Chính sách có hiệu lực trong tháng 8/2017

Ngành điện được quyền tăng, giảm giá điện trong phạm vi quy định; hạn mức bảo hiểm tiền gửi được nâng lên 75 triệu đồng; công bố lương của giám đốc công ty đại chúng trong báo cáo hàng năm...

Ngành điện được quyền tăng, giảm giá điện trong phạm vi quy định

Từ ngày 15/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Theo Quyết định số 24 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm. Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá, hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Tăng viện phí đối với các dịch vụ bảo hiểm y tế không chi trả

Từ 1/8, các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc TP. Hà Nội, TP. HCM và 28 tỉnh, thành phố khác sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với các loại dịch vụ khám, chữa bệnh và hơn 1.900 loại vật tư, thiết bị y tế.

Tại Hà Nội, việc tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/ phường/ thị trấn; người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế; người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này được áp dụng theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế nhằm hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giá giữa khám, chữa bệnh của người không có thẻ BHYT và người có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở khám, chữa bệnh.

Tại TP. HCM: Các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ thực hiện từ ngày 1/8/2017; các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ thực hiện từ ngày 1/10/2017.

Trong đợt điều chỉnh tăng viện phí lần này, khoản viện phí tăng nhiều nhất là giá khám bệnh và giá tiền giường. Dự kiến mức viện phí trung bình sẽ điều chỉnh tăng khoảng 30%.

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi được nâng lên 75 triệu đồng

Từ ngày 5/8, theo quyết định 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh tăng lên 75 triệu đồng. Hạn mức chi trả này đã bao gồm cả gốc và lãi. Trước đó, theo quy định hiện hành tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP là 50 triệu đồng.

Theo quy định mới, nếu tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản, người gửi tiền sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.

Giáo viên phổ thông được nghỉ hè 2 tháng, trong đó gồm cả thời gian nghỉ phép

Thông tư 15/2017 của Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành sửa đổi quy định chế độ làm việc đối với giáo viên (GV) phổ thông có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong đó làm rõ thời gian nghỉ hè 2 tháng của GV. Cụ thể, thời gian nghỉ hè hằng năm của GV là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ phép theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

Thông tư 15 còn bổ sung quy định về thời gian làm việc của giáo viên dự bị đại học là 42 tuần (tương tự giáo viên tiểu học, giáo viên THCS và THPT). Trong đó: 28 tuần dành cho giảng dạy và hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học; 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học; một tuần chuẩn bị năm học mới; một tuần tổng kết năm học.

Thu phí thẩm định xử lý chất thải nguy hại

Từ ngày 1/8, chế độ thu - nộp, mức thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thực hiện theo Thông tư 59/2017 do Bộ Tài Chính ban hành.

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, tổ chức thu phí thẩm định theo quy định, mức thu thẩm định cấp, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại quy định từng khu vực địa lý hoặc nơi đặt nhà máy xử lý chất thải nguy hại.

Việc nộp phí thẩm định trong thời hạn 10 ngày làm việc, tính từ lúc nhận văn bản chấp thuận vận hành thử nghiệm. Có thể nộp phí trực tiếp cho tổ chức thu phí hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà Nước.

Công bố lương của giám đốc công ty đại chúng trong báo cáo hàng năm

Theo Nghị định 71/2017 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng có hiệu lực từ ngày 1/8, tiền lương của Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác phải được thể hiện thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty; báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.

Đồng thời, nghị định cũng nêu rõ, công ty đại chúng có nghĩa vụ công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ, bất thường về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng. Việc công bố thông tin phải đảm bảo để cổ đông và công chúng có thể tiếp cận công bằng.

Theo Thời Đại

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/chinh-sach-co-hieu-luc-trong-thang-82017-p52377.html