Chỗ dựa tinh thần của bệnh nhân nhiễm HIV

Trong suốt gần 20 năm, bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông luôn đồng hành, trở thành người bạn, là chỗ dựa tinh thần cho biết bao bệnh nhân nhiễm HIV.

Từ một bác sỹ sản khoa, bác sỹ Ngô Thị Ánh Đông đến với những bệnh nhân nhiễm HIV như đã được sắp đặt trước. Trong suốt gần 20 năm, bà luôn đồng hành, trở thành người bạn, là chỗ dựa tinh thần cho biết bao bệnh nhân nhiễm HIV tại TP Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông. Ảnh: sggp.org.vn

Năm 1999, đang là bác sỹ sản khoa tại Trung tâm Y tế Dự phòng quận 4, do thiếu nhân sự, bác sỹ Ngô Thị Ánh Đông được điều động sang Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng quận, từ đây bà bắt đầu phụ trách chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV. Nhớ lại những ngày đầu vô cùng khó khăn đó, bác sỹ Ngô Thị Ánh Đông cho biết: “Ban đầu mình nản lắm, công việc thì phức tạp, xã hội còn nhiều sự kỳ thị. Ngay đến cả chồng, gia đình của mình cũng không ủng hộ công việc này”.

Tuy nhiên, vượt qua rào cản ban đầu, càng tiếp xúc, gần gũi với những bệnh nhân nhiễm HIV, bà dần thấu hiểu và đồng cảm với họ nhiều hơn. Bởi theo bác sỹ Ánh Đông, những người bệnh rất đáng thương, rất cần bàn tay chăm sóc của nhân viên y tế. Và hơn hết, họ cũng cần sự cảm thông, tình thương của người thân, cộng đồng, xã hội.

Nhớ lại lần đầu tiên gặp bác sỹ Ánh Đông, anh Đức - một đồng đẳng viên cho biết: “Lúc mới biết mình nhiễm bệnh, tôi sốc và chán nản lắm, đi đâu cũng gặp ánh mắt dè chừng, khinh miệt của người đời, may sao được gặp bác Đông, chính bác cho tôi niềm tin, hy vọng để tiếp tục điều trị, tiếp tục sống”. Nhiễm HIV, không có việc làm, hoàn cảnh khó khăn, anh Đức được bác sỹ Ánh Đông nhận làm cộng tác viên, đi vận động, sẻ chia, hỗ trợ những người bệnh khác. “Nếu không có bác Đông thì không có tôi của ngày hôm nay - một người nhiễm HIV nhưng luôn sống lạc quan, khỏe mạnh và hơn hết còn có ích khi giúp được nhiều người nhiễm khác”, anh Đức chia sẻ.

Không chỉ anh Đức mà hàng ngàn bệnh nhân nhiễm HIV tại quận 4, sau này là quận Bình Thạnh - nơi bác sỹ Ngô Thị Ánh Đông công tác gần 20 năm qua quen thân, kính trọng và yêu mến bà. Họ coi bà là người mẹ, là người bà, là người chị thân thiết, là người có thể sẻ chia nhiều vui buồn trong cuộc sống. Bởi ngoài điều trị, bà còn là chuyên gia gỡ rối, quan tâm đến cả những vấn đề riêng tư, nhỏ nhặt nhất của họ. “Nhiều khi mình quên đến khám và nhận thuốc, bác lại gọi điện mắng mình nhưng mình biết bác mắng vì thương mình, muốn mình điều trị tốt”, một người nhiễm HIV tên Phương cho biết.

Gần 20 năm điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV cũng là bấy nhiêu năm điện thoại của bà luôn mở, sẵn sàng tiếp nhận, giải quyết những vấn đề họ gặp phải. Có khi nửa đêm vẫn có bệnh nhân gọi điện đến nhờ tư vấn do tâm lý chưa ổn định hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Chỉ cần biết ở đâu bệnh nhân gặp vấn đề là bác sỹ Ngô Thị Ánh Đông lại không ngần ngại đến với họ. “Nếu mình không đến, nhỡ họ có chuyện gì thì phải làm sao? Tôi biết những lúc đó họ rất cần mình, vì thế không nỡ từ chối”, bác sỹ Đông bộc bạch.

62 tuổi, gần 20 năm gắn bó với bệnh nhân nhiễm HIV nhưng bác sỹ Ngô Thị Ánh Đông vẫn chưa tính đến chuyện nghỉ hưu. “Bạn có nỡ bỏ rơi những người em, người con của mình khi biết họ đang cần được giúp đỡ không, tôi không thể” - bà khẳng định. Nhắc đến những đứa em, đứa con thân thiết, ánh mắt của bác sỹ Ánh Đông lại rạng ngời, lấp lánh niềm vui. “Chỉ cần một ngày không đến phòng khám là tôi nhận được điện thoại của nhiều người hỏi sao tôi không đi làm, hỏi tôi có làm sao không? Điều này chứng tỏ rằng trong lòng họ, tôi có một vị trí nhỏ bé nào đó. Đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi”.

Và đối với bác sỹ Ngô Thị Ánh Đông không có món quà nào, sự vinh danh nào quý giá bằng mỗi ngày được nhìn thấy bệnh nhân của mình khỏe mạnh, điều trị, uống thuốc đều đặn và sống vui, sống có ích.

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/guong-tot-viec-tot/cho-dua-tinh-than-cua-benh-nhan-nhiem-hiv-20161201080825634.htm