Chính sách ưu tiên có công bằng cho thí sinh thực lực?

PNVN Câu chuyện nam sinh Hà Nội học thật thi thật nhưng 29,25 điểm vẫn không thể vượt qua các bạn thấp điểm hơn để giành cơ hội vào ĐH Y Hà Nội, đang đặt ra nhiều suy nghĩ về cách cộng điểm ưu tiên khu vực hiện nay.

Lộ diện bất cập?

Trong bối cảnh thay đổi cấu trúc đề thi, cách thức thi ngày càng đổi mới hiện nay, chính sách cộng điểm ưu tiên đang thể hiện tính bất cập. Dư luận vẫn đang xôn xao câu chuyển của Nguyễn Phùng Hưng, nam sinh ở Thạch Thất, Hà Nội đạt 29,25 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng (NV) 1 ngành Y Đa khoa - ĐH Y Hà Nội. Chỉ vì “thua” tiêu chí điểm cộng khu vực, Hưng ngậm ngùi lỡ mất cơ hội học tập tại trường.

Điểm thi THPT Quốc gia 2017 cao "ngất ngưỏng" gây biến động đến việc tuyển sinh vào ĐH. Ảnh: D.H

Trường hợp thứ 2 ở TP.HCM, thí sinh được 29,35 điểm nhưng cũng không đỗ NV1 vào ngành Y đa khoa – ĐH Y dược TP HCM. Lý do cũng chỉ vì em không được cộng điểm ưu tiên và không đạt được tiêu chí phụ do trường ĐH đưa ra.

Trước phản ánh của dư luận, cả đại diện Bộ GD&ĐT lẫn lãnh đạo ĐH Y Hà Nội đều khẳng định thí sinh này kém may mắn.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, câu chuyện thí sinh đạt 29,25 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa - ĐH Y Hà Nội, trước hết là trường hợp cá biệt rất đáng tiếc. “Đây là thí sinh đạt điểm rất cao để có thể đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng. Em chỉ không may mắn mà thôi. Còn chính sách cộng điểm ưu tiên thì đã được thực hiện nhiều năm nay. Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… thì chính sách ưu tiên là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội”.

Nên cân nhắc thay đổi

Là gương mặt quen thuộc với học sinh luyện thi online, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh sự chênh lệch giảng dạy ngày càng thu hẹp giữa các vùng, việc điều chỉnh cộng điểm ưu tiên là điều cần phải bàn lại theo hướng thu hẹp điểm cộng, để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho thí sinh có thực lực.

“Điều này lại càng phải cân nhắc trong năm nay, khi mà đề thi chưa thể hiện được vai trò phân hóa thí sinh. Kỳ thi THPT Quốc gia đặt mục tiêu lớn nhất là để tuyển sinh ĐH, CĐ. Thế nhưng, có lẽ chúng ta đang “hi sinh” hơi nhiều cho mục tiêu tốt nghiệp THPT, trong khi mục tiêu này có thể dễ dàng đạt được hơn là việc lấy điểm phân hóa để tuyển sinh” - thầy Ngọc nêu ý kiến.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cần có sự điều chỉnh hợp lý đối với việc cộng điểm ưu tiên. Nếu như các năm trước, 25 điểm được xem là một kết quả tươi sáng, thênh thang vào ĐH thì năm nay, điểm này thuộc dạng... chấp chới.

Theo nhà giáo Văn Như Cương, điểm cao do đề chưa có sự tính toán kỹ lưỡng, quá ưu ái cho mục tiêu tốt nghiệp THPT một cách không cần thiết, từ đó tạo bất cập trong mặt bằng điểm.

“Nếu cứ thi kiểu “2 trong 1” như hiện nay, các trường tốp trên vẫn sẽ tiếp tục đưa ra tiêu chí phụ, chính sách cộng điểm ưu tiên sẽ tiếp tục là một lợi thế lớn cho thí sinh vùng nông thôn. Như thế có còn công bằng cho các em thực lực nữa hay không?” - ông nói.

* Theo thống kê, trong tổng số thí sinh đỗ vào ĐH Y Hà Nội năm nay, chỉ 32 thí sinh thuộc khu vực 3 (không cộng điểm ưu tiên) đỗ vào trường. Những thí sinh khác dù chỉ đạt 27 - 28 điểm, vẫn nghiễm nhiên vượt mặt những thí sinh học thật, thi thật để giành “vé” vào ngôi trường có điểm đầu vào cao nhất cả nước hiện nay.

Phúc Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/chinh-sach-uu-tien-co-cong-bang-cho-thi-sinh-thuc-luc-post30899.html