm thu đầu năm. “Phản ánh đều dưới hình thức tin nhắn điện thoại không rõ địa chỉ, số thu chính xác. Còn qua hình thức đơn từ giấu tên lại rất ít, nhưng khi kiểm tra thực tế kết quả lại không như phản ánh”, vị này cho biết.

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/choang-voi-ma-tran-thu-phi-dau-nam-d168816.html