Cho rằng cáo trạng không đúng sự thật, bị cáo 'đấu khẩu' với Viện Kiểm sát giữa tòa

Tại phiên tòa, bị cáo Đặng Chí Dũng đã 'đấu khẩu' với đại diện VKS liên quan đến việc cho rằng mình không thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Ngày 29/9, TAND huyện Yên Lạc mở phiên xét xử đối với Đặng Chí Dũng (SN 1974), trú tại Yên Phương, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo nội dung cáo trạng, khoảng 16h ngày 13/2/2016, Bùi Văn Dương (SN 1985) và Bùi Văn Quang (SN 1989, cùng trú tại xã Hồng Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đi xe ô tô đến bãi chuối khu vực xã Liên Châu, Yên Lạc thì xảy ra mâu thuẫn với chị Bạch Thị Mai (SN 1973) và chị Bạch Thị Huyền (SN 1980) cùng trú tại xã Liên Châu.

Tại đây, Dương đã dùng tay tát chị Mai và chị Huyền, bị tát chị Mai đã gọi điện cho chồng là anh Trần Văn Cầu (SN 1968) đến để giải quyết.

Bị cáo Đặng Chí Dũng tại phiên tòa.

Bị cáo Đặng Chí Dũng tại phiên tòa.

Khi đến nơi, hai bên tiếp tục xảy ra mâu thuẫn và anh Cầu đánh nhau với 2 anh em Dương và Quang. Đến khi mọi người căn ngăn thì an em Dương, Quang lên ô tô đi về.

Cùng lúc này, chị Huyền gọi điện cho chồng là anh Lỗ Văn Vinh (SN 1976) về sự việc sự việc vừa xảy ra và bảo với anh Cầu, chị Mai đến nhà Dương để giải quyết.

Nhận được điện thoại của vợ, anh Vinh gọi điện cho Đặng Chí Dũng (bạn xã hội với anh Vinh) nhờ ra chỗ xảy ra mâu thuẫn để giải quyết. Dũng đang ngồi uống nước với bạn thì có nhờ bạn chở ra bãi chuối nơi vừa xảy ra sự việc.

Trên đường đi, Dũng nhìn thấy ô tô của 2 anh em Dương, Quang về nên vượt xe lên chặn đầu. Hai bên có lời qua tiếng lại rồi yêu cầu 2 anh em Dương, Quang vào nhà để nói chuyện.

Tại nhà anh Dương có chị Bùi Thị Vân (SN 1989) em gái Dương, chị Đỗ Thị Hường (SN 1989) vợ Dương, và ông Vũ Văn Dũng (SN 1961) chú rể của Dương. Khi vào nhà anh Dương, Dũng và Giang đi vào phòng khách ngồi trên chiếc ghế dài tại vị trí bàn uống nước, còn anh Dương, Quang và ông Dụng ngồi vị trí đối diện.

HĐXX tại phiên tòa xét xử vụ án "cưỡng đoạt tài sản" đối với bị cáo Đặng Chí Dũng.

Lúc này, anh Dương kể lại diễn biến sự việc, rồi xin anh Dũng bỏ qua, nhưng Dũng nói “Không được, chúng mày không có lỗi với tao, có lỗi với ai thì tý người ta đến xin người ta”. Cùng lúc đó, anh Cầu, chị Mai và chị Huyền cùng khoảng nhóm thanh niên lạ mặt đến nhà anh Dương. Tại đây, anh Cầu, chị Mai, Huyền chửi bới anh Dương và Quang.

Thấy vậy, chị Vân gọi điện cho ông Bùi Văn Bình (SN 1965) bố đẻ Dương về để giải quyết. Khoảng 5 phút sau ông Bình về đến nhà và ngồi cạnh Dũng và xin bỏ qua.

Lúc này, Dũng nói để giải quyết đền bù danh dự thì cần số tiền là 100 triệu đồng. Thấy số tiền quá lớn ông Bình vô cùng hoảng hốt. Cùng lúc đó, thì vợ chồng anh Cầu và chị Huyền và nhóm thanh niên lạ mặt dọa đánh khiến ông Bình càng lo lắng hơn.

Sau khi nghe tin ông Đặng Văn Sinh (SN 1980) em trai Dũng cũng có mặt. Khi đến nơi, Sinh yêu cầu Dương và Quang quỳ xuống xin lỗi vợ chồng anh Cầu và chị Huyền. Sau khi xin lỗi anh Dương và Quang đứng dậy vào trong buồng. Vợ chồng anh Cầu và chị Huyền cùng nhóm thanh niên cùng lần lượt về.

Tại phòng khách nhà Dương lúc này chỉ còn Dũng, ông Đặng Văn Kỷ (anh vợ ông Bình), Đặng Văn Chín và ông Bình. Cùng lúc bước chân ra về, Dũng ghé sát vào tai ông Bình nói “Phải đưa cho tôi 10 triệu”. Lo sợ sẽ bị Dũng quay lại đập phá đồ đạc, nên ông Bình tầng 2 lấy tiền đưa cho Dũng. Nhưng nhà chỉ còn 9 triệu đồng. Sau khi nhận tiền Dũng cho vào túi và ra về.

Đến ngày 14/2/2016, anh Bùi Văn Quang làm đơn trình báo Công an đề nghị giải quyết vụ việc.

Toàn cảnh phiên tòa.

Sau khi đại diện VKSND công bố cáo trạng truy tố, bị cáo Đặng Chí Dũng trả lời HĐXX rằng nội dung cáo trạng "không đúng sự thật". Bị cáo cho rằng hoàn toàn không có việc cưỡng đoạt tài sản và không được nhận số tiền 9 triệu đồng.

Đặc biệt, trong phần xét hỏi, giữa Viện kiểm sát và bị cáo đã có cuộc "khẩu chiến" liên quan đến những tình tiết xảy ra tại nhà ông Bình. Bị cáo cho rằng ông Bình chỉ đưa cho bao thuốc lá, chứ không đưa tiền, sau đó Dũng để lại bao thuốc và ra về. HĐXX đã nhiều lần nhắc nhở bị cáo trả lời nhẹ nhàng và có thái độ tôn trọng HĐXX.

Tại phiên tòa, LS Trần Văn Lý - VP Luật Sư số I, Vĩnh Phúc, luật sư bào chữa cho bị cáo đã chất vấn về khoảng cách, vị trí ngồi giữa ông Bình với nhân chứng Đặng Văn Chín (người ngồi ghế đối diện với bị cáo và ông Bình) và hiện trạng đồ vật trên bàn, ông Chín trả lời rằng không xác định được khoảng cách và không thấy trên bàn có gì.

Theo Luật sư, việc trả lời của ông Chín là không phù hợp vì khoảng cách giữa ông và ông Bình hoàn toàn có thể các định được, đặc biệt trước mặt ông có một bình hoa rất to nhưng ông không nhìn thấy mà ông lại nhìn thấy tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng ông Bình đưa với cách cần gọn trong lòng bàn tay để đưa cho bị cáo Dũng ở vị trí thấp hơn mặt bàn là điều vô lý - vậy lời khai của ông là không có căn cứ khách quan.

Nhân chứng Kỷ cũng cho biết, khi xảy ra vụ cưỡng đoạt tài sản trong điều kiện ánh sáng tự nhiên nên ông có nhìn thấy tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng. Luật sư cho rằng việc trả lời của ông Kỷ là không phù hợp vì thời gian xảy ra vụ án là từ 17h30 kết thúc là 19h - thời tiết ngày Xuân khi đó nếu trong phòng không có điện thì ông không thể nhìn thấy được. Vị trí ông Kỷ ngồi là cạnh ông Bình, ông không quay mặt lại nhìn thì không thể thấy được tiền ông Bình cầm - do đó lời khai của ông Kỷ là không phù hợp, không khách quan. Ngoài ra ông còn là anh vợ ông Bình thì việc làm chứng bênh vực ông Bình là đương nhiên.

Thêm một điều bất thường trong vụ án là anh Quang (con ông Bình) là người đứng đơn trình báo, vợ ông Bình đi nộp đơn vào buổi chiều ngày 14/2/2016. Ngay trong buổi chiều ngày 14/2/2016, cơ quan điều tra đã triệu tập được ngay ông Bình, ông Kỷ, ông Chín, anh Dương, anh Quang, người liên quan đến để lấy lời khai - việc làm nhanh chóng như vậy lại xảy ra đối với một vụ án ít nghiêm trọng - Luật sư Lý cho biết.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND huyện Yên Lạc đã quyết định tuyên phạt 2 năm tù giam đối với bị cáo Đặng Chí Dũng về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Luật sư Trần Văn Lý cũng cho rằng, việc truy tố Đặng Chí Dũng về tội “Cưỡng đoạt tài sản” là chưa đủ căn cứ. Việc Dũng đến nhà ông Bình là để giải quyết việc xô sát giữa hai con ông Bình là anh Quang và anh Dương với anh Cầu, chị Mai, chị Huyền ngoài ra không có mục đích đế để cưỡng đoạt tài sản của ông Bình. Hơn nữa, anh em quen biết nhau trong xã hội giúp nhau khi có chuyện cũng là lẽ bình thường.

Theo luật sư, bản cáo trạng đã căn cứ vào lời khai của các nhân chứng đều là người nhà, người quen của ông Bình và đều cho rằng Dũng đã ép ông Bình phải đưa tiền. Lời khai của chị Hường con dâu ông Bình cho rằng Dũng có nói với chị, anh Quang và ông Bình: “Xin lỗi nhưng phải nộp 100 triệu" và khi sự việc xảy ra chị có dùng điện thoại để ghi âm. Nhưng khi mở đoạn ghi âm ra lại không có câu nói đó, trong khi khoản cách giữa chị Hường và bị cáo là 1mét.

Còn về lời khai của chị Vân (con gái ông Bình), chị Hường (con dâu ông Bình) không nghe thấy Dũng nói với ông Bình phải đưa 10 triệu, mà chỉ nghe ông Bình kể lại khi sự việc đã kết thúc.

Đại diện VKS tại phiên tòa xét xử.

Tại bản kết luận điều tra ban đầu, ông Bình nói số tiền là 9 triệu đồng. Nhưng sau khi Dũng về thì ông Bình nói chuyện lại với ông Kỷ, ông Chín về việc vừa bị Dũng ép đưa số tiền là 10 triệu. Và ông Bình khai lại là 9 triệu, vậy ông Chín, ông Kỷ chỉ là người được nghe kể lại hay là người chứng kiến. Nhưng sau kết luận điều tra lại cho rằng hai ông là người chứng kiến. Như thế là có sự mâu thuẫn với nhau.

Về việc hình ảnh camera cho thấy ông Bình và Dũng có đoạn sát mặt nhau. Theo ông Bình khai khi đó, Dũng phải đưa ông Bình cho 10 triệu, đây là sự suy diễn không có căn cứ chứng minh, mà chỉ là lời khai của ông Bình, khi một người quay đi – một quay lại để nói chuyện khi đang giải quyết sự việc đó là lẽ bình thường.

Như vậy sự việc trên dựa hoàn toàn vào lời khai của ông Bình là người bị hại và lời khi của các nhân chứng là người nhà, người thân và sự suy đoán theo lời khai của bị hại là thiếu khách quan.

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/cho-rang-cao-trang-khong-dung-su-that-bi-cao-dau-khau-voi-vien-kiem-sat-giua-toa-d25470.html