Choáng váng với giá trông người ốm sau Tết

Trông người ốm tại bệnh viện những ngày Tết là dịch vụ đắt đỏ đối với nhiều gia đình neo người. Mười năm trở lại đây, dịch vụ trông người ốm ngày Tết lúc nào cũng luôn trong tình trạng khan hiếm với giá tiền công cao ngất. Nhiều gia đình phải chấp nhận bỏ ra số tiền 1 triệu đồng/ngày để thuê người trông ốm.

1 triệu đồng/ngày công

Người nhà nhập viện 354 vào mùng 4 Tết, gia đình lại neo người nên anh Phạm Hữu Quang (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) phải nhờ đến dịch vụ “trông người ốm” để chăm sóc bệnh nhân. Xin được số điện thoại, anh Quang gọi điện. Đầu dây bên kia nhanh chóng bắt máy. Đó không phải là người trực tiếp làm công việc chăm sóc người ốm mà là môi giới.

Ở đây có tới vài đội chuyên chăm sóc người ốm, bao gồm cả nam và nữ. Mỗi đội có một môi giới riêng và phải thông qua người này bố trí thì những người chuyên chăm sóc bệnh nhân kia mới được vào làm việc. Hầu hết người bệnh cần thuê đều nằm ở phòng cấp cứu, bệnh tương đối nặng, nhà neo người.

Chị Tình trông nom bệnh nhân ở phòng cấp cứu Bệnh viện 354.

Khi biết mức giá trông người ốm vào mùng 4 Tết là 1 triệu đồng/ngày, anh Quang suýt ngã ngửa. “Mức giá ấy gia đình tôi không kham nổi”- anh Quang thở dài cho biết.

Cố gắng tận dụng 2 ngày nghỉ lễ để chăm sóc người nhà, đến mùng 6 Tết phải đi làm anh Quang mới thuê người. Mức giá mùng 6 Tết là 400.000 đ/ngày, từ mùng 7 giảm xuống 300.000đ. Sau khi đồng ý, một phụ nữ trạc 50 tuổi liên hệ với anh và đến nhận việc. Người môi giới nói đây là mức giá thấp nhất vì người ốm không phải bệnh nặng, nếu bệnh nặng thì tiền chăm sóc phải là 500.000đ/ngày.

Theo anh Quang thì đây không phải lần đầu anh thuê dịch vụ trông người nhà nằm cấp cứu ở Bệnh viện 354. Một môi giới có chừng 7 đến 10 lao động, sẵn sàng phục vụ người bệnh đủ các dạng. Giá trông người ốm luôn đắt đỏ, tuy thuê người trông nhưng nhà anh lúc nào cũng có thêm một người để trông cùng. Có những người làm chuyên nghiệp, thành thạo gần như một điều dưỡng, nhưng cũng có người mới vào làm, lóng ngóng và phục vụ không xứng với đồng tiền chủ nhà bỏ ra.

“Lần trước gia đình tôi thuê người trông ông cụ nằm cấp cứu ở đây với giá 300.000đ/ngày, nhưng người này mới đi làm, hầu như chẳng biết chăm sóc gì. Đêm mình thức là chủ yếu trông ông cụ, người được thuê lại lăn ra ngủ. Nếu nhà mình mà không cắt cử một người trông đêm cùng thì ông cụ xảy ra chuyện gì người kia ngủ say cũng chẳng biết”- anh Quang não nề.

Chuyện nghề của "ôsin" bệnh viện

Một triệu đồng bỏ ra thuê dịch vụ trông người ốm ngày Tết quả là không phải gia đình nào cũng kham nổi. Thế nhưng, có những nhà vẫn phải chấp nhận, miễn là số tiền bỏ ra thực chất, hiệu quả.

Làm nghề trông người ốm 10 năm nay ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Tình, quê ở Phú Thọ vẫn chưa có “chỗ đứng riêng”. Trông nom người ốm chủ yếu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, nhưng chị vẫn phải thông qua môi giới để có việc làm. “Mùng 2 Tết có điện thoại gọi là tôi xuống đây ngay, lương mỗi ngày 1 triệu nên đi làm sớm thì có gì đâu mà ngại”- chị Tình đon đả cho biết.

Không có con nên cái Tết với chị không quá ràng buộc, nếu năm nào có người thuê thì chị sẽ làm thông Tết luôn. Giá trông người ốm ngày Tết gấp vài lần ngày thường nên chị không ngần ngại giao việc nhà lại cho chồng.

“Sáng nay đang ở bên Việt Xô có điện thoại bảo qua bên này làm, tôi đi ngay. Mấy ngày Tết phòng cấp cứu cũng ít bệnh nhân, ở đây lại rộng rãi nên có chỗ ngồi thoải mái”- chị Tình cho biết. Theo chị Tình thì nếu thông qua môi giới, chị không được hưởng hết giá trông 1 triệu/ngày mà phải cắt lại, có khi là 10 đến 30% tùy thuộc vào mỗi chủ môi giới.

10 năm trông người ốm ở hầu hết các bệnh viện lớn như Lão khoa, 108, Tim Hà Nội, 354… chị Tình khá dày dạn kinh nghiệm. Chị nắm rất rõ các chỉ số đo trên máy và theo dõi người bệnh qua máy. Khi máy báo hiệu có vấn đề, chị sẽ đi gọi bác sĩ đầu tiên, sau đó đến người nhà. Chăm sóc cho người bệnh tai biến, chị có cách nâng lên, đặt xuống riêng. Ngay cả khi cho ăn bằng ống xông, chị cũng làm thuần thục, khéo léo mà ngay cả người nhà bệnh nhân cũng không thể làm được.

“Một là bệnh nặng hẳn, hoặc nhẹ hẳn thì chăm sóc dễ, còn người bệnh cứ “dở dở, ương ương” lại khó chăm sóc. Mình làm lâu năm có kinh nghiệm nên chủ nhà khá hài lòng. Nhiều người mới vào nghề, làm việc lại không tận tâm, chủ nhà đổi người khác ngay” – chị Tình kể.

Theo chị Tình thì làm nghề này đôi khi gặp người bệnh khó tính, nhất là các cụ già bị lẫn, nhiều khi cũng bị con cái họ hiểu lầm, nói nặng nhẹ. Ngoài kiên nhẫn, tận tâm, cần nhất là phải trung thực thì mới làm nghề này được lâu bền.

Vào nghề được 5 năm, chị Lý Thị Đào quê ở Hưng Yên cho biết, để vào được một số bệnh viện trông người ốm không phải dễ dàng. Chị có người nhà làm môi giới nghề này ở Hà Nội nên khi nào có việc gọi là chị tức tốc bắt xe từ quê lên ngay.

“Trưa qua, tôi đang làm cơm hóa vàng thì có điện thoại, thế là đi ngay”- chị Đào cho biết. Chị Đào từng trông người ốm 1 năm ở Bệnh viện 354, sau sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô làm hơn một năm nay. “Lần này chủ gọi sang 354 trông bệnh nhân ở phòng cấp cứu, người bệnh bị viêm phổi, trông cũng đơn giản hơn người bị liệt nằm một chỗ. Tết năm ngoái tôi trông người bệnh cũng đã giá 1 triệu/ngày rồi chứ không phải năm nay”- chị Đào khoe.

Theo chị Đào thì giá tiền công trung bình thỏa thuận với chủ là 300.000/ngày, nếu bệnh nặng thì cao hơn, ăn ở luôn trong bệnh viện. Tuy nhiên, tiền công đó chị cũng như các lao động qua môi giới khác không được nhận hết, chỉ được 200.000-250.000đ/ngày. “Ngày mới đi làm môi giới đều nhận tiền, sau đó họ cho mình bao nhiêu thì mình được bấy nhiêu”- chị Đào kể.

Trần Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/kiem-bon-tien-tu-dich-vu-trong-nguoi-om-sau-tet-427142/