Chính sách tiền tệ phải kiên trì với mục tiêu ổn định lạm phát

(Tài chính) Những tháng cuối năm, điều hành chính sách tiền tệ phải kiên trì với mục tiêu ổn định lạm phát nhằm tạo lập niềm tin cho thị trường, giữ ổn định kinh tế vĩ mô - TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính đã chia sẻ quan điểm.

TS. Vũ Nhữ Thăng

TS. Vũ Nhữ Thăng: Kể từ năm 2012 đến nay, lạm phát đã được kiềm chế, diễn biến theo xu hướng giảm và khá ổn định; đồng thời, kỳ vọng về lạm phát đã được kiểm soát tốt hơn giai đoạn trước. Cùng với xu hướng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất để tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ mức 20 - 25%/năm (cuối năm 2011) xuống mức 9 - 11% vào nửa cuối năm 2013 (thấp ngang mức lãi suất năm 2005 - 2006) và tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2014. Thị trường tiền tệ dần đi vào ổn định, lượng tiền cung ứng phù hợp, an toàn hoạt động và thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng được bảo đảm, kỷ luật thị trường cũng dần được thiết lập. Tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định đã góp phần cải thiện và nâng cao niềm tin vào VND, tăng cường dự trữ ngoại hối Nhà nước, qua đó hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Thị trường vàng từng bước đi vào ổn định với việc kỷ cương trên thị trường dần được thiết lập, hoạt động kinh doanh vàng được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã được triển khai quyết liệt hướng, góp phần bảo đảm ổn định hệ thống tài chính.

Những thành tựu nói trên đã tạo ra những tác động tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành các mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra về ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng, tiếp tục kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp, điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất chung và ổn định tỷ giá, thị trường vàng.

Theo Ông, NHNN và Bộ Tài chính cần có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả sự phối hợp điều hành chính sách tái khóa và tiền tệ?

Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được duy trì và bảo đảm trong nhiều năm qua nhằm hướng tới một mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cả hai chính sách đã được phối hợp dựa trên nguyên tắc nhất quán về mục tiêu chính sách, đồng thời, tạo ra sự hỗ trợ đồng bộ và bổ sung cho nhau. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và NHNN đã ký kết Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin (tháng 2.2012) nhằm cụ thể hóa các nội dung phối hợp.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả sự phối hợp hai chính sách này, có 4 vấn đề nên được xem xét.

Thứ nhất, xác định mục tiêu, trọng tâm phối hợp. Bộ Tài chính và NHNN nên có sự phối hợp trong việc xác định mục tiêu vĩ mô ưu tiên và trọng tâm phối hợp trong từng thời kỳ và phải tuân thủ điều phối chung cho mục tiêu đó.

Thứ hai, xây dựng kịch bản phối hợp chính sách. Tùy vào từng bối cảnh cụ thể, trên cơ sở thực trạng nền kinh tế trong nước và thế giới cũng như các kết quả phân tích dự báo cần thiết phải xây dựng các kịch bản phối hợp chính sách để chủ động hơn trong việc ứng phó với những diễn biến kinh tế của thế giới và trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, xác định thời điểm phối hợp, can thiệp chính sách. Mỗi chính sách mỗi giải pháp được đưa ra đều có độ trễ nhất định mới phát huy tác dụng, vậy khi nào cần can thiệp thị trường, khi nào cần thoái lui cũng là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.

Thứ tư, bảo đảm tính nhất quán giữa các mục tiêu chính sách ngắn hạn và dài hạn trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ. Về ngắn hạn, chính sách tài khóa và tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới một con số và hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngăn chặn tình trạng phá sản của doanh nghiệp. Về dài hạn, chính sách tài khóa nên hướng tới việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tăng trưởng bền vững; trong khi đó, chính sách tiền tệ kiên trì mục tiêu ổn định lạm phát không chỉ trong thời kỳ có lạm phát cao mà ngay cả thời kỳ lạm phát thấp nhằm tạo lập niềm tin cho thị trường, xây dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Theo Ông, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2014, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm như thế nào?

Năm 2014, NHNN đặt mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Theo đó, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18% và tín dụng tăng khoảng 12 - 14%, 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng tiếp tục thể hiện xu hướng phục hồi song vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 5 tăng 5,28%, tương đương với cùng kỳ năm 2013 (5,3%). Tuy nhiên, tín dụng tăng trưởng thấp, ở mức 1,31% tính đến cuối tháng 5, ít hơn so với mức 3,13% của cùng kỳ năm trước và mới chỉ đạt 1/8 mục tiêu.

Điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm 2014 nên tiếp tục kiên trì với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thông qua việc chủ động điều hành linh hoạt tiền cung ứng và các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, bảo đảm thanh khoản; đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tín dụng thực vào nền kinh tế và kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán theo định hướng cả năm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng, cũng như phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) để lành mạnh hóa tài chính, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Xin cám ơn Ông!

Theo daibieunhandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/trao-doi-binh-luan/chinh-sach-tien-te-phai-kien-tri-voi-muc-tieu-on-dinh-lam-phat/51173.tctc