Cho vay trồng rừng: Kênh tín dụng 'Xanh' cải thiện cuộc sống

Chương trình cho vay trồng rừng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một trong những kênh tín dụng 'xanh' tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ dân tiếp cận vốn vay lãi suất thấp và hỗ trợ kỹ thuật để trồng rừng góp phần bảo tồn thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế và thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả từ chương trình dự án phát triển ngành lâm nghiệp

Ngày 21/3 được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn làm Ngày quốc tế về rừng. Đây là dịp để các quốc gia nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng, khuyến khích người dân trong nước có trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng bền vững.

Từ năm 2005, diện tích rừng Việt Nam đã giảm từ 14,3 triệu hecta năm 1943 xuống còn 10,7 triệu hecta. Sau hàng thập kỷ rừng bị tàn phá cả nước có 7 đến 8 triệu hecta đất rừng không được sử dụng, bị thoái hóa và trở thành đồi trọc. Khoảng 25 triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng. Rừng cung cấp nguồn sinh kế, năng lượng và là nguồn cứu đói khi khó khăn. Cùng với việc đất rừng bị thoái hóa, đa dạng sinh học bị mất đi thì đòi hỏi về sản phẩm lâm nghiệp phục vụ sinh hoạt và công nghiệp lại tăng lên do dân số tăng nhanh và kinh tế phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, nghèo đói...

Để giải quyết những thách thức đó, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã hỗ trợ NHCSXH triển khai thực hiện dự án phát triển ngành lâm nghiệp nhằm giúp cho các hộ gia đình ở các tỉnh miền Trung Việt Nam vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật để trồng rừng nhằm cải thiện sinh kế, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Đây là một dự án cho vay trồng rừng thương mại đầu tiên tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với 2 trọng tâm chính là: Phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung Việt Nam và bảo tồn thiên nhiên. Dự án được triển khai tại 6 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An từ năm 2005.

Dự án cho vay trồng rừng tạo sinh kế lâu dài cho người dân. (Ảnh minh họa)

Sau gần 12 năm thực hiện, tổng dư nợ cho vay dự án phát triển lâm nghiệp đạt gần 500 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 323 tỷ đồng với hơn 103 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Nguồn vốn đến nay đã giúp phủ kín trên 76 nghìn hecta rừng trồng sản xuất.

Dự án đã có tác động tích cực về nhiều mặt bao gồm phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và ngành lâm nghiệp. Hoạt động của dự án cũng đã có đóng góp tích cực vào thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện và giảm nghèo của Việt Nam. Mặt khác, dự án đã tạo ra mô hình quản lý phát triển rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, qua đó đẩy mạnh bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng và đẩy mạnh đóng góp của lâm nghiệp vào nền kinh tế...

“Đến nay, đây là dự án đầu tiên và cũng là dự án duy nhất ở Việt Nam cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo trồng rừng, là hình thức được chứng minh bền vững hơn so với phương pháp truyền thống trợ cấp hoạt động trồng rừng”, bà Nguyễn Thị Thu Lan, chuyên gia Cao cấp về Môi trường của Ngân hàng Thế giới, Chủ nhiệm dự án cho biết.

Dự án đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tạo nguồn thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, dự án góp phần bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ rừng thông qua hoạt động trồng rừng, cải thiện chất lượng đất và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu.

Định hướng phát triển tín dụng xanh

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đe dọa tới tiến trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, tăng trưởng xanh chính là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế theo định hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần giảm nghèo và tạo động lực tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Một trong những mắt xích quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là hệ thống tài chính ngân hàng. Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các khu vực kinh tế hoạch định nhằm phát triển kinh tế bền vững. Vì thế, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với hiệu quả và ưu tiên đầu tư vốn tín dụng vào các lĩnh vực, dự án hỗ trợ TTX. Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng chỉ rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.

Có thể thấy, chính sách tín dụng “xanh” của NHCSXH đang là điểm tựa vững chắc, góp phần bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế cho người dân hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/cho-vay-trong-rung-kenh-tin-dung-xanh-cai-thien-cuoc-song.html