Chính thức tăng viện phí tại 16 tỉnh/thành phố

Liên Bộ Y tế - Tài chính vừa chính thức công bố việc điều chỉnh viện phí tính thêm chi phí tiền lương đã được áp dụng tại 16 tỉnh, thành phố từ 12/8.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ áp dụng với bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Ảnh: Phương Anh

16 tỉnh, thành điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn. Đây là các tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tỉnh, thành phố có tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 85% và là những địa phương có bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện tính thêm chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế.

Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành, việc điều chỉnh viện phí thực hiện theo hai bước: Bước 1 bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù (đã được thực hiện từ ngày 1/3/2016); bước 2, mức giá bao gồm các chi phí tại bước 1 và chi phí tiền lương được thực hiện từ 1/7/2016 (tăng khoảng 18% so với mức giá hiện nay chưa tính tiền lương). Riêng 9 bệnh viện tuyến T.Ư đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Phụ sản T.Ư, Nội tiết T.Ư, Mắt T.Ư, Tai mũi họng T.Ư, Răng hàm mặt T.Ư, Răng hàm mặt TP.HCM đã được Bộ Y tế cho phép tính tiền lương vào viện phí từ 1/3/2016.

Bộ Y tế cho biết, việc tính tiền lương vào giá sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.

Với đợt điều chỉnh giá tính cả tiền lương vào viện phí lần này tại 16 tỉnh, thành chỉ áp dụng giá viện phí mới với người có thẻ BHYT, chưa áp dụng với người bệnh không có thẻ BHYT. Như vậy dù viện phí tăng do tính lương vào viện phí, nhưng người bệnh chưa có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng.

Với người có thẻ BHYT thì quyền lợi được tăng lên do không phải trả thêm hoặc mua một số vật tư chưa kết cấu vào giá. Các bệnh viện có điều kiện để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng và được BHYT thanh toán ngay trên địa bàn, giảm chi tiền túi và bảo đảm công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước, không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ, mà chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Theo phân tích của Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê thì đây là thời điểm thích hợp vì giá xăng dầu đang tiếp tục giảm, do chưa vào năm học mới nên tránh được tác động cộng hưởng đến CPI của giá dịch vụ giáo dục, hơn nữa CPI hiện đang ở mức thấp (có khả năng âm). Dự kiến việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ tác động vào CPI khoảng 0,3% do đó giữ được mức lạm phát trong phạm vi cho phép chủ Chính phủ và Quốc Hội. 3 đợt tăng tiếp theo Bộ Y tế sẽ đề xuất trình Chính phủ và có thông báo đến các đơn vị, địa phương theo quy định của Thông tư 37.

Còn theo tính toán của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với việc tăng viện phí lần này, quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến 2017, từ 2018 sẽ xem xét việc cân đối quỹ để điều chỉnh mức đóng cho phù hợp (luật quy định tối đa 6% lương, hiện nay đóng 4,5% lương). Tiến tới, khi điều chỉnh viện phí đối với người không có thẻ BHYT sẽ thúc đẩy đối tượng này tham gia BHYT.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/chinh-thuc-tang-vien-phi-tai-16-tinhthanh-pho_t114c9n107827