Cho nhà đầu tư ngoại mua ngân hàng 0 đồng:Giá bao nhiêu?

Nhà đầu tư nước ngoài được lợi rất nhiều về thị phần, khách hàng... nếu mua cổ phần của các ngân hàng 0 đồng tại Việt Nam.

Quan tâm vì lợi

Trong một bài phỏng vấn mới đây, chuyên gia kinh tế-tài chính Trần Du Lịch cho rằng, việc mua lại ngân hàng 0 đồng (OceanBank, CBBank, GPBank) chỉ là giải pháp nhất thời để tránh sự đổ vỡ, tác động lên toàn hệ thống và đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần buông các ngân hàng này để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mua lại cổ phần, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Ngô Hướng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM và TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM đều đồng tình với quan điểm trên và cho rằng điều này phù hợp với nền kinh tế thị trường, đặc biệt khi bước vào giai đoạn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (2016-2020) đòi hỏi phải quyết tâm, quyết liệt hơn, nhất là trong vấn đề quản trị điều hành, vốn, hỗ trợ sử dụng nguồn vốn Nhà nước.

Đã tới lúc để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần ngân hàng 0 đồng

TS Tín chỉ ra những điểm cần lưu ý đối với các ngân hàng 0 đồng.

Thứ nhất, ở góc độ quản trị điều hành, NHNN đưa bộ máy quản trị điều hành của các ngân hàng lớn trong nhóm Big 3 (Vietcombank, Vietinbank, BIDV) vào ngân hàng 0 đồng để điều hành. Khi NHNN buông ngân hàng 0 đồng cũng có nghĩa hệ thống quản trị sẽ do chính bản thân ngân hàng đó tự điều hành, tự hoạt động, miễn là tuân thủ theo các quy định pháp luật.

Thứ hai, về góc độ hỗ trợ vốn và thanh khoản, các ngân hàng 0 đồng được NHNN hỗ trợ thanh khoản để hoạt động, nghĩa là các ngân hàng này được sử dụng nguồn vốn vay tái cấp vốn của NHNN.

Thứ ba, cơ cấu tổ chức, điều hành của ngân hàng 0 đồng gần như vẫn theo cơ cấu của các ngân hàng lớn.

Từ những đặc điểm trên, TS Bùi Quang Tín lý giải nguyên nhân nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến ngân hàng 0 đồng ở Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trước hết đến thị phần của ngân hàng tại Việt Nam.

"Nói là ngân hàng 0 đồng nhưng ngân hàng ấy vẫn có khách hàng, phân khúc của họ cũng như hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch ở khắp Việt Nam. Những ngân hàng này khi NHNN mua lại mới được định giá 0 đồng, còn khi các ngân hàng lớn tham gia vào quản trị điều hành, chúng đã tốt lên, từ đó thúc đẩy giá trị của ngân hàng tăng lên.

Như vậy, các ngân hàng 0 đồng vừa có thị phần, vừa có nguồn khách hàng, đặc biệt được tái cơ cấu theo hệ thống quản trị mới nên nhà đầu tư ngoại muốn nhảy vào mua. Họ được lợi lớn là có được một ngân hàng tại Việt Nam, thậm chí có thể mang tên họ nếu đổi tên mà không cần phải đầu tư, xây dựng một thương hiệu mới. Từ trước đến nay, cái gì mới bao giờ cũng tốn kém và tốn nhiều thời gian để khẳng định vị trí. Ngoài ra, ngân hàng ấy đã có sẵn một cơ cấu tổ chức, một bộ máy và nhà đầu tư ngoại chỉ cần đưa hệ thống của họ ráp vào, nó sẽ hoạt động một cách nhanh chóng và có thể sinh lời ngay lập tức", TS Tín nhấn mạnh.

Nói thêm về mối lợi của các nhà đầu tư ngoại khi mua lại ngân hàng 0 đồng, PGS.TS Ngô Hướng cho biết: "Ngân hàng 0 đồng nghĩa là tiêu sản lớn hơn thực sản, nợ nhiều hơn cả tài sản của ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua lại cổ phần của ngân hàng này với rất nhiều đồng nếu họ thấy có thể khai thác được tài sản của ngân hàng đó.

Các nhà đầu tư nước ngoài có cách phục hồi, bỏ thêm vốn vào kinh doanh, có thể hoàn trả được tất cả các món nợ hay đòi được các món nợ cũ. Nếu họ làm tốt thì sẽ được lợi lớn từ các ngân hàng 0 đồng".

Trước lo ngại việc nhà đầu tư ngoại mua ngân hàng 0 đồng có thể tác động tiêu cực đến nền tài chính Việt Nam, vị chuyên gia tỏ ra lạc quan, thậm chí tin tưởng rằng nó có thể tác động tốt đến nền tài chính Việt Nam nếu họ làm cho các ngân hàng đó hoạt động tốt lên.

TS Bùi Quang Tín cho hay, so với các loại hình doanh nghiệp khác, ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, có tính ảnh hưởng và hệ lụy lớn. Do đó, tại Việt Nam đã có hình thức các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần tại ngân hàng Việt Nam nhưng chưa có hình thức nào mua lại toàn bộ ngân hàng trong nước. Hiện các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hiện diện dưới 3 hình thức: 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện và chi nhánh.

Đối với ngân hàng 0 đồng, thay vì tìm nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần bị giới hạn bởi room 30% có thể chuyển thành 100% vốn nước ngoài bằng cách bán cả cho đối tác nước ngoài. Về mặt pháp lý, phương án này không sai luật tổ chức tín dụng.

Phải có ràng buộc

Một vấn đề được đặt ra là, khi tái cấu trúc, nhà đầu tư ngoại muốn mua cổ phần của ngân hàng 0 đồng, việc định giá cổ phần của các ngân hàng này sẽ như thế nào? TS Bùi Quang Tín khẳng định, việc định giá cổ phần các ngân hàng phải tuân theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/cho-nha-dau-tu-ngoai-mua-ngan-hang-0-donggia-bao-nhieu-3331198/