Cho phép tuyển sinh theo “nhóm trường” – cần lường trước khả năng “rối tinh rối mù”

Đề án tuyển sinh theo nhóm trường, gồm 10 trường do ĐH Bách khoa chủ trì đã trình lên Bộ GD&ĐT, đang được kỳ vọng là khắc phục được những hạn chế từng xảy ra ở kỳ thi trước, tăng quyền lợi cho thí sinh, giảm tỷ lệ “đậu ảo”. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT cho rằng, cần phải lường trước khả năng sẽ khiến sự việc “rối tinh rối mù”, nếu cùng lúc có nhiều nhóm tổ chức thi như vậy.

Tuyển sinh theo “nhóm riêng”

Đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường đã được Bộ GD&ĐT thông qua ngày 31 - 3 (lấy tên là Nhóm trường GX), với sự tham gia của 10 trường ĐH tại khu vực Hà Nội, gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Xây dựng; ĐH Ngoại thương; ĐH Thủy lợi; ĐH Giao thông Vận tải; ĐH Mỏ - địa chất; ĐH Công nghiệp Hà Nội; ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải; Học viện Ngân hàng.

Nhóm GX có thể bổ sung thêm các trường ĐH khác tham gia trên cơ sở tự nguyện và chấp thuận Đề án được Bộ GD&ĐT đồng ý, không giới hạn số lượng trường tham gia. Thời hạn các trường đăng ký tham gia nhóm là trước ngày 22 - 4.

Đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường được cho là cơ sở để thực hiện một phương thức xét tuyển chung, dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 trên tinh thần tự nguyện và cam kết tham gia của một số trường ĐH trong khu vực Hà Nội.

Đồng thời, khi ĐKXT theo nhóm trường không làm giảm quyền lợi của thí sinh mà còn tạo thêm cơ hội lựa chọn nguyện vọng của thí sinh (tối đa được đăng ký tới 4 trường ở nguyện vọng 1), không gây phức tạp và tốn kém cho thí sinh.

Phương thức tuyển sinh theo nhóm trường được thực hiện dựa trên một số nguyên tắc: Chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, sử dụng chung phần mềm xét tuyển do trường chủ trì quản lý, áp dụng chung cách tính điểm xét và cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành, nhóm ngành và áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh hiện hành.

Phương thức xét tuyển này, được cho là giảm thiểu tình trạng “trúng tuyển ảo” ở các trường tham gia nhóm, nhờ việc sử dụng chung một cơ sở dữ liệu và phần mềm để xử lý thông tin đăng ký tuyển sinh.

Bởi lẽ, thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng được phép tối đa của từng đợt xét tuyển, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu Đăng ký xét tuyển (mẫu Phiếu đăng ký được thiết kế riêng cho nhóm trường GX, đăng tải trên website của các trường và của Bộ GD&ĐT).

Về nguyên tắc xét tuyển, nếu thí sinh trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả thi của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.

Thí sinh có thể đăng ký trực tuyến hoặc gửi Phiếu Đăng ký xét tuyển (ĐKXT) qua đường bưu điện tới trường đăng ký nguyện vọng 1 hoặc có thể nộp tại một trường bất kỳ thuộc nhóm.

Thí sinh có thể ĐKXT vào nhiều trường trong nhóm (ví dụ trong đợt 1, thí sinh có thể ĐKXT vào 2, 3 hoặc 4 trường khác nhau trong nhóm nhưng tối đa không quá 4 nguyện vọng). Thí sinh cũng có thể ĐKXT vào 1 trường trong nhóm và 1 trường ngoài nhóm GX.

Tuy nhiên, nếu thí sinh đã ĐKXT vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào trường ngoài nhóm.

Trong thời gian tới, nhóm GX sẽ thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh nhóm trường để chỉ đạo thực hiện các khâu kỹ thuật của công tác xét tuyển. Đồng thời, sẽ có văn bản hướng dẫn gửi tới tất cả các trường THPT nhằm giúp học sinh biết rõ về danh sách các trường trong nhóm, phương thức xét tuyển cũng như hình thức ĐKXT.

Được biết, hiện tại Bộ GD&ĐT cũng đang xem xét để phê duyệt đề án tuyển sinh của nhóm trường do ĐH Đà Nẵng chủ trì, với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay.

ĐHBK Hà Nội công bố đề án tuyển sinh theo “nhóm riêng” gồm 10 thành viên, do trường này chủ trì. Ảnh: S.Hào

Lý do chưa thể tổ chức “trường lớn phạm vi toàn quốc”

TS Lê Trường Tùng cho biết đề án tuyển sinh do ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố được cho là tăng quyền lợi cho thí sinh, nhưng thực chất vẫn lẫn lộn giữa thi chung và thi riêng chứ chưa rõ ràng.

“Hiện tại, riêng hệ thống GD ĐH của Việt Nam khoảng 200 trường, nhưng chỉ có 10 trường gom thành nhóm tổ chức “thi riêng” thì 190 trường còn lại sẽ như thế nào? Nếu để giảm ảo một cách thật sự, thì tốt nhất là tổ chức thi chung trong phạm vi cả nước. Còn nếu 10 trường “thi riêng”, chiếm tỷ lệ chỉ 5% trong tổng số trường ĐH là 200 trường, thì “giảm ảo” nếu có cũng chỉ là chút xíu, thậm chí không đáng kể. Chưa nói đến việc, các thí sinh dự thi trong nhóm này, vẫn được tham gia cùng nhóm khác, trường hợp họ đậu cả 2 nơi trong nhóm và ngoài nhóm, thì lựa chọn bên này cũng sẽ “gây ảo” cho bên kia”, TS Lê Trường Tùng nói.

Đề án tuyển sinh theo “nhóm riêng” cho phép thí sinh đăng ký thi trong nhóm, và đăng ký cả ngoài nhóm.

Ảnh: S.Hào

Liên quan đến vấn đề quyền lợi của thí sinh, TS Lê Trường Tùng cho rằng, khi đã cho phép thí sinh nộp nhiều nguyện vọng vào nhiều trường, thì không nên nói là thí sinh gian dối.

Theo đó, có thể coi nhóm 10 trường nói trên là “một trường lớn”, thì thí sinh đương nhiên có quyền thi trong “trường lớn” này, và có quyền đăng ký thi ở trường khác nữa. Trường hợp thí sinh nộp quá số nguyện vọng của họ - cũng không nên xem là gian dối, mà chỉ nên xem là họ thực hiện không đúng, thì hệ thống quản lý bằng công nghệ thông tin đã phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu rồi.

Nếu xem toàn bộ hệ thống trường ĐH trong toàn quốc là “một trường lớn” thì việc tuyển sinh sẽ tiện lợi nhất. Thí sinh được chọn một số nguyện vọng thi, đánh theo thứ tự ưu tiên, chính thứ tự ưu tiên quyết định “đỗ ảo, hay là không ảo”. Ví dụ trường hợp thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng, chỉ đỗ nguyện vọng 2 và 3 thì chỉ cần quan tâm đến nguyện vọng 2 (thứ tự ưu tiên) mà không quan tâm tới các nguyện vọng khác. Còn nếu đỗ cả 4 nơi, cũng cứ căn cứ vào thứ tự ưu tiên số 1 mà thí sinh đã đăng ký ngay từ thời điểm làm hồ sơ thi, để tuyển chọn. Trường hợp với ngành “hot” nhiều thí sinh dự tuyển, xây dựng thang điểm trúng tuyển cao, và căn cứ vào chỉ tiêu xét tuyển để tuyển đủ người thì thôi. Những thí sinh không đáp ứng được nguyện vọng ưu tiên thứ nhất của mình – do trường lấy điểm từ cao xuống thấp, thì phải chấp nhận xét đến thứ tự ưu tiên thứ 2.

“Việc xem toàn bộ hệ thống trường là một “trường lớn phạm vi toàn quốc” để tổ chức thi và căn cứ vào thứ tự ưu tiên như trên để tuyển sinh có vẻ là ổn nhất, để có thể hạn chế thí sinh ảo. Nhưng vấn đề đáng ngại là, tổ chức thi theo kiểu “trường lớn phạm vi toàn quốc”, đòi hỏi hệ thống phần mềm quản lý của Bộ GD&ĐT phải hoạt động tốt, không có bất kỳ trục trặc nào thì mới ổn – việc này đòi hỏi phải có kinh phí xứng tầm. Còn nếu chỉ có 10 trường lập thành “nhóm riêng” thì trường hợp hệ thống phần mềm quản lý của “nhóm này” có xảy ra trục trặc, thì cách khắc phục đơn giản hơn so với phạm vi toàn quốc”, TS Lê Trường Tùng nói.

Trả lời câu hỏi về khả năng phát sinh những vướng mắc nếu triển khai tuyển sinh theo phương án của nhóm “10 trường”, TS Lê Trường Tùng bày tỏ: Nhóm 10 trường do ĐH Bách khoa đã đưa ra phương án tuyển sinh được Bộ GD&ĐT duyệt, hiện tại có thể thấy là chưa phát sinh những khó khăn vướng mắc gì. Nhưng nếu trong cả nước có nhiều “nhóm trường” như thế: Nhóm gồm 3 trường, nhóm 5 trường, nhóm thì 7 trường, có trường vừa tham gia nhóm này lại tham gia cả nhóm kia thì… lại rơi vào khả năng “rối tinh rối mù” là chắc chắn.

TS Lê Trường Tùng (ảnh),

Chủ tịch HĐQT ĐH FPT: “Tôi cho rằng việc thí sinh ảo không nên xem là quan trọng, bởi vì cũng giống như các DN tuyển dụng người lao động, tìm được người trúng tuyển mời họ đến làm nhưng họ… không đến, vì đã tìm được việc ở nơi khác rồi. Chủ sử dụng lao động lại có giải pháp tìm người khác, tương tự như vậy các trường cũng phải có giải pháp đối phó với tình trạng thí sinh ảo”.

Sỹ Hào

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/cho-phep-tuyen-sinh-theo-nhom-truong-can-luong-truoc-kha-nang-roi-tinh-roi-mu-109231