Cho vay tín chấp vốn lưu động doanh nghiệp SME như thế nào?

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng vấn đề là các NHTM có tổ chức nghiệp vụ này một cách bài bản, hệ thống và các chuyên viên có thực sự rèn luyện, chủ động lao vào ngành nghề gắn bó với doanh nghiệp hay không.

Trong bài trước, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đã đưa ra lập luận chứng minh rằng cho vay tín chấp vốn lưu động các DN vừa và nhỏ (SME) không rủi ro hơn, thậm chí tốt hơn vì sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn so với mất vốn. Đồng thời, ông Hiển cũng lý giải nguyên nhân vì sao lợi nhuận ngân hàng lại đến từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME.

Làm sao thúc đẩy cho vay tín chấp doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Dù vậy, từ nhận định đến thực hiện như thế nào theo chuyên gia này là một vấn đề không đơn giản.

Khi quan sát vài NHTM ở Việt Nam, ông Hiển cho rằng dường như chỉ tiêu cho vay - sinh lợi - an toàn từ cấp trên ‘áp’ xuống các chi nhánh, rồi tiếp tục sếp các chi nhánh lại ‘áp’ xuống các trưởng - phó phòng, rồi tiếp tục đè xuống chuyên viên, mà phần nhiều là chuyên viên trẻ. Đến đây thì cũng dễ hiểu vì sao chuyên viên trẻ khó cho vay tín chấp vốn lưu động doanh nghiệp SME (sợ rủi ro).

Chuyên gia Đinh Thế Hiển đưa ra 3 lý do như sau:

Thứ nhất, các chuyên viên tín dụng phải tự kiểm soát rủi ro các khoản cho vay, khó thuyết phục cấp trên trong khi phải "đổ sức" tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp...

Thứ hai, phía trên chỉ ủng hộ chủ trương chứ không hỗ trợ cụ thể về các nghiên cứu, các quy định cụ thể theo quan điểm "kinh doanh".

Thứ ba, tự thân các chuyên viên trẻ cho rằng mình "đủ giỏi", và xem nhiệm vụ của họ là tìm các DN có hồ sơ đạt. Ngược lại, họ xem các DN thiếu hồ sơ là đối tượng rủi ro (nguy hiểm).

Theo đó, ông Hiển cho rằng : “Để cho vay tín chấp vốn lưu động doanh nghiệp SME cần phải tổ chức có hệ thống từ hội sở xuống chi nhánh thì chuyên viên tín dụng mới có ‘vũ khí’để chinh chiến và thắng lợi.”

Để làm được điều đó, ông Hiển cho rằng, thứ nhất, các ngân hàng phải tổ chức sản phẩm tín chấp. Đây là nhiệm vụ của hội sở, phải có bộ phân xây dựng sản phẩm theo mô hình tài chính và số liệu thực tế (như các tổ chức tín dụng nước ngoài), từ đó đưa ra các tiêu chí, định lượng chi tiết về loại hình tín chấp SME (vốn lưu động cho vay, ngành nghề, mức vay, lãi suất, điều kiện…)

Các tiêu chí này không phải là mới, nhưng cần phải chạy trên mô hình với những số liệu cập nhật hàng tuần, tháng, cũng như điều chỉnh mô hình khi điều kiện kinh tế vĩ mô, ngành nghề thay đổi giống như các cty bảo hiểm nhân thọ, công ty tài chính cá nhân đang làm”, ông Hiển phân tích.

Thứ hai, ngân hàng phải nghiên cứu các báo cáo vĩ mô về ngành nghề (tốt lên, xấu đi), các điểm chú ý rủi ro xuất hiện...Các báo cáo này hội sở phải làm từng tháng dựa trên những nghiên cứu định tính định lượng từ thu thập thực tế để cung cấp cho các chi nhánh và chuyên viên nắm rõ.

Thứ ba, Hội sở phải cung cấp hàng tuần tình hình cho vay, thu nợ của từng vùng, từng ngành để đưa ra các định mức tín dụng cho từng khu vực và ngành để chi nhánh căn cứ tiến hành cho vay. Điều này bảo đảm các chỉ tiêu dư nợ chung đúng theo tỷ lệ và giúp chi nhánh, cán bộ tín dụng định hướng triển khai tín dụng.

Cuối cùng là cho vay theo chuỗi để phân tán khoản vay. Ông Hiển cho rằng, khi ngân hàng cho một doanh nghiệp SME vay vốn lưu động không chỉ phân tích doanh nghiệp đó, mà phải phân tích chuỗi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó. Thí dụ một doanh nghiệp cần vay 5 tỷ đồng để thực hiện đơn hàng xuất Thanh Long sang EU. Lúc này cần tìm hiểu vì sao DN đó cần 5 tỷ. Do họ cần mua Thanh long từ 2 cơ sở đóng gói, rồi tiếp tục tìm hiểm 2 cơ sở đóng gói thì cần doanh nghiệp ứng trước để thu mua nông dân. Như vậy thay vì giải ngân toàn bộ cho doanh nghiệp thì cho vay một phần (do hàng đi 2 tháng đối tác mới thanh toán), một phần giải ngân hoặc cho cơ sở thu mua vay...

Theo đó, phân tán khoản vay dựa trên dòng tiền hàng của chuỗi cung ứng sẽ giảm rủi ro dồn vào một doanh nghiệp vay, vừa giúp chuổi SXKD mạnh lên (nhờ vốn vay đúng nơi, đúng lúc), và cũng là cơ sở để tăng dần các khoản tín dụng khác dựa trên mối liên kết...

“Vấn đề là các NHTM có tổ chức nghiệp vụ này một cách bài bản, hệ thống và các chuyên viên có thực sự rèn luyện, chủ động lao vào ngành nghề gắn bó với doanh nghiệp, doanh nhân hay không mà thôi…", ông Hiển nói.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/cho-vay-tin-chap-von-luu-dong-doanh-nghiep-sme-nhu-the-nao--2017032208523791p149c165.news