Cho tằm ăn bổ sung carbon để tạo ra lụa siêu bền

Lụa được sản xuất từ tằm ăn thức ăn bổ sung carbon có khả năng dẫn điện rất cao, bền hơn 2 lần và có khả năng chịu được sức kéo lớn hơn 50% khi so sánh với lụa thường.

Lụa là một chất xơ có nguồn gốc tự nhiên được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp dệt may không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn vì độ bền chắc đáng kinh ngạc. Một nghiên cứu gần đây đã khám phá ra rằng nếu cho tằm ăn thức ăn có bổ sung graphene và những chuỗi phân tử carbon siêu nhỏ thì tơ mà chúng sản xuất ra sẽ trở nên bền chắc hơn gấp nhiều lần.

Các nhà nghiên cứu đã xịt lên những lá dâu dung dịch có chứa tỷ lệ 0,2% graphene. Sau đó họ cho tằm ăn các lá dâu này và tiến hành thu thập tơ quay lụa. Kết quả đem lại cho thấy lụa carbon bền gấp đôi và có khả năng chịu được áp lực cao hơn 50% so với lụa thông thường.

Họ cũng đã tiến hành thử nghiệm tính dẫn điện và tìm hiểu cấu trúc của các sợi tơ sau khi làm nóng đến nhiệt độ 1.050°C. Không giống như lụa thông thường, lụa carbon thậm chí còn tăng khả năng dẫn điện trong môi trường nhiệt độ cao. Ngoài ra, phân tích bằng quang phổ và hình ảnh kính hiển vi cho thấy các sợi tơ tằm carbon đã biến đổi cấu trúc, xuất hiện thêm nhiều tinh thể.

Việc là mảnh vật chất mỏng nhất thế giới chỉ là một trong nhiều tính năng đặc sắc của graphene. Nó còn là chất liệu bền nhất từng được biết tới, bền hơn thép khoảng 100 lần. Vì một tấm graphene chỉ dày một nguyên tử, cho nên nó còn trong suốt, và do đó, có thể giữ vai trò nhất định trong sự phát triển của công nghệ hiển thị điện tử trong tương lai.

Loại vải dệt công nghệ cao này có thể được ứng dụng trong y học, thể thao, thiết bị điện tử đeo trên người... Khả năng ứng dụng gần như là vô tận. Nguồn ảnh: futurism

Một số đặc điểm hấp dẫn nhất của chất liệu này, nhìn từ quan điểm của các ứng dụng tương lai, phải kể đến các tính chất điện của nó. Dòng điện chảy nhanh qua graphene mà không bị thất thoát bao nhiêu năng lượng.

Tơ là một loại sợi protein động vật do một số côn trùng nhả ra để làm kén và mạng nhện. Có nhiều loài côn trùng nhả ra những sợi tơ khác nhau chứ không riêng gì con tằm. Hầu hết chúng không được dùng vào mục đích thương mại cho dù vẫn có những nghiên cứu cơ bản về cấu trúc của những sợi tơ này. Phần lớn tơ là do ấu trùng sản xuất, ít có trường hợp côn trùng biến thái hoàn toàn nhả tơ.

Tằm có một cặp tuyến nước bọt đặc biệt được sử dụng cho việc sản xuất tơ, chất lỏng protein trong suốt, nhớt được tiết ra qua các lỗ hở gọi là lỗ nhả tơ trên phần miệng của con tằm.

Đường kính của lỗ nhả tơ xác định độ dày của sợi tơ, được nhả thành một sợi dài liên tục. Chất lỏng đông cứng lại khi tiếp xúc với không khí và tạo thành một cặp sợi tơ protein. Các tuyến tiết ra một cặp một chất lỏng thứ hai gọi là sericin, một dạng sáp kết hai sợi tơ với nhau, bảo vệ sợi tơ và kén tằm.

Các nhà khoa học cho biết, nếu ứng dụng trên diện rộng, họ sẽ tiến hành nuôi những con tằm trong những ống graphene vì phương pháp hòa tan graphen vào nước và phun lên thức ăn mất rất nhiều thời gian và chi phí.

Hàng may mặc làm bằng vải thông minh có tiềm năng sử dụng nhiều hơn hẳn so với vải truyền thống. Vải carbon có thể được ứng dụng trong công nghệ sinh học và giúp người mặc biết được những vùng nào trên cơ thể đang bị căng thẳng quá mức trong quá trình vận động. Bên cạnh đó, vải carbon cũng có thể được dùng để dệt nên những bộ quần áo điện tử có khả năng giao tiếp với điện thoại thông minh.

Phan Thanh (futurism)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cho-tam-an-bo-sung-carbon-de-tao-ra-lua-sieu-ben-c7a456776.html