Chinh phục sân sau của Mỹ: Trung Quốc gửi thông điệp đa diện

Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ Latinh đã thúc đẩy mối quan hệ với khu vực này và đồng thời cũng gửi đi nhiều “tín hiệu” tới Washington và Đài Bắc.

Ông Tập đã kết thúc chuyến thăm nhà nước tới Ecuador, Peru và Chile từ ngày 17-ngày 23/11, bao gồm việc tham dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương từ 19-ngày 20/11 tại Lima, thủ đô của Peru.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm tới Peru. (Nguồn: Xinhua)

Với chuyến thăm này, Trung Quốc đã đặt ra một lộ trình mới cho mối quan hệ với các nước Mỹ Latinh và Caribbean – động thái nằm trong chiến lược để mở rộng ảnh hưởng ở sân sau của Mỹ.

Lợi ích kinh tế

Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh vào năm 2030. Do vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới 3 quốc gia trên có một mục đích quan trọng là tô đậm dấu ấn Trung Hoa tại khu vực này.

Trước đó, trong năm 2008, Trung Quốc đã vạch ra tầm nhìn cho quan hệ "đối tác hợp tác" trong Sách trắng đầu tiên về Mỹ Latinh và Caribbean.

Thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ La tinh và Caribbean hiện đã tăng 22 lần từ năm 2000 đến năm 2013. Dù giá trị thương mại giữa hai bên đã giảm 23% trong hai năm qua sau khi đạt đỉnh điểm vào năm 2013, tuy nhiên, Trung Quốc đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai, sau Mỹ tại khu vực này vào năm 2014.

Bắc Kinh cũng cam kết sẽ cung cấp viện trợ kinh tế mà không kèm điều kiện chính trị, một chính sách đã dấy lên sự chỉ trích rộng rãi của các nhà hoạt động nhân quyền và các cơ quan bảo vệ môi trường.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ kinh tế cho các nước Mỹ Latinh và Caribbean mà không cần bất kỳ điều kiện chính trị nào," Sách trắng cho biết. Và rằng, Trung Quốc và Mỹ Latinh và Caribbean chia sẻ trách nhiệm toàn cầu trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, công bằng và công lý.

"Trung Quốc sẵn sàng tăng cường kết nối và hợp tác với các nước Mỹ Latinh và Caribbean trong các cơ chế đa phương quốc tế, cùng nhau giữ gìn trật tự và hệ thống quốc tế với các mục đích và nguyên tắc dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc," cũng theo tài liệu trên.

Kiểm nghiệm ảnh hưởng của Mỹ

Chuyến thăm của ông Tập được thực hiện vào thời điểm nhiều nhà phân tích cho rằng chiến thắng của ông Donald Trump sẽ dội gáo nước lạnh vào quan hệ Mỹ và Mỹ Latinh khi ông Trump trước đó tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận thương mại với khu vực này, xây dựng một bức tường tại khu vực biên giới với Mexico và trục xuất người nhập cư không có giấy tờ.

Trái ngược với những tuyên bố trên, Bắc Kinh cho biết sẽ thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại với khu vực Mỹ Latinh và Caribbean.

"Trung Quốc sẽ thảo luận với các nước Mỹ Latinh và Caribbean về việc thành lập mối quan hệ thương mại lâu dài và ổn định cùng nhiều thỏa thuận thương mại khác, bao gồm cả FTA," các tài liệu của chính phủ Trung Quốc cho biết.

Bên cạnh đó, theo một văn bản của chính phủ Trung Quốc với tựa đề Tài liệu chính sách của Trung Quốc về Mỹ Latinh và Caribbean, Trung Quốc muốn đẩy mạnh sự hợp tác tương lai với khu vực này trong hàng loạt lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh, thương mại, đầu tư, khí hậu và mạng internet.

Các nhà phân tích cho biết tài liệu trên cho thấy mục đích tăng cường và nâng cấp sự hợp tác của Trung Quốc với các nước Mỹ Latinh nhằm cạnh tranh và kiểm nghiệm ảnh hưởng của Mỹ, hiện đang cho thấy sự suy giảm.

Và rằng Bắc Kinh còn cho biết rằng mối quan hệ với Nam Mỹ còn nhằm bảo vệ trật tự quốc tế hiện nay, tuy nhiên, không hướng đến bất kỳ nước nào – điều có thể ám chỉ tới Mỹ - sức mạnh truyền thống ảnh hưởng đến lập trường đối ngoại của Mỹ Latinh.

"Quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh và Caribbean được xây dựng hướng tới sự phát triển chung. Chính sách này không nhằm vào loại trừ bất kỳ bên thứ ba nào", theo các tài liệu của Trung Quốc.

Tín hiệu tới Đài Loan

Giới phân tích cũng tin rằng động thái trên của Bắc Kinh có thể nhắm tới Đài Loan khi hầu hết quốc gia công nhân sự độc lập của hòn đảo đến từ khu vực này. Trong tháng 3, Bắc Kinh đã nối lại quan hệ với Gambia – kết thúc cuộc đình chiến ngoại giao không chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan trong một thập kỷ qua.

Gambia đã từng là một trong những quốc gia công nhận sự độc lập của Đài Loan trong khi Bắc Kinh và Đài Bắc từng từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao với bất kì quốc gia nào công nhận sự độc lập của nhau.

Quan hệ giữa hai bờ eo biển đã trở nên giá lạnh từ khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân tiến (DPP) nhậm chức Tổng thống Đài Loan vào tháng 5.

Tuy nhiên, Alexander Huang, thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế và chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Loan cho biết động thái của Bắc Kinh không nhất thiết là nhắm vào Đài Loan. "Thay vào đó, khu vực đó (Mỹ Latinh) là sân sau của Hoa Kỳ. Tôi tin rằng áp lực không chỉ của riêng Đài Loan", ông Huang nói.

(Theo SCMP)

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/chinh-phuc-san-sau-cua-my-trung-quoc-gui-thong-diep-da-dien-220580.html