Chớ cả tin quảng cáo tế bào gốc

Một số phòng khám đa khoa thường hay đưa ra những lời quảng cáo chữa bệnh bằng phương pháp cấy tế bào gốc đã gây ngộ nhận cho bệnh nhân. Đến khi bị tố cáo, các cơ sở này nhanh chóng xóa bỏ vết tích trên các trang mạng. Người dân không những không hết bệnh mà còn rước họa vào thân.

Quảng cáo thổi phồng

Ngày 15-7, ông Dương Minh Đức (SN 1960, ngụ phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP HCM) xác nhận, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã có công văn phúc đáp đơn phản ánh liên quan đến việc “cấy tế bào gốc” của Phòng khám Đa khoa (PKĐK) Bác Ái. Ông Đức kể, ngày 15-10-2015, ông đã gửi đơn đến Sở Y tế tố cáo PKĐK Bác Ái có hành vi lừa đảo trong khám chữa bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Văn Mẫn, Phó trưởng khoa Ghép Tế bào gốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM

Theo đơn phản ánh, PKĐK Bác Ái hứa sẽ chữa trị tiểu đường bằng tế bào gốc và cam kết hết bệnh với chi phí 100 triệu đồng. Sau thời gian điều trị, ông Đức không khỏi bệnh mà còn có biến chứng nặng hơn.

Sau khi xem xét, Thanh tra Sở Y tế xác định, PKĐK Bác Ái chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế. PKĐK Bác Ái chưa tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với người bệnh chưa thực hiện đúng quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Vậy mà phòng khám này đã thực hiện quy chế kê đơn và hồ sơ bệnh án, .

Thanh tra Sở Y tế khẳng định, chưa có đủ cơ sở để xác định PKĐK Bác Ái thực hiện kỹ thuật tế bào gốc cho bệnh nhân. Phòng khám có lấy máu ngoại vi của bệnh nhân để làm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) điều trị cho bệnh nhân. Kỹ thuật này chưa được phê duyệt theo quy định của Bộ Y tế. Thanh tra Sở Y tế đề nghị PKĐK Bác Ái ngừng ngay việc sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) điều trị cho bệnh nhân.

PKĐK Bác Ái còn công khai quảng cáo trên trang mạng về “Phương pháp điều trị “Đái tháo đường” bằng tế bào gốc”.

Những lời quảng cáo của PKĐK Bác Ái đã khiến bệnh nhân tin “sái cổ”, đại loại: “Chúng tôi thực hiện phương pháp truyền tế bào gốc từ máu ngoại vi autograft để điều trị tiểu đường tuýp 2. 2 tháng sau khi truyền dịch, chỉ số đường huyết cho thấy giảm 50%, với liệu trình cắt giảm thuốc tây xuống 1/2. Truyền dịch tế bào gốc cải thiện sự trẻ hóa chung của cơ thể; với sự cải thiện đáng kể khả năng chịu đựng, sức đề kháng, phương pháp miễn dịch tế bào để chống chọi lại bệnh tật”. Dưới phần quảng cáo điều trị bằng phương pháp tế bào gốc trên, trang web ghi rõ: BSCKI Trần Thiên Định, TS.BS Ciro Gargiulo. BSCKI Phan Thị Kim Liên.

Không những quảng cáo chữa trị bằng phương pháp tế bào gốc, PKĐK Bác Ái còn quảng cáo các dịch vụ làm đẹp khác như: “Nâng cấp tầng sinh môn, làm đẹp âm hộ, âm đạo, trị sa bọng đái, trẻ hóa da bằng tế bào gốc từ máu tự thân…”.

Bệnh nhân chích để điều trị tại phòng khám

Tiền mất, tật mang

Chưa hết, tại một quảng cáo bằng đoạn video được đăng tải ngay trang chủ của trang www.phongkhambacai.com, còn thể hiện nội dung phát biểu của TS.BS Lê Ngọc Bích, Chuyên khoa Nội tổng quát PKĐK Bác Ái: “Có một bệnh nhân, anh này khoảng 40 tuổi, đã suy thận thời kỳ cuối và sắp sửa phải lọc thận. Sau khi được chích tế bào gốc, thì tổng số các mũi vào khoảng 8 cho đến 10 mũi đó, các chức năng thận, rõ ràng tiến bộ. Và, khi nhìn kích thước của thận trên siêu âm, kích thước đã trở lại bình thường”.

Từ những thông tin quảng cáo và qua sự giới thiệu của người bạn, ông Đức đã đóng tiền cho PKĐK Bác Ái để được chữa bệnh bằng phương pháp “tế bào gốc”. Không chỉ ông Dương Minh Đức là nạn nhân của PKĐK Bác Ái mà vợ chồng ông Bạch Thế Dũng và bà Dương Thị Thanh Hương (ngụ quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, người nhà của ông Đức) đã mê muội bởi những lời quảng cáo tại Phòng khám đa khoa Bác Ái. Ông Dũng bị bệnh viêm khớp gối, vảy nến, parkinson và tai biến mạch máu não. Ông Dũng cũng tin vào lời quảng cáo của phòng khám này nên đến để chữa bệnh.

Những lần đưa chồng đi trị bệnh, bà Hương cũng được PKĐK Bác Ái tư vấn điều trị bằng “tế bào gốc” cho… khỏe người. PKĐK Bác Ái đã lên bảng giá tiền cho ông Dũng là 120 triệu đồng và bà Hương là 100 triệu đồng. Tháng 4 và 5-2015, ông Dũng và bà Hương được PKĐK Bác Ái điều trị. Đến tháng 6-2015, ông Dũng vẫn bị triệu chứng đau chân, đau khớp, tay vẫn run, vảy nến vẫn còn…

Sau này phát hiện có sự mờ ám, ông Đức, ông Dũng và bà Hương đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng. Sau đó, vợ chồng ông Dũng yêu cầu phải trả tiền và bồi thường thì được PKĐK Bác Ái chấp nhận trả lại cho ông Dũng 84 triệu đồng, bà Hương 70 triệu đồng. Sự việc bị vỡ lỡ, PKĐK Bác Ái đã xóa dấu vết bằng cách gỡ những thông tin đã quảng cáo trên trang mạng của mình.

Trước khi các bài viết trên bị gỡ bỏ, ông Dương Minh Đức đã cùng Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư TP HCM đến Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh lập Vi bằng nội dung quảng cáo trên trang mạng www.phongkhambacai.com để làm bằng chứng tố cáo PKĐK Bác Ái.

Bộ Y tế cấp phép mới được điều trị bằng phương pháp “cấy tế bào gốc”

Hiện nay, chỉ có một số Bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép hoạt động cấy tế bào gốc: Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 108, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy…

Tùy từng loại bệnh, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ thăm khám, điều trị và đưa ra các phương pháp ghép tế bào gốc. Một số bệnh như: đa u tủy và ung thư hạch, bệnh nhân sẽ được cấy tế bào gốc bằng phương pháp tự thân. Đối với bệnh ung thư máu suy tủy phải ghép từ người khác cho. Ngoài ra, những bệnh khác phải dùng tế bào gốc trung mô để điều trị. Chữa trị bằng tế bào gốc khá mới mẻ ở Việt Nam nên người dân hiểu lầm về cách điều trị. Bác sĩ Mẫn dẫn chứng, chẳng hạn đối với công dụng làm đẹp, các cơ sở thẩm mỹ sẽ sử dụng công nghệ tế bào gốc để làm ra sản phẩm bôi lên da.

Những tế bào gốc đối với chuyên ngành khác như: chỉnh hình, giác mạc… còn khá mới và là những tế bào gốc được chiết suất từ các cơ quan mô mỡ hoặc các cơ quan khác. Quá trình điều trị bằng phương pháp cấy tế bào gốc rất phức tạp nên người dân cần đến các cơ sở y tế (như đã nói ở trên) để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/cho-ca-tin-quang-cao-te-bao-goc-451931.html