Choáng ngợp với danh xưng 'người cầm bút'!

'Người cầm bút là người tạo ra giá trị tinh thần cho con người trong mọi thời đại và chế độ xã hội'. Thế nhưng, không ít kẻ đã nhân danh 'người cầm bút' để làm chuyện... tào lao trên facebook.

Vụ việc ông Nguyễn Liên (ở Đắk Lắk) đăng lên facebook (FB) tấm hình có nội dung miêu tả cảnh ăn chơi sa đọa, kèm lời bình không đúng sự thật vào ngày 18/11vừa qua đã tạo bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cán bộ chính quyền và ngành giáo dục thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Hành vi bịa đặt thông tin sai trái của ông Liên đang được các cơ quan chức năng tiến hành xử lí.

Điều đáng nói hơn, thông tin nghề nghiệp trên trang FB của người này ghi là “Phóng viên tại Đắk Lắk”. Nhưng theo ông Tô Đình Tuấn – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông,“Trong Hội có một hội viên tên Nguyễn Liên. Ông Liên đã nghỉ hưu và hiện không phải là phóng viên của bất kỳ tờ báo nào”.

Đến trưa 19/11, tài khoản FB Nguyễn Liên đã đăng lời xin lỗi về vụ bịa đặt thông tin như sau: “Trong mấy ngày vừa qua tôi có đăng bài viết kèm theo hình ảnh về vụ cán bộ ở thị xã hồng lĩnh, (NV) do nghe tivi nói qua tôi đã hiểu sai về nội dung, vội vàng đăng bài trên fabook. Vô tình đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cán bộ chính quyền và nghành giáo dục thị xã hồng lĩnh. Nay nhận ra việc làm sai của mình tôi thành thật xin lỗi cán bộ và giáo viên thị xã hồng lĩnh. Rất mong được lượng thứ, tôi trân thành cảm ơn, và đây là bài học xương máu đối với người cầm bút như tôi”.

 Lời xin lỗi đăng trên facebook Nguyễn Liên với nhiều lỗi chính tả.

Lời xin lỗi đăng trên facebook Nguyễn Liên với nhiều lỗi chính tả.

Thật ngỡ ngàng về trình độ của một “người cầm bút”! Viết có mấy dòng chữ mà sai chính tả như thế này thì quả là rất thiếu tinh thần trách nhiệm... giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Còn nhớ những ngày đầu tập tành tham gia FB tôi luôn cảm thấy mình “thấp bé nhẹ cân”, bởi nhìn quanh trong thiên hạ có rất nhiều “cây đa cây đề” với danh xưng “nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ” tầm cỡ. Đấy là chưa kể đến các “văn hào”, “thánh thơ” tuy tên tuổi lạ hoắc nhưng giọng “nổ” vang rền từng khiến nhiều chị em yêu văn chương “ảo” mê mệt.

Thói đời “thùng rỗng kêu to”; giá trị của người cầm bút chân chính đâu phải ở danh xưng, mà họ cũng không “rảnh” để làm trò vô bổ trên FB.

Trớ trêu thay, có kẻ góp nhặt đây đó được vài câu thơ liền tự phong cho mình danh xưng “thi sĩ”; người được đăng bài trên mục “ý kiến bạn đọc” thì tưởng mình đã trở thành “nhà báo”.

Thế là hiện tượng xưng danh “nhà này, nhà nọ” để ra oai, tạo sự quan tâm đã trở thành chiêu trò quen thuộc trên FB. Tuy “nói thật mất lòng”, nhưng từng có người phải viết:

Lắm kẻ ỡm ờ xưng hùm, xưng bá

Xuất hiện "thầy bà" tùm lum tà la

Văn như văn quảng cáo Xốptina

Thơ giống thơ tuyên truyền vòng kế hoạch

Nói chung, dở như hạch

Vẫn khoe từng viết sách với in thơ!

Cũng trên FB, không thể không nhắc đến rất nhiều sáng tác hay của những người-bình-thường. Mặc dù họ chẳng bao giờ xưng danh và ít “bạn bè”, nhưng đôi câu thơ ngẫu hứng, vài dòng tản văn lãng mạn hoặc bài phiếm luận sâu sắc... luôn đọng lại trong lòng người đọc cảm xúc quý mến, sự trân trọng ngập tràn yêu thương. Có thể nói:

Rất nhiều bạn trải lòng sáng tác

Áng văn, thơ chân chất từng dòng

Như ôm trọn cả non sông

Thênh thênh cò lả, lúa đòng ngát hương...

Bao đời nay vẫn thế, chốn văn chương ngọt ngào và gai góc; nghiệp viết lách như kiếp tằm nhả tơ. Người cầm bút chân chính là người luôn vững tâm sáng, bởi xã hội cần những sợi tơ vàng óng chứ không “dùng” được cái danh xưng... to đùng!

Lệ Hoa

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/boi-nho-giao-vien-ha-tinh-choang-ngop-danh-xung-nguoi-cam-but-a307293.html