Chợ bán rơm độc đáo nhất Hà Tĩnh

Những ngày này, có dịp đến huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh), người ta dễ dàng bắt gặp những chuyến xe chở rơm khô đang được người dân đưa ra chợ bán. Từ lâu, nghề bán rơm khô ở đây đã mang lại một khoản thu nhập nho nhỏ, giúp nông dân nghèo huyện Lộc Hà có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Trần Thị Xuân, người dân ở xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh niềm nở chia sẻ: “Dạo này cô đều tranh thủ dậy từ 5 giờ sáng để “rút rơm” (soạn rơm thành bó) rồi mang xuống chợ sớm. Sắp đến mùa giáp hạt rồi nên cô phải chịu khó cắt cỏ về cho trâu ăn, còn rơm mang đi bán cho người ta kiếm thêm tiền mua thức ăn, giấy bút cho lũ trẻ đi học. Nói chung làm nông thì mình chịu khó, chăm chỉ nhặt nhạnh, để vừa có tiền mua thức ăn cho con, vừa có cỏ cho trâu ăn là cô vui rồi”.

Một góc chợ bán rơm ở huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Nguyễn Hường

Ông Trần Đức Thủy - cán bộ Ban quản lí chợ huyện Lộc Hà cho biết: “Chợ rơm chỉ chiếm một khu nhỏ trong chợ huyện. Người dân bắt đầu bán rơm từ đầu tháng 2 âm lịch đến đầu tháng tư. Đặc thù của rơm là loại hàng giá rẻ nên ở chợ người dân bán mua thoải mái, Ban quản lí chợ không thu bất kì khoản phí nào của bà con”.

Mỗi xe rơm giá khoảng 50.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Hường

Cô Phan Thị Tuyết, người dân xã Tùng Lộc cho biết: "Ngoài việc đồng áng vất vả, chúng tôi vẫn tranh thủ thời gian đi cắt cỏ cho trâu bò ăn, còn rơm thường phơi khô, dự trữ, lúc cần tiền sẽ đem bán để trang trải cuộc sống hằng ngày. Mỗi gánh rơm được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng, với gia đình ít người ở vùng quê quan năm lam lũ này, chừng đó tiền cũng đủ mua thức ăn trong 2 ngày".

Cô Phan Thị Tuyết, người dân xã Tùng Lộc mồ hôi nhễ nhại chia sẻ: “Mùa về là cô lại tranh thủ đi xin rơm từ các làng xa về phơi. Từ hôm đầu mùa chợ đến nay cô đã bán được 15 gánh rơm, có thêm tiền nuôi 5 người ăn trong nhà”. Ảnh: Nguyễn Hường

So với việc phơi, cất trữ lúa thì phơi rơm và thu gom rơm vất vả hơn nhiều. Ảnh: Nguyễn Hường

Sinh ra tại miền quê nghèo miền Trung vốn khắc nghiệt, việc nghèo khó là điều mà mỗi người dân nơi đây luôn biết tự vươn lên trong cuộc sống. Những người dân quanh năm vất vả chỉ biết “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. So với chưng cất lúa việc phơi rơm và thu gom rơm vất vả hơn nhiều. Rơm phải đủ độ khô giòn phơi được nắng nhất thì mới bảo quản được đến dịp này để người dân mang đi bán. Rơm là thứ nông sản còn sót lại, để rồi cứ vào dịp “ giáp hạt” người dân đưa rơm ra bán như để “cứu rỗi” những vất vả nghèo túng cả gia đình

Những người phụ nữ bên chiếc xe đạp chở đầy rơm. Ảnh: Nguyễn Hường

Người bán, người mua rơm niềm nở ở khu chợ độc nhất vô nhị huyện Lộc Hà. Ảnh: N.H

Những xe rơm là nguồn thu nhập giúp bà con trang trải chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Ảnh: Nguyễn Hường

Người bán rơm cũng có lúc lo ế hàng khi chợ đã xế trưa. Ảnh: Nguyễn Hường

Gánh rơm thể hiện cuộc sống mưu sinh vất vả của người dân miền quê nghèo. Ảnh: N.H

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/cho-ban-rom-doc-dao-nhat-ha-tinh-756769.html