Chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài của vua Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông là một vị minh quân. Các nhà sử học các thời đều đã đánh giá như vậy. Vị minh quân ấy cũng xây dựng cho mình một lực lượng hiền thần để trợ giúp và phò tá.

Lệ “vinh quy bái tổ” tôn vinh những người đỗ đại khoa được đặt ra từ thời Vua Lê Thánh Tông.

Lệ “vinh quy bái tổ” tôn vinh những người đỗ đại khoa được đặt ra từ thời Vua Lê Thánh Tông.

Nghiên cứu về sự nghiệp của Vua Lê Thánh Tông để đúc rút ra những bài học cho hậu thế sẽ không thể toàn diện nếu chúng ta không nghiên cứu thái độ, cách ứng xử của Vua Lê Thánh Tông và vương triều dưới thời Vua Lê Thánh Tông với hiền tài của quốc gia mà nói theo ngôn ngữ hiện nay, đó chính là chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài.

Dựa trên các tư liệu lịch sử và kết quả nghiên cứu đã được công bố, có thể thấy chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài của Vua Lê Thánh Tông thể hiện ở những điểm cốt lõi sau đây:

Thứ nhất, bày tỏ minh thị cam kết trọng dụng nhân tài. Sử cũ chép rằng, vào năm Nhâm Ngọ (1462), khi mới lên ngôi được 2 năm, Vua Lê Thánh Tông có sắc dụ cho thượng thư các bộ quan trọng là Bộ Lại (Thượng thư Lại bộ Nguyễn Như Đổ), Bộ Hình (Thượng thư Hình bộ Trần Phong), Bộ Binh (Thượng thư Binh bộ Nguyễn Vĩnh Tích), Bộ Hộ (Thượng thư Hộ bộ Nguyễn Cư Pháp) rằng: “Nghe Tư Mã Quang có nói rằng: Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn. Ta và các người thề với trời đất dùng người quân tử bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy, các ngươi chớ lãng quên”.

Sử cũ cũng chép điều tâm niệm của Vua Lê Thánh Tông mong muốn những bề tôi của mình là bậc hiền tài. Vua từng dụ Thượng thư Hộ Bộ Nguyễn Cư Đạo (vốn là bạn của vua từ khi còn thơ ấu) rằng: “Ta lúc ít tuổi, làm bạn với ngươi, khi lên làm vua, người làm quan Kinh diên. Nói về thần hạ thì người đối với ta là bạn tri kỷ, là bạn học thức… Ngươi nên hết lòng hiệp sức… chí công vô tư, ngăn lấp hối lộ. Được như thế thì ta được tiếng là vua biết người, người được tiếng là tôi hết trung, vinh hiển cha mẹ, vẻ vang danh tiếng, rạng rỡ trong sử sách, nghĩa lại chẳng khoái lắm sao! Nếu không làm được như thế, thì ta là vua không biết người, mà người là tôi làm vì. Trong hai điều ấy, người chọn đằng nào thì chọn”.

Thứ hai, củng cố hệ thống giáo dục, khuyến khích việc học tập, bồi dưỡng tài năng: Hiểu thấu lẽ nhân tài phải do rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo mới thành, Vua Lê Thánh Tông rất chú ý tới việc tạo dựng môi trường ươm nhân tài thông qua việc thiết lập hệ thống giáo dục.Vua Lê Thánh Tông đã trực tiếp viết “Chiếu khuyến học”. Ông cho lập nhà Thái Học để tạo nơi ăn, chốn ở cho các sĩ tử về Thăng Long thi hội, cấp học bổng Quốc Tử Giám cho học trò nghèo học giỏi và siêng năng, đặt ra các quan coi việc học (giáo thụ) tại các châu, lộ, in và phát sách cho các địa phương.Trên thực tế, nhiều lần Vua Lê Thánh Tông trực tiếp ra đề cho các thí sinh thi đình, hỏi về việc trị quốc để chọn người tài.

Thứ ba, tổ chức thi công bằng để tuyển chọn người tài làm nguồn bổ nhiệm quan lại: Kế tục kinh nghiệm hay của các đời trước, Lê Thánh Tông rất coi trọng việc tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Khác với các đời trước, Lê Thánh Tông cho tổ chức kỳ thi tuyển chọn nhân tài cho quốc gia với tần suất nhiều hơn, nhằm để nhân tài có thêm cơ hội phát lộ. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Từ năm Nhâm Tuất [1442] đến năm Quý Mùi [1463], hoặc 6 năm một khoa thi, hoặc 5 năm một khoa, 3 năm một khoa thì năm Bính Tuất [1466] này mới bắt đầu”.

Lê Thánh Tông chính là người cho dựng tấm bia tiến sỹ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào năm 1484 trong đó chứa đựng câu nói bất hủ “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Ông cũng là vị vua đặt ra lệ “vinh quy bái tổ” (từ năm 1481) để tôn vinh những người đỗ đại khoa. Số tiến sĩ tuyển chọn được trong 38 năm trị vì của Lê Thánh Tông là 501 vị, bằng một nửa số tiến sĩ mà các triều vua Lý, Trần, Hồ tuyển chọn được trong 398 năm trước đó.

Đánh giá về khoa cử thời Hồng Đức, sử cũ có ghi: “Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng: đời sau càng không thể theo kịp. Kẻ sĩ bấy giờ học được rộng mà không cần phải tìm tòi tỉ mỉ. Tài được đem ra ứng dụng mà không bỏ rơi. Trong nước không bỏ sót nhân tài. Triều đình không dùng người kém”.

Vua chọn quan, lại chủ yếu qua thi cử chứ không tuyển chọn người theo dòng máu xuất thân, mà nói như ngôn ngữ hiện nay là để chọn “người tài chứ không phải chọn người nhà”. Người trong hoàng tộc mà không có thực tài thì có thể được phong quan, tước nhưng chỉ là các quan có hàm để được ăn lộc chứ không nắm thực quyền. Nói theo ngôn ngữ của quản trị hiện đại là vì việc mà tìm người xử lý chứ không phải nhìn người để giao việc. Quan lại có trình độ học vấn cộng với thực tài thì mới được bổ nhiệm.

Theo Lê Quý Đôn, “khoảng giữa niên hiệu Hồng Đức, mở rộng khoa cử, tuyển nhiều nhân tài, sĩ tử … mong sao thi đỗ để ra làm quan. … phương pháp thi cử nghiêm ngặt, người điềm tĩnh được tiến lên, người cầu may bị sàng sảy, cho nên người tại chức ít thói cầu cạnh mà trong nước biết quý danh nghĩa”.

Trong thực tế, nhiều người đỗ đạt cao đã được vua trao cho những chức vụ quan trọng. Chẳng hạn, Thân Nhân Trung (đỗ tiến sĩ năm 1469) được giao nhiều trọng trách như Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Lại, Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Trạng nguyên Lương Thế Vinh (đỗ trạng nguyên năm 1463) từng được trao giữ chức Trực học sĩ, Thị thư và Chưởng viện sự ở Hàn lâm viện.

Ngoài ra, Vua Lê Thánh Tông rất chú ý tới việc bảo đảm kỷ luật các kỳ thi để các kỳ thi trở thành kênh chọn người tài cho vương triều. Điều 98 Bộ luật Hồng Đức quy định rõ “quy chế thi cử đối với quan chủ khảo”, theo đó “các quan chủ ty chấm thi cùng với người dự thi có thân thuộc, cần phải hồi tỵ mà không từ chối thì phạt 50 roi, biếm một tư; nếu là các quan di phong, đằng lục thì phải phạt 80 trượng. Thi hương thì được giảm một bậc.

Các khảo quan khác (biết có sự không hồi tỵ này) mà cứ chấm quyển thi cùng là quan di phong, đằng lục đều được giảm một bậc. Nếu không nên hồi ty mà hồi ty thì cũng xử tội như thế”. Điều 99 Bộ luật Hồng Đức cũng quy định: “Những cử nhân vào thi hội mà mượn người làm hộ bài thi, cùng người làm hộ đều phải biếm ba tư; thi hương thì phải biếm hai tư. Người giấu sách vở đem vào trường thi phải phạt 80 trượng”.

(Còn nữa)

TS Nguyễn Văn Cương (Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/chinh-sach-dao-tao-trong-dung-nhan-tai-cua-vua-le-thanh-tong-320776.html