Cho nội tạng, phải tốn tiền (!?)

PN - Dù “Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” (gọi tắt Luật Hiến, ghép tạng) quy định rõ: “Quyền lợi của người tự nguyện hiến bộ phận cơ thể sẽ được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí khi thực hiện hiến bộ phận cơ thể tại cơ sở y tế và được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ miễn phí”.

Thậm chí, còn được tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân… Nhưng trên thực tế, nếu muốn hiến nội tạng cho người khác, người cho phải tự chịu chi phí cuộc mổ lấy nội tạng. Nếu người cho đã chết não, tử vong do tai nạn giao thông… gia đình người cho cũng phải chịu chi phí đó. Chết cũng phải đóng tiền! Đầu năm 2010, khi ẵm cháu băng qua đường, bà Tr.T.H., 58 tuổi (ngụ Bến Cát, Bình Dương) bị một thanh niên chạy xe gắn máy tông. Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Bình Dương chẩn đoán bà bị chấn thương sọ não, chuyển lên BV Chợ Rẫy TP.HCM và nạn nhân được chẩn đoán đã chết não. Theo tâm nguyện của bà H. lúc còn sống, các con của bà đã đồng ý hiến hai quả thận của bà cho bất cứ bệnh nhân nào cần, không đòi phải trả ơn. Sau khi kiểm tra các thông số sinh học, hai quả thận của bà được ghép cho một bệnh nhân là một chiến sĩ công an phường và một nữ sinh viên nghèo. Trước đó, ông N. - bố của cô sinh viên 22 tuổi, đang theo học tại TP.HCM – đã phải bán hết ruộng vườn ở quê miền Tây Nam bộ được vài trăm triệu đồng để có tiền cho con gái chạy thận nhân tạo và xét nghiệm xem thận của ông có phù hợp để ghép cho con gái hay không. Bao nhiêu tiền của ra đi cũng chỉ kéo dài cho con gái ông thêm vài tháng chữa trị. Trong lúc tuyệt vọng, gia đình ông N. như hồi sinh khi nhận được quả thận “miễn phí” từ một người không hề quen biết. Thế nhưng, để mổ lấy quả thận hiến tặng, gia đình bà H. phải tự bỏ tiền túi 30 triệu đồng. Trước tấm lòng cao cả đó, lãnh đạo BV Chợ Rẫy đã chịu thay khoản chi phí mổ cho gia đình bà H., còn thuê xe để đưa xác bà H. về quê mai táng. Các bác sĩ BV Chợ Rẫy đang mổ lấy thận từ người hiến tự nguyện Cách đây vài tháng, BV Chợ Rẫy cũng đã phải “đỡ đạn” viện phí cho một số người tình nguyện hiến nội tạng cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối vì mục đích nhân đạo. Cụ thể như trường hợp của bà Tr.T.T.M., 53 tuổi (Q.Tân Phú, TP.HCM) bị tử vong do tai biến mạch máu não, muốn hiến hai quả thận cho người bệnh, còn thân thể bà thì chuyển vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học; hoặc bà Đ.T.T., 52 tuổi (ngụ Q.8), sau khi bị chết não do tai nạn giao thông, gia đình bà cũng đồng ý cho phép BV lấy hai quả thận để ghép cho hai bệnh nhân ở độ tuổi 30, đang rất cần sự sống. Một quy định vô lý PGS-TS Trần Ngọc Sinh - Trưởng khoa Tiết niệu, BV Chợ Rẫy TP.HCM, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Tiết niệu học, ĐH Y Dược TP.HCM, bức xúc: “Tinh thần của Luật Hiến, ghép tạng là kêu gọi tính nhân đạo, vì mục đích cứu người, phục vụ khoa học, không nhằm mục đích thương mại. Vì thế nên ở điều 17, mục 2, chương II của Luật cũng nêu rõ quyền lợi của người tự nguyện hiến nội tạng là sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc, phục hồi sức khỏe suốt đời, khám bệnh định kỳ miễn phí… Thế nhưng, hiện nay người cho thận lại phải tự chi trả chi phí cho cuộc mổ lấy thận, chưa thấy một tổ chức nào, thậm chí là Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế chi trả cho người hiến tạng; dù hành động cho nội tạng là một món quà vô giá, không tính được bằng tiền. Trong nhiều cuộc họp với ngành y tế, ban giám đốc của nhiều BV đã lên tiếng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”. Công dân từ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự sẽ có quyền đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình khi còn sống. Hoặc sau khi chết, nếu được gia đình đồng ý, vẫn có thể hiến được. Theo PGS-TS Trần Ngọc Sinh, ở nước ngoài, trên các tấm bằng lái xe đều có mục cho người điều khiển phương tiện điền vào là “sau khi chết có hiến nội tạng hay không”, nếu có thì cho những bộ phận nào, ví dụ như: thận, tim, gan, mắt… để khi xảy ra tai nạn, nơi nhận xác sẽ dựa vào bằng lái xe mà thi hành. Hiện Bộ Y tế đang xem xét giao trách nhiệm cho một cơ quan trung tâm để nhận các trường hợp hiến nội tạng. BV Chợ Rẫy cũng đang đề xuất nên có cơ quan vùng để thuận tiện cho người hiến nội tạng ở mỗi vùng đến đăng ký, tìm hiểu... Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bà Lưu Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng giám định BHYT, Bảo hiểm xã hội TP.HCM, giải thích, hiện vẫn chưa có văn bản nào đề cập đến việc BHYT phải thanh toán chi phí mổ lấy nội tạng từ người cho. BHYT chỉ thanh toán cho những bệnh nhân bị trục trặc về vấn đề sức khỏe, thậm chí đã thực hiện việc chi trả cho những bệnh nhân ghép thận. Tuy nhiên, với những trường hợp tự nguyện cho thận, lại không phải do bản thân người đó có vấn đề về sức khỏe, người cho chỉ được cấp thẻ BHYT sau khi đã hiến tạng. Việc tự nguyện hiến tặng phải tuân theo quy định của Luật Hiến, ghép tạng. Trước tình trạng này, BV Chợ Rẫy đã dùng nguồn kinh phí của BV để trả thay bốn ca tự hiến nội tạng cho người bệnh. “Chúng tôi lo là nếu có quá nhiều trường hợp hiến thận tự nguyện, BV sẽ không biết xoay xở kinh phí ở đâu để trả thay. Nếu bắt người nhận thận chi trả, chẳng khác nào đi ngược lại với tinh thần của Luật là không vì mục đích thương mại và tránh tình trạng buôn bán thận” - đại diện một BV trăn trở. Trong khi đó, số bệnh nhân suy thận mãn có nhu cầu ghép thận do BV Chợ Rẫy quản lý lên đến 500 ca, trong tổng số 1.500 ca suy thận nặng. Cũng chính vì người hiến phải tự bỏ tiền túi, nên dù Luật Hiến, ghép tạng đã có hiệu lực từ đầu tháng 7/2007 nhưng tại BV Chợ Rẫy chỉ có bốn người tự nguyện hiến thận cho cộng đồng, ngoại trừ 40 ca đang chờ cho thận do có quan hệ huyết thống với người bệnh. Tại các BV khác ở TP.HCM vẫn chưa có trường hợp nào. Văn Thanh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/cho-noi-tang-phai-ton-tien.aspx