Hiện thực hóa mong mỏi của CBCC vùng đặc biệt khó khăn

Đang trong giai đoạn hoàn thiện để sớm ban hành, Dự thảo Nghị định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và lực lượng vũ trang (LLVT) công tác ở vùng đặc biệt khó khăn là tiêu điểm quan tâm của không ít người dân.

>> Ưu đãi dành cho CBCC công tác ở vùng đặc biệt khó khăn

>> Chính sách thiết thân với người lao động

 Chính sách mới đáp ứng mong mỏi của CBCC vùng đặc biệt khó khăn

Chính sách mới đáp ứng mong mỏi của CBCC vùng đặc biệt khó khăn

Bởi theo phân tích của Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo, đây là một trong những chính sách ưu đãi đặc biệt "thiết thân với người lao động", trực tiếp là ở vùng sâu, vùng xa.

Phấn khởi khi nghe về chính sách mới

Đây là tâm lý chung của rất nhiều CBCCVC công tác ở vùng sâu, vùng xa khi tiếp cận thông tin về dự thảo mới này. Bạn đọc Trần Thị Huyền (huyentt@sontay-quangngai.gov.vn)tâm sự: Tôi là cá nhân công tác ở miền núi. Khi được nghe chính sách ưu đãi này, tôi và hầu hết cán bộ ở đây ai cũng phấn khởi. Vì lương của chúng tôi rất thấp, nhưng sinh hoạt phí lại khá cao, hơn nữa lại phải hằng tuần đi cả 100km về thăm gia đình. Chính vì vậy, không tháng nào là không thiếu thốn cả. Cuộc sống rất khó khăn... nhiều khi cứ ước gì mình được công tác gần nhà, được bố mẹ cho ăn cơm nhà thì mình sẽ không thiếu nợ nữa. Chính vì vậy nếu Nghị định này được thông qua thì tôi tin chắc anh chị em sẽ được cải thiện cuộc sống, an tâm công tác, phát huy hết khả năng của mình để phục vụ nhân dân. Tôi hy vọng mình sẽ được nhận phụ cấp thu hút, rất mong được mọi người ủng hộ, Chính phủ sớm thông qua Nghị định này.

Cùng quan điểm với bạn Huyền, bạn Trần Đăng Khoa (trankhoamk@gmail.com) nhận xét: Tôi là cán bộ nhà nước công tác trong ngành Lâm nghiệp tại một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai. Tôi thấy dự thảo này nếu được thông qua sẽ góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức, giúp họ yên tâm công tác.

Đề xuất bổ sung trường hợp được hỗ trợ

Bạn đọc Nguyễn Đức Hà tại Sìn Hồ - Lai Châu (khanhtoanUBSH@gmail.com) và bạn Nguyễn Anh Tuấn tại Điện Biên (annhtuan@gmail.com) hoàn toàn nhất trí với dự thảo, song đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi là "CBCCVC và LLVT đang được hưởng mức phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên"; còn bạn Phan Văn Hiệp (vanhiep1974@yahoo.com) đề nghị bổ sung thêm địa bàn "thị trấn thuộc các huyện nghèo" vì thực tế ở các huyện nghèo khu vực thị trấn cũng là vùng khó khăn.

Một bạn đọc khác của Cổng TTĐT Chính phủ lại đưa ra ý kiến, Nghị định chỉ áp dụng đối với CBCCVC và LLVT đã và đang công tác ở các vùng đặc biệt khó khăn, các xã nghèo, các vùng còn lại đều như nhau là chưa thật thỏa đáng. Lý do nền kinh tế nước ta phát triển theo từng vùng, từng cấp độ khác nhau, điều kiện khí hậu, địa lý cũng khác nhau, chi phí công tác, ăn, ở, đi lại... cũng rất khác nhau.

Theo ý kiến góp ý của bạn đọc này, Chính phủ nên đưa vào dự thảo Nghị định việc phân ra thành 5 khu vực khác nhau để áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như: Vùng đồng bằng, vùng thành thị có chỉ số tiêu dùng cao, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giáp biên (như dự thảo đã nêu) và các khu du lịch. Như vậy, căn cứ vào từng vùng để áp dụng chính sách khuyến khích, ưu đãi cán bộ, công chức theo điều kiện riêng.

Thêm hỗ trợ chỗ ở cho CBCCVC tại địa phương

Đóng góp ý kiến về việc hỗ trợ chỗ ở cho các đối tượng, bạn Vũ Bá Thông (vubathonghlu@yahoo.com.vn) phân tích, quy định hỗ trợ chỗ ở góp phần giải quyết được những khó khăn mà người công tác luôn trăn trở khi làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, quy định đó chưa đầy đủ, chưa bao quát hết những người cần được hưởng hỗ trợ.

Theo khoản 1 thì chỉ những người "đến công tác ở vùng đặc biệt khó khăn" mới được hưởng hỗ trợ về nhà ở. Như vậy, những người thường trú tại vùng đặc biệt khó khăn (tức không phải chuyển từ nơi khác đến) và công tác tại vùng đặc biệt khó khăn thì họ có được xem xét hỗ trợ không?

Thực tiễn cho thấy, chính người địa phương về công tác tại địa phương mình thì hiệu quả công việc sẽ tốt hơn rất nhiều, mặt khác, những người này cũng rất cần có sự hỗ trợ như những người chuyển từ nơi khác đến để ổn định cuộc sống. Vì vậy, bạn Thông góp ý cơ quan soạn thảo nên cân nhắc chỉnh sửa Điều khoản trên để quy định đầy đủ cho mọi trường hợp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn đều được hưởng hỗ trợ nhà ở.

Để phân tích cho đề xuất này, bạn Vũ Bá Thông ví dụ cụ thể một sinh viên ở vùng đặc biệt khó khăn tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Họ tự nguyện về công tác tại địa phương thì cũng phải được hỗ trợ nhà ở như người từ nơi khác đến.

Một ví dụ khác được nêu ra là trường hợp một sinh viên ở vùng đặc biệt khó khăn tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại thị trấn (huyện nghèo được hưởng Nghị quyết 30a), nhà cách thị trấn 40- 50 km, đường xã đi lại rất khó khăn. Những người này có được hỗ trợ hay bố trí chỗ ở tại nơi làm việc không. Thiết nghĩ, cũng cần hỗ trợ cho những người này để thu hút họ về công tác tại địa phương.

Thực tế trong nhiều năm qua, những người ở vùng đặc biệt khó khăn cũng có người tốt nghiệp đại học, cao đẳng có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu cán bộ tại chỗ nhưng do không được hỗ trợ và họ cho rằng trở về quê thì không thể thoát nghèo nên họ đi nơi khác hoặc ở lại thành phố để xin việc.

Bạn Thông cũng góp ý thêm, để giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a thì khâu đầu tiên chúng ta cần làm là công tác cán bộ và chính sách cho người công tác ở những đại phương đó, trong đó không thể thiếu những tri thức trẻ tại chỗ. Ngoài ra, cần quy định thêm những người công tác lâu năm và có hộ khẩu thường trú tại vùng đặc biệt khó khăn mà chưa có nhà ở hoặc nhà ở chưa kiên cố thì được hỗ trợ để cấp đất, cấp nhà cho họ.

Với sự đặc biệt quan tâm, góp ý của rất nhiều người dân, các chế độ phụ cấp thu hút CBCCVC và LLVT công tác ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ sớm được hoàn thiện và ban hành, đáp ứng mong mỏi của hàng ngàn cán bộ hiện đang công tác tại các vùng này.

Minh Hùng

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/chinh-sach-moi-dap-ung-mong-moi-cua-cbcc-vung-dac-biet-kho-khan/20106/32058.vgp