Chính quyền bao che cho nạn khai thác cát?

Cây cầu trị giá hàng chục tỷ đưa vào sử dụng chưa đầy một năm đã xảy ra tình trạng sụt lún, nứt gãy. Đất đất canh tác dọc hai bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Trong khi người dân địa phương cho rằng nguyên nhân do nạn khai thác cát gần bờ, làm thay đổi dòng chảy thì chính quyền lại một mực phủ nhận, chối bỏ…

Cầu số 1 bị sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: QA

Sông Krông Pắk, đoạn chảy qua huyện Ea Kar (Đắk Lắk) được tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Đoàn Kết (Cty Đoàn Kết) khai thác cát. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động thì xảy ra tình trạng đất canh tác của người dân dọc hai bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Hồ Văn Khang (SN 1963, trú tại thôn 4, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) cho biết, gia đình có gần một sào đất bên bờ sông để trồng lúa. Canh tác gần chục năm vẫn bình thường, nhưng từ khi có doanh nghiệp tới khai thác cát gần bờ, đất của gia đình ông bắt đầu bị sạt lở. Tới năm 2016, toàn bộ sào đất của ông trôi hết xuống sông.

“Gia đình tôi chỉ có gần 1 sào đất đó để trồng lúa ăn. Giờ mất hết đất khiến cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Tôi đã làm đơn gửi xã để yêu cầu bồi thường nhưng chưa được giải quyết”, ông Khang bức xúc.

Ông Nguyễn Đình Hướng (SN 1962, trú tại thôn 7b, xã Ea Ô) chia sẻ, nhà ông canh tác trồng lúa với diện tích 2,2 sào từ chục năm nay, thời gian gần đây bắt đầu xảy ra hiện tượng đất bị sạt lở.

“Vì cát tràn vào quá nhiều nên vụ Đông Xuân vừa qua, 2,2 sào ruộng của chúng tôi buộc phải bỏ hoang. Nếu muốn canh tác, chúng tôi phải bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ để thuê người, máy móc thu dọn cát, tính đi tính lại thì chỉ có lỗ nên đành bỏ”, ông Hướng lo lắng.

Mặt cầu bị sụt lún, nứt dài. Ảnh: QA

Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Văn Hợp, Thôn trưởng thôn 7b, xã Ea Ô xác nhận, nhiều hộ trong thôn bị sạt lở đất và bị cát tràn hết vào ruộng, ông còn cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã và huyện nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng vào cuộc. Nếu cứ tiếp tục tái diễn tình trạng này thì chẳng mấy chốc đất canh tác của người dân đổ hết xuống sông. Chúng tôi cũng đã phản ánh lên doanh nghiệp khai thác, họ nói sẽ hỗ trợ cho người dân nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì”.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường, không chỉ đất canh tác mà ngay cả cây cầu số 1 bắc qua sông Krông Pắk nối liền thôn 4 với các thôn 7b, 6a, 6b cũng sụt lún nghiêm trọng. Toàn bộ bê tông gia cố mố cầu sụt lún nghiêm trọng, trượt sâu khoảng 4 - 5m, rộng khoảng 12m. Mặt cầu hư hỏng, nứt gãy khá nhiều chỗ, để khắc phục, gia cố tạm thời, người ta chỉ đóng cọc tre và đổ đất xung quanh mố cầu.

Ông Hoàng Đắc Tuyên, cán bộ Địa chính xã Ea Ô, huyện Ea Kar cho rằng: Việc cầu bị sụt lún là do nước lũ dâng cao, nếu nói khai thác cát làm hư cầu là không chính xác. Còn về việc đất của người dân bị sạt xuống sông thì chỉ nghe người dân phản ánh chứ chưa có đơn thư nên không thống kê được.

Ông Nguyễn Đức Đông, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar khẳng định: Cuối tháng 12/2016, nước lũ quá lớn khiến cầu bị sập. Cũng có thể một phần nào đó do khai thác cát nhưng Phòng không đánh giá hết được. “Quá trình đi kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa đánh giá được mức độ sạt lở đất của người dân nên phòng cũng chịu”, ông cho biết thêm.

Đất canh tác của người dân bị sạt xuống sông. Ảnh: QA

Tuy nhiên, ngược lại với nhận định của cấp chính quyền sở tại, ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Cầu số 1 tại xã Ea Ô thuộc đường thi công kết hợp quản lý hồ Ea Rớt - Dự án Hồ Krông Pắk Thượng thi công hoàn thành, bàn giao cho UBND huyện Ea Kar quản lý từ tháng 1/2016 với tổng số vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Nguyên nhân sụt lún cầu không chỉ do nước lũ dâng cao mà còn do doanh nghiệp khai thác cát quá gần cầu.

“Chúng tôi đã có báo cáo gửi lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk có giải pháp phù hợp để doanh nghiệp khai thác cát cách xa cầu”, ông Vượng nói.

Cũng theo ông Vượng, sau khi có thông tin cầu bị sụt lún, đơn vị đã cử đoàn công tác xuống hiện trường ghi nhận về vấn đề sụt lún nghiêm trọng tại cầu. Tuy nhiên, đã hết thời hạn bảo hành, chi phí sửa chữa cầu lại cao, ước chừng khoảng 4 tỷ đồng trong khi ngân sách của huyện có hạn. Do đó, ngày 2/3, UBND huyện Ea Kar đã có Văn bản số 126/CV-UBND đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 xem xét cho bổ sung kinh phí để gia cố khắc phục mố cầu số 1 trước mùa mưa lũ 2017, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân địa phương.

Quỳnh Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/chinh-quyen-bao-che-cho-nan-khai-thac-cat_t114c39n117319