Chính trường Mỹ mâu thuẫn vì Nga: Tâm phục Putin?

Nhìn nhận của Mỹ và phương Tây về nhà lãnh đạo Nga ngày càng thay đổi theo hướng thừa nhận tài năng thực sự của Tổng thống Putin....

CNN ngày 18/5 bình luận rằng, bộ đôi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cười giễu cợt vào nước Mỹ, khi phải cố gắng làm một việc trái khoáy là chứng minh Moscow không được Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẽ bất kỳ bí mật nào cả.

Hiện nay, chính trường nước Mỹ đang dậy sóng, sau khi Tổng thống Trump bất ngờ sa thải giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, người chịu trách nhiệm điều tra mối liên hệ giữa Nga với chiến thắng của vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Nụ cười của nhà lãnh đạo Nga mà hãng tin CNN cho rằng ông Putin đang chế giễu giới chính trị Mỹ

Bước sóng được cộng hưởng thêm bằng thông tin Tổng thống Trump đã tiết lộ bí mật quốc gia với Moscow, khi tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng. Tình hình nghiêm trọng đến mức người ta đã phải đưa ra giả thiết là ông Trump có thể đối mặt với việc bị luận tội.

Trong lịch sử bang giao quốc tế, chưa bao giờ chính trường Mỹ lại nghiêng ngả bởi một thực thế chính trị đối nghịch như “yếu tố Nga” dưới thới Tổng thống Putin. Dù tiến hành điều tra để làm rõ trắng đen, song có lẽ lúc này Washington và đồng minh đã thực sự phải tâm phục Putin.

Ông Putin trong mắt phương Tây

The Guardian ngày 18/10/2016, sau khi phỏng vấn nhà hoạt động đối lập Nga Mikhail Zygar, đã nhận định nhà lãnh đạo nước Nga đương thời không phải tài năng xuất chúng như người dân Nga lầm tưởng, mà thực ra đã làm thiệt hại cho nước Nga

Hình ảnh một Tổng thống Putin tuyệt vời chỉ là sản phẩm của truyền thông Nga, sự thật bên trong điện Kremlin hoàn toàn trái ngược. Từ việc Moscow phải chi tới 50 tỷ USD cho Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014 đến việc sáp nhập Crimea đều gây thiệt hại rất lớn cho Nga.

Theo giới phân tích, đây được xem là chiêu thức tấn công mới của phương Tây đối với Putin, đánh vào tâm lý người dân Nga khi chứng minh rằng những quyết định của Moscow được đưa ra trong tình trạng người đứng đầu nhà nước Nga có tâm lý của một người không bình thường.

Nhưng đến ngày 6/1/2017, Bloomberg khi phân tích về đối trọng Nga - phương Tây, đã đặt vấn đề: “Putin can thiệp được vào xung đột Ukraine, can thiệp được vào nội chiến Syria, thực hiện được chiến dịch hacking vào bầu cử Mỹ, gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong trào dân tộc và chủ nghĩa dân túy ở châu Âu. Tại sao Putin làm được tất cả điều này?”

Bộ đôi Putin - Lavrov bị cho là đang thích thú với những việc làm trái khoáy : chứng minh Tổng thống Trump vô can

Hãng tin Mỹ đã lý giải điều đó là do các nhà lãnh đạo phương Tây bị Putin đưa vào một trò chơi không lối thoát. Họ phải xoay quanh một vòng tròn tạo ra bởi mối quan hệ giữa Nga với phương Tây mà lợi ích tổng hòa của hai bên luôn bằng không, trong đó lợi ích của Moscow luôn được Putin tạo ra là số dương, còn phương Tây nắm giá trị âm đối nghịch.

Nhà lãnh đạo Nga đã sử dụng tư duy của một điệp viên KGB kỳ cựu trong việc xây dựng kế hoạch công – thủ cho nước Nga thời hậu Xô viết. Lý do Washington và các đồng minh luôn việt vị trước hành động của Moscow trong các ván cờ là do bị bất ngờ bởi chiến thuật của Kremlin, mà cụ thể là không nhận diện được mục tiêu hành động của Putin.

Rồi đến ngày 14/2/2017, Bloomberg, khi bình luận về sự kiện nhân vật đầu tiên trong chính quyền Trump - Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn - phải ra đi chỉ vì “yếu tố Nga”, đã phải thừa nhận: “Việc ông Michael Flynn từ chức chỉ vì kết nối với Nga, được xem là cơ sở củng cố cho cáo buộc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ có sự ảnh hưởng bởi Tổng thống Putin. Điều đó chưa biết có tác hiệu không, song qua sự việc này cho thấy nhà lãnh đạo Nga đã nhận được tất cả những gì muốn có từ Mỹ”.

Tuy nhiên, nếu xem đó là nỗi thất vọng với Tổng thống Putin, là thất bại lớn với Kremlin là nhận diện hoàn toàn sai lầm.

“Đó chỉ là sự mơ tưởng, bởi Putin quá nhiều kinh nghiệm của một điệp viên KGB kỳ cựu trong các cuộc đối đầu với Mỹ. Do vậy, trong bất cứ trường hợp nào ông ta không bao giờ mong đợi một chính quyền Mỹ có thể thân thiện với Nga”.

Bloomberg phân tích: “Ông Putin không muốn đưa ra bất kỳ quà tặng nào cho Trump để đổi lấy các khoản lãi ngay lập tức. Ông ấy chơi một trò chơi dài hạn, trong đó cả Trump và các thế lực chống Nga ở Washington đều tích cực giúp cho ông ta”. Đây là mục đích cao nhất mà Putin hướng tới nước Mỹ dưới triều đại Trump.

Và ngày 31/3/2017, chính trị gia kỳ cựu của Mỹ, ông Patrick J. Buchanan cố vấn cấp cao cho nhiều đời tổng thống Mỹ như Richard Nixon, Gerald Ford, Ronald Reagan đã đưa ra đánh giá về Tổng thống Putin:

"Dựa trên việc bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy phát triển đất nước thì Tổng thống Nga Putin là chính khách nổi bật nhất thời đại chúng ta. Trên sân khấu chính trị thế giới, ai có thể so sánh được với ông ấy? Điều gì giúp Putin vượt lên trên tất cả các nhà lãnh đạo khác của thế kỷ 21?

Theo nhà chính trị Mỹ, khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 1999, đất nước Nga đã bên bờ vực phá sản. Nhiều thành phần trong tầng lớp tinh hoa mới đã thông đồng với các đối thủ - trong đó có người Mỹ - làm hại đất nước. Putin đã thay đổi và chấm dứt được điều đó”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chinh-truong-my-mau-thuan-vi-nga-tam-phuc-putin-3335710/