Cho ý kiến về Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi)

Cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị, cần phải có quy định mang tính dự báo làm cơ sở cho việc xử lý tội phạm khi phát hiện vật thể hoặc loại cây mới có chứa chất ma túy mà không phải sửa đổi, bổ sung BLHS.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đọc Tờ trình Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS 2015) của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lần này liên quan đến 141 điều: 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung và bãi bỏ 1 điều.

Sai đâu sửa đó

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, trong quá trình xây dựng dự án Luật, có hai luồng ý kiến khác nhau về quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS 2015. Cách tiếp cận thứ nhất cho rằng, BLHS lần này cần sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của BLHS 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của BLHS 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng việc sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là khắc phục triệt để những điểm chưa hợp lý của BLHS 2015, thậm chí là có thể sửa đổi căn bản, toàn diện Bộ luật, trong đó giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề liên quan đến việc lượng hóa các tình tiết mang tính định tính trong BLHS, nhất là các mức định lượng về hậu quả (tính mạng, sức khỏe, tài sản) cũng như xử lý một cách cơ bản các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại mà một trong những vấn đề cốt lõi là mối quan hệ giữa việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với khái niệm tội phạm, phân loại tội phạm; mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với trách nhiệm hình sự của cá nhân...

Cho ý kiến Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp tán thành với quan điểm nêu trong Tờ trình. Theo đó, sẽ sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội thông qua; phải đảm bảo góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm.

Cùng nhận định, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng chỉ nên sửa 141 điều có sai sót về mặt kỹ thuật và nội dung. “Nếu nhân dịp này tiếp tục sửa và mở ra rồi sửa thì chúng ta có thể đi lạc và không biết bao giờ BLHS mới có hiệu lực”, ông Hiển nói.

Đề nghị cần bám sát tinh thần của Nghị quyết 144 vì lý do lùi luật lại, sửa luật cần đảm bảo sự đồng bộ, sự tương thích giữa các bộ luật, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, BLHS 2015 sai đâu sửa đấy, còn chính sách hình sự không phải sửa gì, vì BLHS 2015 đã lấy ý kiến nhân dân rồi và các chính sách hình sự cơ bản được thể hiện xuyên suốt trong bộ luật.

“Chúng ta cần tập trung sửa đổi những điều khoản thể hiện chưa đúng, chưa chính xác, chưa đầy đủ tinh thần và nội dung của điều luật, cả kỹ thuật, cả nội dung. Những mâu thuẫn trùng lặp về nội dung trong từng điều từng khoản, ngôn từ chưa chính xác, chưa rõ nghĩa thì phải sửa hết. Chúng ta lùi thời điểm có hiệu lực của BLHS 2015 là sai sót về kỹ thuật chứ không sai về chính sách nên chúng ta không cần thiết phải mở rộng phạm vi”, bà Ngân nhấn mạnh.

Cần dự báo các loại ma túy mới

Vấn đề nhận được nhiều ý kiến của UBTVQH, đó là việc bổ sung các chất ma túy mới phát hiện (chất XLR-11 được tẩm ướp trong “cỏ Mỹ” và lá “Khát” có chứa chất ma túy Cathinone) vào cấu thành các tội phạm về ma túy để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy. Đồng thời, bổ sung quy định xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy, làm cơ sở cho việc xử lý hình sự đối với các tội phạm về ma túy.

Cụ thể, đối với trường hợp phạm tội ma túy đặc biệt nghiêm trọng mà BLHS quy định khung hình phạt đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (tức là khoản 4 các Điều 248 - 252 của BLHS 2015) thì phải xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự.

Theo bà Lê Thị Nga, trên thực tiễn đấu tranh phòng, chống ma túy ở nước ta cho thấy tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, khó lường; thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt như tẩm các chất ma túy vào tem giấy, bóng bay (ma túy tem, bóng cười…) gây hậu quả rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải xử lý kịp thời, nghiêm minh. Bà Nga đề nghị để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong đấu tranh với tội phạm về ma túy thì cần phải có quy định mang tính dự báo làm cơ sở cho việc xử lý tội phạm khi phát hiện vật thể hoặc loại cây mới có chứa chất ma túy mà không phải sửa đổi, bổ sung BLHS.

Theo bà Nga, để bảo đảm chặt chẽ, tránh việc lạm dụng, dự thảo Luật cần quy định rõ là: Các chất ma túy khác được Chính phủ quy định trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Đồng thời quy định nguyên tắc xác định khối lượng, thể tích của các chất ma túy mới được phát hiện tương ứng với các chất đã được quy định trong điều luật, bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nói: “Vấn đề ma túy, chuyện tử hình với chuyện mang vác ma túy đã được thảo luận tại 2 kỳ của QH, rất phức tạp và đa dạng, có thể hôm nay mình xử tội này, ngày mai nó có tội khác. Cần có khung mang tính cơ động trong bộ luật để “quét” tất cả những vấn đề liên quan đến các chất ma túy”.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/cho-y-kien-ve-bo-luat-hinh-su-2015-sua-doi-297738.html