Chính sách thắt lưng buộc bụng thổi bùng 'bà hỏa'

GD&TĐ - Cháy chung cư cao tầng tại London (Anh), không chỉ đơn thuần là một tai nạn. Nếu nhìn tổng thể những vụ hỏa hoạn gây thương vong lớn trên thế giới trong thời gian gần đây, có thể thấy chính sách thắt lưng buộc bụng kinh tế của các quốc gia là nguyên nhân khiến cho “bà hỏa” hoành hành dữ dội như vậy…

Hỏa hoạn nghiêm trọng khắp nơi

79 người thiệt mạng trong một tòa tháp căn hộ tại London buộc chính quyền kiểm tra khẩn cấp và sơ tán hàng nghìn cư dân tại các căn hộ có nguy cơ hỏa hoạn - nhằm ngăn ngừa một thảm họa tương tự.

Các chuyên gia phòng cháy đã cảnh báo các chính phủ và chủ thầu xây dựng trên thế giới cần hết sức lưu tâm qua vụ việc này bởi vụ cháy tháp Grenfell chỉ là một trong nhiều vụ hỏa hoạn chết người gần đây bộc lộ lỗ hổng khổng lồ trong giám sát an toàn phòng cháy từ cấp chính phủ trở xuống.

Vụ hỏa hoạn tại Oakland, California (Mỹ), hồi tháng 12 năm ngoái tại một kho hàng khiến 36 người thiệt mạng đã bị chuyển đổi bất hợp pháp thành khu căn hộ và một tụ điểm âm nhạc. Trước đó, hồi tháng 9, 33 người chết trong vụ hỏa hoạn tại một nhà máy đóng gói ở Bangadesh.

“Đó là những ví dụ điển hình cho thấy, dù vô tình hay hữu ý, hệ thống phòng và chữa cháy không hiệu quả” - theo Jim Pauley, Chủ tịch Hiệp hội phòng cháy quốc gia, nơi xây dựng những quy chuẩn phòng chữa cháy tại Mỹ và trên thế giới.

Sau khi điều tra cho thấy những tấm phủ ngoài tòa tháp Grenfell là nguyên nhân dẫn tới lửa lan nhanh ra cả tòa nhà, nhà chức trách đã tìm thấy ít nhất 75 tòa nhà có lớp phủ tương tự. Ngay lập tức hàng nghìn người được sơ tán khỏi các chung cư cao tầng tại Bắc London.

Cắt tiền - châm dầu cho “bà hỏa”

Điều đáng nói là một thảm họa kiểu này đã được dự báo từ rất lâu. Nhiều năm trước, các chuyên gia đã cảnh báo lớp phủ plastic có thể khiến đám cháy lan nhanh một khi bắt cháy - và điều này đã từng xảy ra tại Australia, Trung Quốc và Dubai.

Câu hỏi đặt ra là vì sao việc kiểm định những vật liệu kém khả năng chịu lửa lại bị chính quyền thờ ơ như vậy? Vì sao nguy cơ “bà hỏa” treo trên đầu cả chục chung cư nhiều năm mà cơ quan chức năng coi như “không phải việc của mình?”. Câu trả lời chính là bởi sự kém hiệu quả của cơ quan quản lí phòng chữa cháy.

Thống kê của chính phủ Anh cho thấy, số thanh sát viên an toàn cháy tại Anh đã giảm 25% từ năm 2011 - 2016. Khoảng 367 người thiệt mạng do hỏa hoạn tại Vương quốc Anh riêng trong năm ngoái, tăng 12% so với 2 năm trước đó nhưng có giảm so với mức 407 người năm 2011.

Thương vong cao như trên ở vào thời điểm chính phủ Đảng Bảo thủ cắt giảm 30% ngân sách cho cơ quan phòng chữa cháy, cắt giảm 10.000 lính cứu hỏa trên toàn quốc. Đây là một trong những biện pháp mạnh giảm nợ của Anh sau khủng hoảng tài chính thế giới.

Cư dân tháp Grenfell đã bày tỏ lo lắng an toàn cháy ít nhất 4 năm trước thảm họa.

Liên đoàn các Hiệp hội phòng cháy quốc tế đã ban hành cảnh báo sau vụ cháy tháp Grenfell, trong đó nhấn mạnh các chính phủ cần có sự giám sát chặt chẽ an toàn cháy nổ của các tòa nhà cao ốc. Liên đoàn này gồm chuyên gia an toàn cháy từ 28 quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi cũng như Mỹ và hầu hết các quốc gia châu Âu.

Việc cắt xén ngân sách cho phòng chữa cháy không chỉ là vấn đề riêng của Anh. Lạm phát đã khiến chính phủ Mỹ giảm chi cho công tác phòng chữa cháy 4,7% giai đoạn từ 2010 - 2014 trong khi dân số tăng 3%. Số lính cứu hỏa chuyên nghiệp cũng giảm 2,5% từ mức đỉnh năm 2013.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/chinh-sach-that-lung-buoc-bung-thoi-bung-ba-hoa-3472628-b.html