Cho phá sản DNNN: 'Phải nhẫn tâm' thì mới 'lương thiện' được

Cho phá sản DNNN, phải “nhẫn tâm” thì chính phủ và các DNNN mới “ lương thiện” được.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ sẽ xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thua lỗ, các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả; xem xét, thực hiện phá sản DNNN.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga - Phó Trưởng Khoa, Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng, đó là một quyết định dũng cảm của Quốc hội.

Cho phá sản DNNN phải bắt đầu từ cả DNNN thua lỗ và cả những dự án thất thoát ngàn tỷ. Ảnh minh họa

PV:- Xin ông nói rõ hơn quan điểm của mình về Nghị quyết trên? Ông đánh giá thế nào về quyết định này? Theo ông, việc đồng ý cho phá sản DNNN ở thời điểm này có phù hợp hay không và vì sao?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga:- Với tư cách là một công dân và là một nhà nghiên cứu tôi cho rằng, đây là quyết định sáng suốt và được lòng dân của Quốc Hội. Chúng tôi hoan nghênh và nhiệt liệt chào đón Nghị quyết trên. Việc một doanh nghiệp tồn tại, phát triển, suy tàn và diệt vong là điều bình thường trong nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp có ngày sinh thì cũng có ngày tận thế. Đây là qui luật của vạn vật, là qui luật khách quan về sinh tồn. Có thể nói đây là quyết định dũng cảm của Quốc hội trong bối cảnh hiện nay bởi các nhóm lợi ích đang chi phối nhiều DNNN và các dự án đầu tư công.

Việc đồng ý cho phá sản DNNN hiện nay là phù hợp, cho dù đáng nhẽ ra phải làm điều này từ trước. Dù sao chậm còn hơn không bao giờ. Hiện nay NSNN đang thâm hụt cao (khoảng 6% GDP), nợ công ngoài giới hạn an toàn (khoảng 70% GDP). Do đó, không để thâm hụt tăng và nợ công vượt ngưỡng trần thì việc “cai sữa” cho các DNNN là điều nên làm và với việc cho phá sản thì nhà nước có thể thu về cho ngân sách một lượng tiền, cho dù không nhiều nhưng phải “nhẫn tâm” thì chính phủ và các DNNN mới “ lương thiện” được.

Chỉ có một điều nên cân nhắc là nếu cho phá sản DNNN mà dẫn tới hiệu ứng Domino thì cần thận trọng và cân nhắc. Nhưng vì mục tiêu dài hạn nên cần phải cắt bỏ những khối u trong nền kinh tế, nhất là những khối ung thư giai đoạn cuối!

PV:- Trên thực tế, yêu cầu phá sản DNNN yếu kém thực tế đã được đặt ra từ lâu nhưng không thực hiện được. Theo ông, nguyên nhân vì đâu? Tới thời điểm hiện tại, những vướng mắc trên đã giải quyết được chưa? Xin ông phân tích cụ thể.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga:- Đúng là trong giới học thuật đã từ lâu đặt vấn đề về việc phá sản của các DNNN và các dự án công không hiệu quả. Tuy nhiên từ lý thuyết đến thực tế là cả một khoảng cách tính bằng “năm ánh sáng”, nhất là trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam. Theo tôi có một số nguyên nhân chúng ta chưa thực hiện được việc “chôn cất” các DNNN.

Thứ nhất, các DNNN tạo được một cách “ảo” công ăn việc làm cho người dân, cho dù không hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường nhưng có thể có lợi ích xã hội (mặc cho lợi ích xã hội rất khó đo lường).

Thứ hai, nhiều DNNN do các nhóm lợi ích chi phối. Họ có lợi ích rất lớn trong việc “duy trì và phát triển” các DNNN, mặc cho cha chung không ai khóc, mặc kệ cho thua lỗ triền miên, đã có người mẹ mang tên nhà nước “hỗ trợ về mọi mặt”.

Tôi xin trích dẫn một đoạn văn của nhà kinh tế lỗi lạc Vilfredo Pareto: Nếu “biện pháp A nào đó làm cho một nghìn người bị thiệt mỗi người 1 đồng USD và làm cho 1 hoặc một nhóm nhỏ thu lợi được 1000 USD, thì một người được lợi đó sẽ đem hết nghị lực ra đấu tranh (lobby), còn số 1000 người kia sẽ chống trả một cách yếu ớt; và có khả năng là cuối cùng kẻ thu lợi 1000 đô la thông qua Biện pháp A sẽ thắng”.

Dùng ảnh hưởng quan hệ và núp bóng chiêu bài về lợi ích xã hội khó đo lường là một hiện tượng có thật trong xã hội hiện nay, không chỉ ở Việt Nam.

Thứ ba, do luật pháp lỏng lẻo, kỷ cương tài chính không rõ ràng và minh bạch, nhất là khả năng tiếp cận tín dụng và đất đai quá dễ dàng dẫn tới rủi ro “đạo đức” trong kinh doanh.

Thứ tư, việc xử lý các DNNN làm ăn không hiệu quả (trừ các DNNN trong lĩnh vực công ích) trong nhiều năm qua chưa nghiêm, nếu không nói là hời hợt như “bắt cóc bỏ đĩa”. Không ở đâu mà các chủ doanh nghiệp giàu nên trông thất trong khi bản thân doanh nghiệp lại làm ăn thua lỗ liên miên.

PV:- Theo ông nếu thực hiện cho phá sản DNNN thì nên bắt đầu từ đâu, từ những công ty làm ăn thua lỗ hay những dự án thất thoát ngàn tỷ như đã nói ở trên? Việc cho phá sản DNNN có thể được thực hiện theo quy trình nào?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga:- Nếu thực hiện việc phá sản DNNN thì nên bắt đầu từ cả hai, từ DNNN thua lỗ thường xuyên và các dự án thất thoát nhiều ngàn tỷ, thậm trí vài trăm tỷ. Tuy nhiên chúng ta không thể ồ ạt mà cần có lộ trình, nhất là phải có luật phá sản cho các DNNN.

Việc thực hiện phá sản cho các DNNN cần có lộ trình rõ ràng để đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến người lao động về công ăn việc làm, về thu nhập cũng như an ninh xã hội.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/cho-pha-san-dnnn-phai-nhan-tam-thi-moi-luong-thien-duoc-3322760/