Cho phá sản ngân hàng: Ý tưởng hay nhưng nếu làm thì cũng...run

Một chuyên gia nhận định bản chất ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp. Họ cũng nên tự chịu trách nhiệm về những thất bại trong kinh doanh của họ, nếu hoạt động không hiệu quả thì chấp nhận sự phá sản.

Ảnh minh họa.

Thực tế, tại Việt Nam từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ cho ngân hàng nào phá sản. Vài năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều yếu kém, với vai trò và tính chất nhạy cảm của hoạt động tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại 3 ngân hàng thương mại với giá 0 đồng là VNCB, Oceanbank và GPBank và cho các ngân hàng yếu kém tự tái cơ cấu hoặc có thêm thời gian để xử lý nợ, tránh đổ vỡ hệ thống.

Tuy nhiên, việc chưa thể phá sản cũng là một phần gây tranh cãi. Bởi dù ngân hàng nếu có hoạt động yếu kém hay mất khả năng thanh khoản và đứng trước khả năng đổ vỡ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ ra tay can thiệp. Tức là luôn có sự bọc lót, chống đỡ đằng sau và vì thế vẫn còn không ít ngân hàng yếu kém chưa được xử lý triệt để. Đây chính là gánh nặng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tới.

Mới đây, phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 22/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến việc nghiên cứu thí điểm cho phép phá sản một số ngân hàng trên nguyên tắc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và không để xảy ra hiệu ứng "donimo".

Theo Phó thủ tướng, làm được như vậy sẽ có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi nhà nước đứng ra lo thì ai chẳng muốn làm. Như vậy với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém.

Đồng ý với quan điểm này, trao đổi với chúng tôi, TS. Bùi Trinh cho biết "Ý tưởng này tôi thích nhưng nghĩ nếu làm thì cũng run vì đây thực sự là ý tưởng táo bạo".

Theo vị này, trước khi xem xét cho ngân hàng nào phá sản thì cần giám sát chặt chẽ quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng. Xem ngân hàng nào là ngân hàng gây ra nợ xấu nhiều nhất.

Ba trường hợp 0 đồng là một trong những ví dụ điển hình. Các ngân hàng này đi đêm lãi suất, lấy tiền gửi mới để trả lãi ngoài cho các khách hàng cũ, dồn vốn vào bong bóng bất động sản, chứng khoán, quản lý lỏng lẻo và rủi ro từ đạo đức của người lãnh đạo, nhân viên ngân hàng để phục vụ mục đích cá nhân đã nhanh chóng khiến ngân hàng lao dốc, làm giảm chất lượng tài sản, nợ xấu dâng cao, âm vốn và không còn khả năng chi trả.

Các ngân hàng không hề minh bạch thông tin, báo cáo không trung thực, khiến ngày một sa lầy hơn. Ví dụ thông qua các công ty sân sau hay thuê và nhờ người khác đứng tên đối phó các quy định pháp luật. Vì vậy, cơ chế giám sát của nhà quản lý cần phải thực hiện sát sao và chặt chẽ hơn.

Cũng cùng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta có thể triển khai theo phương án này nhưng hết sức thận trọng, cần phải làm từ từ và trong kịch bản tái cơ cấu, chúng ta đã có nguồn lực khoảng 10 triệu tỷ đồng cho chuyên đề tái cơ cấu. Đây là con số tổng hợp từ các nguồn lực, kể cả vốn đầu tư xã hội từng năm, kể cả vốn vay, vốn từ tư nhân…

Còn theo ý kiến của một chuyên gia trong ngành khác nhận định bản chất ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp. Họ cũng nên tự chịu trách nhiệm về những thất bại trong kinh doanh của họ, nếu hoạt động không hiệu quả thì chấp nhận sự phá sản. Các ngân hàng yếu kém từ trước đến này đều được Nhà nước đứng ra bảo đảm tính thanh khoản là điều vô lý, dù bảo đảm bằng nguồn tiền nào đi nữa thì cũng là tiền đóng thuế của dân. Việc cho phá sản ngân hàng có tính tích cực là các ngân hàng sẽ cẩn trọng hơn trong hoạt động của mình.

"Tôi cho rằng việc phá sản những ngân hàng yếu kém là một chuyện bình thường, phù hợp với quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay", vị này cho biết.

Như vậy, với ý kiến đề xuất cho thí điểm các ngân hàng yếu kém phá sản đã truyền một thông điệp mạnh mẽ đến cả thị trường. Đó là lời cảnh tỉnh đến lãnh đạo các ngân hàng. Ngoài ra, còn là sự cảnh báo đến các cổ đông ngân hàng nếu ngân hàng hoạt động không lành mạnh, các cổ đông sẽ phải chấp nhận phần thiệt thòi do mất vốn.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/cho-pha-san-ngan-hang-y-tuong-hay-nhung-neu-lam-thi-cungrun-20161024141008063.chn