Chỉnh sửa 'rào cản' vốn để thu hút đầu tư nông nghiệp

Việc “cứu hay không cứu” Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai không phải là câu chuyện riêng của doanh nghiệp (DN) mà nó liên quan tới chính sách với các DN tiên phong đầu tư vào nông nghiệp nhất là những vùng biên giới khó khăn hay đầu tư ra nước ngoài.

Đó là chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Đức Thành (ảnh) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) với NTNN xung quanh chuyện “khủng hoảng nợ” tại Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và chính sách tín dụng với đầu tư vào nông nghiệp.

Thưa ông, vì đâu mà ông lại khẳng định như trên?

- Hoàng Anh Gia Lai đầu tư hàng tỷ USD vào sân bay, đường giao thông, bệnh viện, trường học và đặc biệt là nông nghiệp. Về nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai có hàng chục nghìn ha diện tích trồng cao su, cọ dầu, mía đường, cây ăn quả, trang trại nuôi bò sữa... trong và ngoài nước.

Hoàng Anh Gia Lai là đơn vị tiên phong đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: HA

TTC Group sẽ mua mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai?

Theo thông tin NTNN có được, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) sẽ bỏ ra 100 triệu USD để “mua đứt” mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai trong tháng 10.2016. Tài sản mà TTC Group dự kiến có được sau thương vụ này gồm có vùng nguyên liệu mía khoảng 6.000ha, nhà máy đường có công suất ép 7.500 tấn mía/ngày (lớn nhất ở Lào), cho sản lượng đường hằng năm khoảng 50.000 tấn và nhà máy điện từ nguồn nguyên liệu bã mía.

Để có được một tập đoàn tư nhân lớn như Hoàng Anh Gia Lai không phải dễ dàng. Hoàng Anh Gia Lai đã qua hàng chục năm phát triển (từ 1990 tới nay), Tập đoàn này cũng đã trải qua sự cạnh tranh gay gắt, chịu sự cạnh tranh và đào thải gay gắt nhưng vẫn trụ vững tới thời điểm này chứng tỏ kinh nghiệm, quan hệ trên thương trường và chính trường rất dày dặn. Những giá trị này tuy không nằm trong bảng cân đối kế toán nhưng lại vô giá, không phải cứ có tiền là mua được. Có thể nói, những Tập đoàn như Hoàng Anh Gia Lai là tài sản quý của mỗi quốc gia.

Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến Hoàng Anh Gia Lai rơi vào thế khó khăn như hiện tại?

- Theo tôi, yếu tố đầu tiên vẫn là thị trường. Giá một số mặt hàng nông sản khi Hoàng Anh Gia Lai vào mùa thu hoạch đều giảm mạnh. Nhiều diện tích trồng cao su của Tập đoàn này phải tới năm 2022 mới cho thu hoạch. Một số ít diện tích đã cho thu hoạch thì giá giảm sâu khiến Hoàng Anh Gia Lai lỗ nặng. Tôi cũng được biết, nhiều khoản vay của Hoàng Anh Gia Lai cũng đã tới hạn hoặc quá hạn thanh toán. Nhiều khoản vay trong đó là vay đầu tư vào nông nghiệp.

Vậy thưa ông, từ câu chuyện của Hoàng Anh Gia Lai, suy rộng ra, chính sách tín dụng với nông nghiệp, nông thôn đang có những bất cập?

-Như tôi đã nói, nhiều khoản vay của Hoàng Anh Gia Lai là vay đầu tư vào nông nghiệp. Đầu tư vào nông nghiệp thời gian thu hồi vốn lâu. Riêng như mặt hàng cao su cũng phải tới mấy chục năm mới cho thu mủ. Chu kỳ vay ngắn, sản phẩm chưa thu hoạch mà đã tới hạn trả nợ ngân hàng là sức ép lớn với nhiều DN. Giá cả thị trường sụt giảm nằm ngoài dự tính của bất kỳ ông chủ nào. Những biến động này không ai dám chắc được.

Vậy đâu là phương án tối ưu cho những trường hợp gặp khủng hoảng kiểu Hoàng Anh Gia Lai?

- Theo tôi, hiện tại có những luồng quan điểm và ý kiến trái chiều rằng “cứu hay không cứu” Hoàng Anh Gia Lai. Theo dự cảm của tôi, đây không phải là câu chuyện riêng của một DN mà trong tương lai chúng ta sẽ bắt gặp những tình huống này. Cách thức hỗ trợ xử lý khủng hoảng nợ của Hoàng Anh Gia Lai sẽ cho ta tiền lệ tốt hay xấu. Thực tế, dù thời điểm này, chúng ta đang có những điều chỉnh trong chính sách về đầu tư. Tuy nhiên, theo tôi vì lợi ích chung của xã hội và tầm nhìn dài hạn, chúng ta nên tạm thời gạt bỏ những khác biệt và tranh cãi để cùng nhau nhìn về một hướng. Giữ lại một tập đoàn với thương hiệu đã vượt ra khỏi lãnh thổ của một quốc gia như Hoàng Anh Gia Lai thì “cái được” sẽ rất nhiều: thu nhập của hàng vạn công nhân, nông dân người Việt sẽ được đảm bảo, cộng đồng DN cũng không phải nhận một “cú sốc”.

Tất nhiên, câu chuyện này, theo tôi chốt lại vẫn là chuyện giữa Hoàng Anh Gia Lai với các ngân hàng mà mình vay nợ. Một khi Tập đoàn này được giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ sẽ giúp cho việc tái cơ cấu nợ thuận lợi hơn. DN sẽ có thời gian để chờ giá thị trường khởi sắc và bán được sản phẩm được giá. DN cũng có thêm thời gian để đàm phán, thỏa thuận về một số tài sản định bán để trả nợ mà không bị thúc ép về thời gian.

Công nhân người Việt thu hoạch cao su của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào. Ảnh: HA

“Thực ra, nói “giải cứu” thì nghe to tát quá. Bản chất đây là câu chuyện giữa Hoàng Anh Gia Lai với chủ nợ - các ngân hàng của mình. Theo tôi, các ngân hàng nên cho Hoàng Anh Gia Lai thêm thời gian. Còn về phía Hoàng Anh Gia Lai cũng cần phải xác định không trông chờ, ỷ lại thậm chí không nên “dọa” rằng sẽ bán 20.000 ha cao su vùng biên giới cho Trung Quốc”.

TS Nguyễn Đức Thành

Vậy theo ông, để khuyến khích, tạo động lực cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông sản sạch thì chúng ta cần thêm những chính sách gì?

- Thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, phát triển, đầu tư vào nông nghiệp: Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn... Thế nhưng, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn rất gian truân.

Nhiều DN vẫn phải vay vốn đầu tư nông nghiệp với thời hạn và mức vay vốn không phù hợp với chu kỳ sản xuất. Chưa kể, sản xuất nông nghiệp cần chu kỳ đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ chức tín dụng thường đưa ra các thời hạn vay ngắn. Thời hạn vay vốn này không phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp, tạo ra rào cản cho các DN. Thậm chí, tiếp xúc với tôi, một số DN thậm chí còn than: “Chúng tôi chưa vay vốn thì không sao nhưng vay xong rồi lo ngay ngáy hạn trả nợ. Nhiều khi sản phẩm chưa thu hoạch đã bị ngân hàng đòi “rát”. Nhiều trường hợp, chúng tôi vay ngoài, thậm chí vay tín dụng đen”.

Ngoài câu chuyện tín dụng, một số DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông sản sạch vẫn còn những nghi ngại, băn khoăn khi đầu tư vào nông nghiệp, theo ông, đâu là lý do chính?

- Vay được vốn đầu tư thôi chưa đủ. Thực tế là có những DN đầu tư vào nông nghiệp, nông sản sạch nhưng sau khi đưa sản phẩm ra thị trường lại không thể cạnh tranh được với sản phẩm giá rẻ sản xuất thông thường. Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao để thay đổi nhận thức, hành vi người dùng, để người tiêu dùng ý thức cao hơn với sức khỏe, an toàn của bản thân và gia đình mình mà sử dụng nông sản sạch, an toàn. Tuy nhiên, để thay đổi xu hướng tiêu dùng, tạo sự chuyển biến trong đầu tư vào nông nghiệp, chúng ta không thể thay đổi được trong ngày một ngày hai mà cần thêm thời gian. Chính việc dịch chuyển trong thói quen về tiêu dùng thông thường sang sử dụng nông sản sạch, an toàn sẽ tạo động lực, đòn bẩy cho những DN đang “lấn cấn” nên hay chưa nên đầu tư vào nông nghiệp.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/chinh-sua-rao-can-von-de-thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-712417.html