Chợ Hàng, những cái tên nghe chẳng thơ đâu nhưng với ta vô cùng oanh liệt...

Về đất biển Hải Phòng, ai cũng biết chợ Sắt, nhưng nếu là người yêu thành phố này thật sự, thì ắt sẽ nhớ đến chợ Hàng. Một cái chợ dân giã, quê kiểng có từ xưa ở làng Kênh ngoại thành, mà những người nông dân khắp vùng lân cận...

Về đất biển Hải Phòng, ai cũng biết chợ Sắt, nhưng nếu là người yêu thành phố này thật sự, thì ắt sẽ nhớ đến chợ Hàng.

Một cái chợ dân giã, quê kiểng có từ xưa ở làng Kênh ngoại thành, mà những người nông dân khắp vùng lân cận thường tìm đến mua hạt giống, cây con, rổ rá, cuốc xẻng, chó mèo...

Nghĩa là trăm thứ rặt hàng nông sản. Rồi còn những món quà quê nữa chứ, trước đây cứ đúng năm ngày một phiên, không ít chàng trai đến chợ tìm các cô bé bán hàng làm bạn...

Chợ mới, chợ cũ vẫn là chợ Hàng

Nói là chợ Hàng cũ vì hồi trước, mọi người tập trung mua bán dọc làng Dư Hàng (nay là phố Chợ Hàng, phường Hàng Kênh cũ).

Nhưng rồi chợ mỗi ngày một sầm uất, nhiều mặt hàng khác ăn theo phát triển, thu hút khách thập phương tìm đến, vào phiên mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần. Phố trở nên chật chội nhiều lần vỡ chợ vì cảnh chen chúc nhất là vào những ngày xuân, hay vào thời vụ.

Chợ Hàng phình to và được sắp đặt lại vào một khu đất trống của phường Dư Hàng Kênh (mới), như hiện nay. Người ta gọi đó là chợ Hàng mới. Và, một con phố Chợ Hàng Mới hình thành.

Cho dù vậy hai phố Chợ Hàng cũ và Chợ Hàng mới không cách nhau bao xa, nên giờ chẳng còn ai phân biệt cũ, mới nữa, đều gọi là Chợ Hàng.

Cửa chính của chợ đón khách từ phía đại lộ Nguyễn Văn Linh (đường 5), còn tới 4 cửa phụ phía sau từ các phố chung quanh như Hoàng Minh Thảo, Đường máng nước, Chợ Hàng mới.

Một cụ già bán hàng vặt bên cửa chợ Hàng

Nhưng phải nói chợ Hàng đã thực sự mới với quy mô phân khúc các vùng mặt hàng khá rạch ròi, nên dù khách rất đông nhưng không bị cảnh chen lấn như xưa.

Bên trong khu chợ tập trung bán đồ nông sản, gia súc, cùng quần áo, đồ nhựa và quà quê; còn dọc các phố chung quanh bán đồ cũ, đồ xưa và các loại hàng dị, độc, lạ về điện máy. Họ còn bày bán cả đồ thờ cúng, cùng những mặt hàng sưu tầm văn hóa, cổ vật...

Ai đến đây cũng hoa mắt vì tràn ngập hàng hai bên đường phố. Người người tập nập vào chợ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần. Không ít người đến chợ để săn đồ với những ký ức kỳ dị.

Một góc chợ

Có lần tôi đang mải ngắm một người đang tòng teng trên tay hai chiếc rế mây bắc nồi, thì bất ngờ va vào một anh chàng nom có vẻ ngổ ngáo nhưng lại nhảy cẫng lên cười như một đứa trẻ khi tìm đúng được chiếc đĩa than mà mình đã săn lùng từ mấy năm nay. Đó là chiếc đĩa nhạc cũ thu những bài hát của nhạc sĩ Hoàng Quý, cũng gốc người của làng Kênh cổ kính.

Anh ta kể vanh vách trong đĩa than này có những tình khúc nào và đặc biệt anh ta còn nhớ cả lời bài hát “Cô làng giềng”. Tôi lấy làm thú vị và tò mò hỏi chắc anh có kỷ niệm gì về bài hát, thì anh ta cười có vẻ ngượng ngập. Lúc này anh ta trở nên hiền lành nhỏ nhẹ nói đó là một kỷ niệm về cô láng giềng một thời ở làng Bảo Hà, Vĩnh Bảo.

Rồi anh ta lim dim đôi mắt hát cho tôi nghe mấy câu mà đã từng ôm gây ghi ta đê mê với một ký ức buồn. Giọng anh ta nhừa nhựa có hơi thuốc lào khê đặc: “Trước ngõ vào thôn vang tiếng pháo. Chân bước phân vân lòng ngập ngừng. Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao. Tôi biết người ta đón em từng bừng... Cô láng giềng ơi. Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi. Chân bước xa xa dần miền quê. Ai biết cho bao giờ tôi về”.

Tôi chợt thấy cay cay đuôi mắt, bởi không ngờ giữa chốn ồn ào này, chợ Hàng đã cho tôi một cảm giác rất lạ, lãng mạn và rất Hải Phòng...

Chiếc ấm trà Con Phượng

Tôi vội đi vào Phố Hàng và dừng chân trước một chiếu rộng đầy ấm chén rải tràn ra cả đường. Sưu tầm ấm trà là thú chơi của tôi thuộc nhóm si mê trà đạo.

Chính vì thế, chợ Hàng cũng là một chốn hấp dẫn, với nhiều chủng loại hàng gốm cũ được bầy bán rải rác bên hè đường, và các cửa hàng trên phố. Nghe nói, đây đó có nơi còn bầy bán những bình lọ tượng sứ của chính vua gốm sứ “Hải đồ cổ”, một tỉ phú nổi tiếng ở Hải Phòng.

Lần mò dọc suốt phố Chợ Hàng, tình cờ tôi nhìn thấy một bộ ấm trà hình con phượng khá lạ mắt, tại số nhà 460 phố Chợ Hàng. Nhìn qua thì thấy đây là hàng nhái mẫu cổ của Tàu, nhưng ngắm kỹ mới thấy có nét bay bướm và thanh thoát, chứ không nặng nề như gốm phương Bắc. Tôi lật ngược đáy ấm, thấy ghi “Hải đồ cổ”, trong lòng phân vân thật hay giả đây.

Chiếc ấm của "Hải đồ cổ"

Ngay lúc đó, anh chủ cửa hàng tên là Hưng bước đến giải thích, đây đích thị là hàng của công ty gốm sứ xuất khẩu Haivinaco, do ông “Hải đồ cổ” làm giám đốc. Anh còn khoe đây là cửa hàng duy nhất ở Chợ Hàng này được nhập bán hàng sứ mang thương hiệu “Hải đồ cổ”.

Tôi mừng rơn vì sắm được một mẫu ấm mới. Lúc này anh Hưng mới say sưa nói về ông chủ “Hải đồ cổ”. Tôi càng không ngờ, mình biết thêm nhiều điều về ông già tỉ phú nổi tiếng, khắp bàn dân thiên hạ này.

Đó là một chân dung Hải Phòng mà tôi thường ngưỡng mộ, với ý chí muốn làm cho thành phố biển này nổi tiếng trên thế giới về đố sứ dát vàng, một công nghệ độc đáo và đẹp hơn cả hàng ngoại nhập khẩu.

Anh còn nói, hiện ông “Hải đồ cổ” có hàng chục công nhân, thợ vẽ gốm là những người câm điếc, khuyết tật và cô đơn. Trong đó có những người đã từng vất vả kiếm ăn từng đồng ở cái chợ Hàng. Nhưng giờ đây đã trưởng thành và có tay nghề tự kiếm sống. Đúng là tôi ngộ thêm được bao điều nhân ái và những nét văn hóa lãng mạn của người Hải Phòng từ phiên chợ quê này.

“Những cái tên nghe chẳng thơ đâu”

Đó là lời của bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ”, được phát ra từ một gian hàng băng đĩa dưới một gốc cây bên đường. Chiếc loa thùng vang lên bản nhạc hiệu của Đài Phát thanh Thành phố Hải Phòng. Một người ở tận Thái Bình vừa lên chợ Hàng kiểm tra những bộ CD mua về để bán ở chợ huyện.

Anh ta đang nghe thử một chiếc CD, tình cờ lại đúng bài hát quen thuộc này. Tiếng hát cùng những âm thanh rền vang làm mọi người bỗng nhiên phấn chấn, trong mỗi bước đi, trong từng ánh mắt nhìn nhau. Họ vui vì được sống lại với những ký ức hào hùng một thời và những câu chuyện của cuộc đời mình được kể lại.

Lời ca mênh mang, họ được nghe hàng ngày, nhưng mỗi lần là một niềm vui được nhân lên. Những cái tên thân quen bên phố Chợ Hàng, đúng như: “Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên. Những cái tên nghe chẳng thơ đâu nhưng với ta vô cùng oanh liệt. Ôi thân thiết tự hào quê hương...”.

Nghe mà như mơ vậy. Đó là những nơi mà tôi thường đi qua. Những ký ức trỗi dậy trong mỗi người, một tình yêu thành phố Cảng, thành phố anh hùng nơi biển sóng. Cứ thế ôm trên ngực con Phượng gốm, tôi chậm chạp đi trong hàng người, với niềm vui như bay trong tiếng hát: “Ơi thành phố tháng Năm, hoa phượng đỏ quê hương. Ta mang người trong giữa trái tim ta”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cho-hang-nhung-cai-ten-nghe-chang-tho-dau-nhung-voi-ta-vo-cung-oanh-liet-post172417.html