Choáng váng mỗi khi đang ngồi đứng dậy

* Bác sĩ ơi, tôi gần 60 tuổi, vì sao tôi hay có tình trạng choáng váng mỗi khi ngồi rồi đứng dậy? (Nguyễn Thanh Nhàn - TP.HCM)

- Trả lời: Hệ thống tiền đình giúp cho cơ thể giữ được thăng bằng trong không gian, có cảm nhận về vị trí và dịch chuyển trên mặt đất. Hệ thống này hoạt động chịu sự chi phối của nhiều yếu tố trong đó có một yếu tố rất quan trọng là tình trạng cung cấp máu cho não. Khi máu cung cấp cho não bị giảm đi do huyết áp thấp; hạ huyết áp tư thế; hay do hẹp, tắc động mạch cảnh, động mạch não vì xơ vữa động mạch sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, khó định vị chính xác vị trí của mình trong không gian. Triệu chứng này sẽ tăng lên khi bệnh nhân thay đổi tư thế đột ngột như quay đầu hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh. Để được chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần phải làm siêu âm Doppler màu hệ động mạch cảnh và vòng Willis xem có bị hẹp hay tắc động mạch cảnh và tình trạng tưới máu của động mạch não có tốt hay không. Nếu động mạch cảnh bị hẹp do xơ vữa động mạch trên 70%, bệnh nhân cần được phẫu thuật lấy đi mảng xơ vữa, sau đó vá hay nối động mạch cảnh bằng tĩnh mạch tự thân hay bằng miếng vá và ống ghép nhân tạo thì tình trạng chóng mặt do thiếu máu não mới được cải thiện. Tuy nhiên bệnh nhân cũng rất cần đến khám tại thầy thuốc chuyên khoa để loại trừ chóng mặt do các nguyên nhân khác như: u não, dị dạng mạch máu não... PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (ĐH Y Dược TP.HCM)

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201006/20100205174832.aspx