Cho vay tiêu dùng: Cần khung pháp lý riêng

Kinh tế đang hồi phục, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng lên. Nhiều ngân hàng sau thời gian khó khăn đang đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, nhiều công ty tài chính nước ngoài cũng tham gia thị trường với chiến lược rõ ràng nhằm tận dụng lợi thế dân số đông và trẻ của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường hấp dẫn

Tạp chí The Economist (Anh) đánh giá, tổng mức tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình Việt Nam năm 2015 đạt 127,7 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (203,6 tỷ USD), Philippines (215,3 tỷ USD), Malaysia (160,3 tỷ USD).

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu dùng/GDP của Việt Nam ở mức 67%, cao hơn cả các nước phát triển như: Anh (65%), Đức (54%), Nhật Bản (59%). Điều này cho thấy thị trường tiêu dùng cá nhân tại Việt Nam đang khá phát triển, thậm chí được xem là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước.

Tổ chức tín dụng tham gia thị trường cho vay tiêu dùng gồm: Nhóm ngân hàng (chiếm 87% tổng tín dụng tiêu dùng cả nước); công ty tài chính chiếm khoảng 12%; công ty tài chính vi mô khoảng 1%. Sự chênh lệch khá lớn về thị phần giữa ngân hàng và hai nhóm còn lại do danh mục cho vay của các ngân hàng chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như cho vay mua nhà, ôtô, trong khi nhóm công ty tài chính hướng đến khoản vay giá trị thấp như mua điện thoại, xe máy, điện gia dụng.

Sự chênh lệch này đang có xu hướng rút ngắn khi thời gian gần đây các công ty tài chính và ngân hàng lấn sân nhau. Tuy nhiên, do có lượng khách hàng lớn và món vay nhỏ, hiện các công ty tài chính cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang gặp không ít thách thức, sụt giảm lợi nhuận.

Nguyên nhân là do phải gia tăng ưu đãi hoặc hoa hồng để dành vị trí ở các điểm bán. Bên cạnh đó, các công ty tài chính mất nhiều thời gian và chi phí cho việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu để có lượng khách hàng đủ lớn.

Thiếu khung pháp lý

Theo các chuyên gia, lỗ hổng lớn nhất hiện nay là thiếu quy định và cơ sở pháp lý về cho vay tiêu dùng. Hoạt động này đang chung khuôn khổ các hoạt động tín dụng, như: Luật Các tổ chức tín dụng, quy chế cho vay đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định Số 1627/2001/QĐ - NHNN ngày 31/12/2001 (Quy chế 1627). Tuy nhiên, Quy chế 1627 chỉ là quy định cho vay sản xuất, kinh doanh, gần như không có quy định nào về cho vay tiêu dùng vì hoạt động này mới chỉ bùng phát trong vài năm gần đây.

Năm 2014, dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng được đưa ra lấy ý kiến của các tổ chức tín dụng, trong đó nêu rõ “cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là hình thức cấp tín dụng đối với khách hàng cá nhân là người tiêu dùng thông qua cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng” và ngân hàng thương mại phải thành lập công ty tài chính nếu muốn cho vay tiêu dùng theo 3 hình thức nói trên… nhưng đến nay vẫn chưa được ban hanh.

Mức tăng trưởng bình quân tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trong 7 năm qua đã tăng xấp xỉ 20%/năm. Tỷ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng hiện đạt khoảng hơn 6% và dự kiến sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020.

Theo baocongthuong.com.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/cho-vay-tieu-dung-can-khung-phap-ly-rieng-93358.html