Chợ qua những góc nhìn

Chợ là một từ chỉ nơi mà tại đó diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng tiền tệ, hiện vật hoặc hàng đổi hàng. Chợ được hình thành ở khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức. Ở bất cứ nơi nào cứ có kẻ bán người mua là có chợ.

Chợ quê.

Dựa vào đặc điểm của chợ và tên các địa danh, vùng miền mà người ta đặt tên cho chợ. Đây chính là cách đặt tên phổ biến của các loại chợ của người Việt Nam.

Có chợ được hình thành để bán riêng một loại sản phẩm nào đó như chợ vải Ninh Hiệp, chợ Sắt ở Hải Phòng… Có chợ được hình thành dựa trên chính đặc điểm sinh thái của vùng đó như chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Phụng Hiệp, chợ nổi Châu Đốc… ở miền Tây Nam Bộ. Hay chợ tình Sa Pa được đặt tên bởi cái đặc trưng riêng của nó. Nhưng cuộc sống hiện đại ngày nay đã làm cho chợ tình Sa Pa thay đổi nhiều so với trước và đã mất đi phần nào vẻ đẹp hoang sơ rất riêng biệt của nó. Chính vì thế chợ tình Sa Pa ngày nay đã không còn đông và náo nhiệt như xưa...

Rồi ở nơi mà người tìm việc, việc tìm người, thì đó là phiên chợ lao động, nhiều nơi còn gọi đó là “ chợ người”. Chợ lao động là chợ đã làm cho chúng ta phải trăn trở mỗi khi đi ngang qua. Rồi còn có rất nhiều loại chợ khác mà ta không sao kể hết.

Gần đây trên các diễn đàn hay các trang báo, người ta thường đem một loại chợ ra bàn luận, đó là chợ “chất xám”. Đây cũng là một vấn đề nhức nhối của xã hội, thỉnh thoảng vẫn được xới lên và vẫn còn đang tốn nhiều giấy mực. Khi chất xám Việt Nam được nước ngoài mua lại bằng giá cao dưới mọi hình thức thì việc giữ gìn hiền tài nhân lực đã trở thành nhiệm vụ chung của cả dân tộc. Cụm từ “chợ duy trì nòi giống” được xuất hiện không biết từ khi nào. Người ta còn gọi nơi đây là ngân hàng gene, tại đó thường xuyên xảy ra mua bán và trao đổi những công cụ và nguyên liệu làm nên hình hài của chính chúng ta. Chợ khoa học công nghệ được hình thành để tổng kết và tôn vinh các công trình nghiên cứu khoa học được nhà nước và chính phủ công nhận.

Ngày nay chợ thật phong phú. Xã hội phát triển, các hệ thống siêu thị mọc lên khắp nơi, ngày cũng như đêm đông vui nhộn nhịp. Hệ thống chợ ảo trên các trang mạng internet cũng là một hình thức mua bán trên mạng vô cùng sôi nổi và thu hút nhiều người.

Và cho dù thế nào thì chợ truyền thống cũng vẫn là những cái chợ để lại nhiều dấu ấn. Nếp xưa, không gian chợ cũng là một di sản văn hóa cần được giữ gìn.

Nguyễn Thúy Hạnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/cho-qua-nhung-goc-nhin/117821