Chính sách tài chính có hiệu lực tháng 12-2016

Bổ sung nhiều quy định về xử phạt hành chính trên thị trường chứng khoán, trong lĩnh vực Hải quan, giá và một số cơ chế mới đối với việc tự chủ đơn vị sự nghiệp công là những chính sách tài chính nổi bật có hiệu lực từ tháng 12-2016.

Sẽ xử phạt nặng doanh nghiệp dùng dằng lên sàn

Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) với 46 khoản sửa đổi, bổ sung các hành vi và chế tài xử phạt hành chính, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15-12 tới đây.

Nghị định 145 bổ sung các hành vi vi phạm về chào bán cổ phiếu như: Không công bố báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận; không mở tài khoản phong tỏa và tiếp nhận vốn huy động từ đợt chào bán... Nghị định 145 cũng sửa đổi khung phạt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch của cổ đông sáng lập; người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ; cổ đông lớn, nhà đầu tư sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng để đảm bảo mức phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Ngoài ra, với việc thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng, Nghị định 145 đã sửa đổi khung phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, đến tính minh bạch trong hoạt động và quản trị của công ty đại chúng. Đồng thời, bổ sung các chế tài xử lý các hành vi vi phạm về quản trị công ty đại chúng theo quy định tương ứng tại Luật Doanh nghiệp 2014…

Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập kinh tế

Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác sẽ có hiệu lực từ 20-12-2016.

Nghị định này quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động thương binh và xã hội, tư pháp, sự nghiệp khác.

Quy định mới về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan

Ngày 20-10, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 155/2016/TT-BTC quy định chi tiết thi hành Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP.

Thông tư 155/2016/TT-BTC hướng dẫn áp dụng các hình thức xử phạt và mức phạt đối với hành vi với hành vi khai nhiều hơn so với thực tế hàng hóa XK về chủng loại, số lượng, khối lượng sản phẩm XK ra nước ngoài của DN chế xuất, DN gia công, sản phẩm sản xuất XK và hàng tái xuất dẫn đến số tiền thuế chênh lệch dưới 100 triệu đồng thì xử phạt theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 8 Nghị định. Trường hợp số tiền thuế chênh lệch từ 100 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử phạt theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 13 Nghị định...

Thông tư 155/2016/TT-BTC cũng hướng dẫn chi tiết vi phạm quy định về khai hải quan của người XNC đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, công cụ chuyển nhượng vàng, kim loại quý quy định tại Điều 9 Nghị định; hướng dẫn việc xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Điều 13 Nghị định…

Thông tư 155/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2016 và bãi bỏ hiệu lực Thông tư 190/2013/TT-BTC ngày 12-12-2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15-10-2013 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hanhf chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt hành chính trong quản lý giá

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 153/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.

Theo đó, Bộ Tài chính bổ sung hành vi “kết chuyển số dư hoặc hạch toán quỹ bình ổn giá” vào các hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá. Đồng thời, bổ sung hướng dẫn mức lãi suất áp dụng đối với khoản lãi tính trên số dư Quỹ bình ổn giá phát sinh (nếu có) được tính theo mức lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho doanh nghiệp của ngân hàng thương mại nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản tiền gửi quỹ bình ổn giá trong cùng thời kỳ.

Thông tư này đã bãi bỏ nội dung liên quan đến thẩm quyền phạt tiền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giá được quy định tại điều 12 Thông tư số 31/2014/TT-BTC.

Bên cạnh các quy định trên, Thông tư cũng sửa đổi nhiều nội dung để phù hợp với các quy định mới được ban hành trong Nghị định số 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP. Đồng thời, cụ thể hóa lại một số hành vi vi phạm được quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5-12-2016.

H.Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chinh-sach-tai-chinh-co-hieu-luc-thang-12-2016.aspx