Cho phá sản doanh nghiệp nhà nước: Nhập khẩu luật Mỹ?

Việt Nam có thể học Indonesia, thành lập một Ủy ban phụ trách phá sản...

Đây là đề xuất của TS Bùi Ngọc Sơn, Viện nghiên cứu kinh tế chính trị thế giới về giải pháp nhằm xử lý dứt điểm các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ theo đúng tinh thần, chủ trương Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Quốc hội.

Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư cũng là một trong 5 dự án gây thua lỗ, thất thoát được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Không thể trì hoãn

Phân tích từ điểm xuất phát, TS Bùi Ngọc Sơn cho rằng, yêu cầu phải phá sản DNNN làm ăn thua lỗ là việc không thể trì hoãn thêm được nữa.

"Các ông con hư còn được chiều là vì còn bấu víu được vào nguồn ngân sách nhà nước. Hiện tại các nguồn thu từ giá dầu liên tục sụt giảm, trong khi nguồn vốn vay ODA không còn sẵn như trước đây nữa, bất động sản vẫn đang đóng băng... Nếu không quyết tâm loại bỏ những ung nhọt đó thì sẽ có nguy cơ trở thành hiểm họa cho cả nền kinh tế", ông Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để thực hiện được quyết tâm trên, Chính phủ cũng như Quốc hội cần nghiên cứu xây dựng cho được một hành lang pháp lý rõ ràng, một đạo luật phá sản nghiêm túc thay cho những pháp lệnh chồng chéo như hiện nay.

Theo ông Sơn, Việt Nam có thể học tập Indonesia, thành lập một Ủy ban phụ trách phá sản các doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban này vừa có nhiệm vụ như một cơ quan kiểm toán độc lập, có thể kiểm tra, giám sát, đưa ra số liệu dự báo về tình hình sức khỏe của một doanh nghiệp. Dựa trên số liệu dự báo, cơ quan này cũng đồng thời được phép yêu cầu doanh nghiệp phải tự tuyên bố phá sản nếu dự báo về sức khỏe không tốt, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ.

Ủy ban này cũng có thể đưa ra lời rao bán ngay lập tức doanh nghiệp đó nếu nhận thấy doanh nghiệp đó không nên tiếp tục tồn tại.

Bước tiếp sau đó là thực hiện các thủ tục pháp lý theo đúng trình tự của luật phá sản như: kiểm kê tài sản, thực hiện tái cấu trúc, tiến hành bán tài sản, chi trả nợ nần... Tất cả đều đảm bảo diễn ra theo đúng quy trình và nhanh gọn.

Thay vì xây dựng một đạo luật phá sản có thể rất khó khăn, phức tạp, theo vị chuyên gia, Việt Nam nên nhập khẩu thẳng bộ luật này từ Mỹ.

"Việt Nam có thể nhập khẩu bộ luật phá sản của Mỹ. Tương tự Indonesia, ở Mỹ, các công ty kiểm toán độc lập có thể được tiếp cận những số liệu của các doanh nghiệp rất công khai, thực chất. Dựa trên số liệu đó, doanh nghiệp sẽ nhận được lời gợi ý là nên thực hiện thủ tục phá sản hay có thể tiếp tục duy trì. Trong trường hợp doanh nghiệp che giấu số liệu thật để cố cầm cự thì chủ doanh nghiệp có thể sẽ bị truy tố hình sự về tội lừa đảo", vị chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, tính minh bạch, công khai trong quá trình thực hiện cũng như cách thức thực hiện... mới là nhân tố quyết định hiệu quả.

Lấy ví dụ câu chuyện cổ phần hóa trong ngành du lịch, theo vị chuyên gia, tài sản kiểm kê được thông báo có giá trị khoảng 10 tỷ đồng. Khi thanh tra vào cuộc lập tức giá trị được đẩy lên 60 tỷ đồng.

''Chưa cần làm ăn gì, mới chỉ thực hiện động thái mua đi bán lại mà đã hưởng lợi tới 50 tỷ đồng. Để thấy, nếu không minh bạch, cổ phần hóa, phá sản doanh nghiệp nhà nước lại thành cơ hội cho những nhóm lợi ích'' - ông Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Sự phá sản sáng tạo

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế trung ương cũng cho rằng, cần phải có được một cơ chế đủ mạnh, đủ quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng trên cũng như cần có một cơ chế để ngăn chặn tình trạng trên tái diễn trong tương lai.

"Cho phá sản DNNN làm ăn thua lỗ là một sự "phá sản sáng tạo". Những người chủ giở phải từ chức và sẽ xuất hiện những nhà đầu tư mới có năng lực, có tiềm năng đầu tư vào đó. Nếu họ biết tận dụng tốt những lợi thế cũng như những cơ sở vật chất sẵn có, rất có thể từ một đống tro tàn chúng ta sẽ lại nhìn thấy một con phượng hoàng bay lên", vị chuyên gia đặt niềm tin.

Cho phá sản DNNN: 'Phải nhẫn tâm' thì mới 'lương thiện' được

Tuy nhiên, để làm được như vậy, trước hết theo vị chuyên gia, cần phải lưu ý hai vấn đề. Một là, Việt Nam phải thay đổi cách nhìn nhận về doanh nghiệp nhà nước. Không thể để tồn tại tiếp tục con bài vừa coi DNNN là lực lượng chủ đạo nhưng lại vừa phê phán DNNN làm ăn kém hiệu quả.

''Tự chúng ta đã mâu thuẫn với chúng ta quá lâu rồi và bây giờ là lúc phải có biện pháp, tạo bước ngoặt", ông Doanh nhấn mạnh.

Hai là, phải chấm dứt hiện tượng lợi ích nhóm. Vị chuyên gia một lần nữa đặt ra yêu cầu phải công khai minh bạch các thông tin, số liệu.

Vị chuyên gia nói thẳng: "Đã có sự cài cắm con cháu, lợi ích riêng. Một DNNN lại phải giúp đỡ bao nhiêu doanh nghiệp sân sau. Cứ sau mỗi Tổng công ty lại là một dàn công ty con đã được cài cắm lợi ích như Công ty xây lắp, Công ty thương mại, thậm chí có cả Công ty du lịch, Công ty tài chính... với bộ máy quản trì trệ, yếu kém, toàn con ông cháu cha thì còn yếu kém, còn đổ vỡ".

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/cho-pha-san-doanh-nghiep-nha-nuoc-nhap-khau-luat-my-3322932/