Chính quyền và doanh nghiệp đồng hành cùng người dân vùng lũ

Đang vào vụ thu hoạch, trận lũ đầu tháng 11 đi qua khiến hàng nghìn héc-ta sắn ở các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh của tỉnh Phú Yên ngã rạp, tróc gốc, thối củ. Sự vào cuộc kịp thời của chính quyền và các doanh nghiệp đã giúp nhiều hộ gia đình khỏi cảnh "trắng tay".

Huyện Đồng Xuân có 4.000 ha sắn trong thời kỳ cho thu hoạch. Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua làm hơn 1.100 ha sắn và nhiều loại cây trồng ngập úng, đổ ngã, hư hỏng nặng. Đây là năm ngành nông nghiệp huyện thiệt hại lớn tương đương với cơn lũ lịch sử năm 2009. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân Trần Quốc Huy cho biết: Năm nay lũ quá lớn lại rút chậm do mưa dầm. Ngoài thiệt hại nặng cho cây sắn, còn có hơn 300 ha mía chuẩn bị thu hoạch ngã và gãy đổ; 150 ha lúa mùa ngập úng; 75 con gia súc và 25.000 gia cầm chết, tổng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp gần 13 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong 4.000 ha sắn của huyện Đồng Xuân, chỉ có 80% diện tích nông dân ký hợp đồng bao tiêu với Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân và được bảo hộ giá 1.700 đồng/kg cho sắn 30% độ bột; 20% diện tích còn lại, nông dân tự tìm đầu ra, đồng nghĩa với thua lỗ nặng vì sắn thối củ hoặc giảm độ bột lớn. Nhiều hộ gia đình có nguy cơ “trắng tay” trên đồng sắn.

Đứng nhìn ruộng sắn chờ thu hoạch có diện tích hơn 1.000 m 2 của anh Nguyễn Quang Trung ở thôn Tân Bình, xã Xuân Sơn Bắc, huyện miền núi Đồng Xuân đang có hiện tượng lá rũ vàng do ngập trong nước lũ ba ngày liền. Trước lũ, với diện tích ít ỏi này, anh Trung hy vọng gỡ gạc lại vốn đầu tư mặc dù giá sắn tươi ngoài thị trường chỉ chưa đến 1.000 đồng/kg, giảm khoảng 700 đồng/kg so năm 2015, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì củ sắp bị thối rữa. Anh Trung lo lắng nói: “Sắn không thể để lâu chờ nhà máy thu mua được nữa trong khi không biết bán được cho tư thương hay không”.

Nặng hơn, gần 1,5 ha sắn ven sông Kỳ Lộ của anh Trần Hoàn Thiện ở thôn Long Nguyên, xã Xuân Long cũng bị ngâm nước lũ nhiều ngày, ngã đổ, xói lở gốc hoàn toàn. “Lũ tàn phá đám sắn của tôi gần như không còn gì, thiệt hại quá lớn. Giờ có tận thu cũng không đủ tiền trả nhân công, vận chuyển. Đó là chưa nói đến việc không ai muốn mua vì độ bột thấp do ngâm nước dài ngày”, anh Thiện cho hay.

Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng sắn, Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân, ông Huỳnh Văn Đồng chia sẻ: “Thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân hiện nay và sự lo lắng của chính quyền địa phương, chúng tôi quyết định chạy máy hết công suất, thu mua sắn từ ngày 7-11, sớm hơn mọi năm nửa tháng và ưu tiên những vùng trũng thấp, có nguy cơ sắn bị thối củ”. Ông Đồng cho biết thêm, mặc dù giá sắn năm nay thấp, nhưng nhà máy vẫn ưu tiên cho bà con đã ký hợp đồng bao tiêu sắn với giá 1.700 đồng/kg; còn đối với các diện tích không đăng ký, cũng sẽ thu mua theo giá thị trường, tùy theo chất lượng sắn. Bằng mọi giá, nhà máy quyết tâm hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân vượt qua khó khăn này.

Cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho người trồng sắn, UBND huyện Đồng Xuân có chủ trương cho Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân tạm ứng nguồn kinh phí dự phòng của huyện để tạo thuận lợi trong sản xuất, thu mua, giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại kinh tế. “Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà máy và chính quyền địa phương, sau lũ, chúng tôi vận động bà con khẩn trương ra đồng thu hoạch sắn, vớt vát lại phần nào, giảm thiệt hại kinh tế”. Đồng chí Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân nói.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31236202-chinh-quyen-va-doanh-nghiep-dong-hanh-cung-nguoi-dan-vung-lu.html