Chính thức công bố Ngày Tem Việt Nam

Lễ công bố Ngày Tem Việt Nam vừa diễn ra sáng nay, 8/11/2016, tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Hội Tem Việt Nam phối hợp tổ chức, kết nối cầu truyền hình trực tuyến tới 32 địa phương có Hội Tem.

Phát biểu khai mạc Lễ công bố, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: Ngày 26/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg, lấy ngày 27/8 hàng năm là Ngày Tem Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu khai mạc Lễ công bố Ngày Tem Việt Nam.

Sở cứ để chọn ngày 27/8 là cách đây 70 năm, nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8) và ngày Quốc khánh (2/9), theo Sắc lệnh số 172 ngày 27/8/1946 của Chủ tịch Chính phủ, do Quyền Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng ký, Bưu chính cách mạng Việt Nam đã phát hành 1 bộ tem gồm 5 mẫu thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người có vinh dự được vẽ bộ tem này là cố họa sỹ Nguyễn Sáng.

Đây là bộ tem đầu tiên do Việt Nam hoàn toàn tự thiết kế, in ấn và phát hành, đáp ứng nhu cầu chuyển phát công văn của các cơ quan nhà nước, giao lưu thư tín của nhân dân, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia.

Với ý nghĩa lịch sử, giá trị tinh thần rất lớn, bộ tem nêu trên được coi là bộ tem bưu chính cách mạng đầu tiên của Việt Nam, và ngày 27/8/1946 được coi là ngày mở đầu cho dòng tem bưu chính Cách mạng Việt Nam.

Trải qua 70 năm kể từ ngày ra đời, tem bưu chính Cách mạng Việt Nam, ngoài chức năng là phương tiện thanh toán cước phí trên mạng lưới bưu chính, là đối tượng tìm kiếm của người sưu tập tem, còn là công cụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

“Với 1.072 bộ tem gồm 3.672 mẫu tem được phát hành, có thể nói, tem bưu chính Việt Nam đã làm tốt sứ mệnh và vai trò lịch sử của mình, đồng thời vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Toàn cảnh Lễ công bố Ngày Tem Việt Nam. Ảnh: Thái Anh.

Cũng theo người đứng đầu Bộ TT&TT, “Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 26/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày tem Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vai trò lịch sử của tem bưu chính Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ, động viên phong trào thi đua lao động, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong quản lý, nghiên cứu, sáng tác, in ấn, phát hành, sử dụng và quảng bá tem bưu chính Việt Nam;

Góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tem bưu chính, thúc đẩy phong trào sưu tập tem trong các tầng lớp xã hội và tri ân các thế hệ những người làm công tác về tem bưu chính Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng”.

Ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đánh giá cao vai trò, ý nghĩa của tem bưu chính trong đời sống, xã hội. Ảnh: Thái Anh.

Vui mừng đón nhận thông tin Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg lấy ngày 27/8 hàng năm là Ngày Tem Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, và ông Đinh Như Hạnh, Chủ tịch Hội Tem Việt Nam đã chia sẻ thêm về quá trình hình thành và phát triển của tem bưu chính Việt Nam.

Đáng chú ý, mỗi con tem bưu chính đều là sự khẳng định về chủ quyền của quốc gia thông qua việc thể hiện quốc hiệu, quốc ngữ, đơn vị tiền tệ trên tem. Tem cũng là phương tiện tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đất nước, con người cũng như các sự kiện lớn của đất nước.

Đây cũng là món ăn tinh thần bổ ích và là tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, độc đáo đề cập đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống và được nhiều người yêu thích, tìm kiếm sưu tập.

Đặc biệt, tem bưu chính còn là cánh tay nối dài trong công tác đối ngoại nhân dân giữa các quốc gia. Bởi con tem không chỉ được ví là tấm danh thiếp của quốc gia mà còn là sứ giả hòa bình đi đến mọi nơi trên toàn thế giới.

Bình Minh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chinh-thuc-cong-bo-ngay-tem-viet-nam-post213302.info