Chờ 3 năm nữa chứng khoán Việt liệu có thành 'Thị trường mới nổi'?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được MSCI (Morgan Stanley Capital International) xếp vào nhóm thị trường Cận Biên và khuyến nghị nâng lên thị trường mới nổi. Cơ hội nâng hạng trong 3-5 năm tới liệu có thành hiện thực?

Sau quyết định nới room 100% cho các nhà đầu tư nước ngoài, theo Nghị định 60 của Chỉnh phủ Việt Nam, đã khiến giới đầu tư nức lòng và MSCI khuyến nghị nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lên thị trường mới nổi.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư nước ngoài “Thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới chuẩn Thị trường mới nổi”, do HOSE và StoxPlus tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia chứng khoán đã cho biết quan điểm của Chính phủ Việt Nam là nhanh chóng đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo trong nền kinh tế. Do đó, việc nâng hạng TTCK Việt Nam lên mới nổi rất cần thiết để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn ngoại từ các tổ chức và định chế tài chính lớn.

Tuy nhiên, để “Đẩy nhanh tiến trình triển khai hoạt động hướng tới nâng hạng TTCK Việt Nam lên chuẩn mới nổi”, theo các chuyên gia chứng khoán điều quan trọng là nới room (đã làm) và minh bạch thông tin thị trường.

Theo bà Hoàng Thị Hoa, Phó Giám đốc, Quỹ Dragon Capital, Chính phủ Việt Nam muốn nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi càng nhanh càng tốt. Do đo, thời gian 03 năm tới là lý tưởng nhất. Việt Nam cần phải làm nhiều việc để hoàn thành các chỉ tiêu mà MSCI đã đề ra để nâng hạng thị trường.

Cũng đồng quan điểm này, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị của CTCK VNDirect, cho rằng chính những sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách phát triển TTCK trong thời gian qua đã cho thấy quyết tâm nâng hạng TTCK của Chính phủ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải mất từ 3-5 năm mới trở thành thị trường mới nổi. Để thực hiện được điều này thì từ nay đến đó cần phải có những biện pháp cải thiện tính thanh khoản thị trường và cần nắm bắt cơ hội bằng cách thay đổi luật và thay đổi cả cách quản lý.

Tuy nhiên, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cho rằng liệu thời gian 03 năm có vừa tầm không? Chúng ta cần nỗ lực rất nhiều không chỉ là nhà quản lý mà còn là những người tham gia thị trường. Đối với sản phẩm mới cải thiện thị trường thì HOSE đóng vai trò dẫn đầu để các thành viên đi theo. Xét về tính minh bạch là sự quan tâm của các nhà đầu tư thì các công ty tham gia thị trường đóng vai trò quan trọng nhất. Đây là một quá trình phức tạp cần sự phối hợp giữa quản lý và người tham gia.

Còn ông Rick Chau, Giám đốc điều hành, Khu vực Châu Á, MSCI Inc. cho rằng khó có thể xác định thời gian chính xác là bao lâu TTCK Việt Nam trở thành thị trường mới nổi. Thí dụ về TTCK của Pakistan cho thấy năm 2005 nước này phấn đấu nâng hạng TTCK lên mới nổi đã phải cần đến rất nhiều yếu tố, trong đó phụ thuộc khá lớn vào nhà quản lý của địa phương.

Minh chứng về nâng hạng TTCK Pakistan, ông Sani-e-Mehmood Khan, Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Pakistan, chia sẻ trong 06 năm thực hiện nâng hạng, Pakistan đã mời nhiều chuyên gia nước ngoài, có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính và tất cả các chủ tịch, tổng giám đốc của các CTCK ngồi lại với nhau để cho ra các giải pháp tốt nhất. Trong đó, những sàn chứng khoán hạn chế phải bỏ để không kìm hãm cộng đồng TTCK phát triển nhanh. Trong quá trình này, TTCK Pakistan đã nhờ đến người trong Trung ương để giúp đỡ, đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đây cũng là cách mà Việt Nam nên làm để có người dẫn đầu, hỗ trợ chính thức và chuyên trách từ phía Chính phủ và Việt Nam cũng cần có một công ty trọng tài trong việc này.

“Tôi nhận thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận TTCK Việt nam tốt không kém gì TTCK Pakistan. Hãy xem Pakistan có hạn chế gì trong TTCK để xử lý vấn đề của thị trường Việt Nam”, ông Sani-e-Mehmood Khan nói.

Để chuẩn bị cho nâng hạng lên thị trường mới nổi, Nghị định 60 về nới room lên tới 100% đến nay đã thực hiện được 01 năm nhưng chỉ có 25 hồ sơ doanh nghiệp xin nới room. Nguyên nhân theo bà Tạ Thanh Bình, Trưởng phòng Phát triển TTCK, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước (SSC), về phía cơ quan quản lý không có vướng mắc nhưng doanh nghiệp chưa mặn mà, điều này có nghĩa không phải nghĩa tất cả doanh nghiệp niêm yết đều có nhu cầu mở room, còn nhà đầu tư nước ngoài cũng “chọn mặt gửi vàng”, không phải doanh nghiệp nào họ cũng mua.

Việc nới room chưa thành công cũng từ phía nhà đầu tư nước ngoài chưa tiếp cận được thông tin đầy đủ, thể hiện bằng việc rất nhiều doanh ngiệp niêm yết công có bản công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Bà Phạm Minh Hương cho rằng việc công bố thông tin bằng tiếng Anh cho nhà đầu tư nước ngoài không có gì to tát cả, quan trọng là khả năng công bố thông tin, kiểm toán của doanh nghiệp đến đâu. Chẳng hạn, đối với hoạt động của một ngân hàng thì phải công bố rất nhiều thông tin và thường xuyên. Khi thị trường chuyên nghiệp sẽ có một bộ phận dịch tiếng Anh, nhưng quan trọng là công bố thông tin gồm những gì và như thế nào. Do vậy, cần có sự định hướng của cấp quản lý cao nhất trong công ty.

Theo ông Rick Chau, có 18 chỉ tiêu cần công bố, nhưng doanh nghiệp nên tập trung vào những chỉ tiêu chủ yếu và không cần phải công bố hết cả 18 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đối với các tiêu chí thanh khoản, minh bạch... thì điều quan trọng vẫn là thực thi và tuân thủ những gì liên quan đến luật pháp. Đây là trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam.

Một trở ngại cho nhà đầu tư nước ngoài nữa là thông tin về các doanh nghiệp IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) rất yếu. Trong khi đây lại là cơ hội để các công ty thông tin giúp nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường mạnh mẽ.

Theo bà Hoàng Thị Hoa, để nâng hạng lên Thị trường Mới nổi trong 03 năm nữa Việt Nam cần kiện toàn cơ chế, nâng NVDR (cổ phần không có quyền biểu quyết) lên thành cổ phần có quyền biểu quyết, cải thiện các quy trình quản lý doanh nghiệp. Cần khung pháp lý về cung cấp thông tin IPO, từ đó giúp nhà đầu tư nắm thông tin, họ sẽ có niềm tin hơn vào thị trường. Các công ty sau khi IPO phải lên sàn nhanh chóng, tránh trường hợp không trốn lên sàn như thời gian vừa qua.

Lan Anh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/cho-3-nam-nua-chung-khoan-viet-lieu-co-thanh-thi-truong-moi-noi-2160193.html