Chính phủ Thái Lan muốn giành lại quyền kiểm soát Bangkok

VOV.VN - Đó là phát ngôn của Ngoại trưởng Thái Lan khi có dấu hiệu chính phủ đang mất dần kiên nhẫn đối với lực lượng biểu tình.

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bên có thể đi đến một thỏa hiệp để chấm dứt cuộc khủng hoảng, trong khi Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul tuyên bố “đã đến lúc” giành lại quyền kiểm soát Bangkok, một dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang mất dần kiên nhẫn với lực lượng biểu tình.

Cho đến ngày 18/1, chiến dịch được gọi là “chiếm đóng” Bangkok của lực lượng biểu tình do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đứng đầu đã bước sang ngày thứ 6 với mục tiêu làm tê liệt hoạt động của Chính phủ.

Người biểu tình tràn ngập thủ đô Bangkok (Ảnh Reuters)

Tình hình diễn biến phức tạp hơn khi xảy ra vụ nổ nhằm vào những người biểu tình ngày 17/1 làm 38 người bị thương. Tại một cuộc họp báo cùng ngày, khi được hỏi liệu Chính phủ có chủ trương chấm dứt tình trạng người biểu tình phong tỏa các bộ ngành và một số giao lộ trọng yếu ở thủ đô hay không, ông Surapong khẳng định: “Đã đến lúc chúng tôi phải bắt đầu làm gì đó”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Surapong được đưa ra trong bối cảnh một đoàn quan chức, được cảnh sát và quân đội hộ tống, lên đường tới một văn phòng của Chính phủ phụ trách cấp hộ chiếu để thuyết phục người biểu tình giải tán, tạo điều kiện cho cơ quan này có thể hoạt động trở lại. Biểu tình kéo dài khiến việc cấp 16.000 hộ chiếu mới của Bộ Ngoại giao Thái Lan bị ngưng trệ.

Trước đòi hỏi của những người biểu tình muốn “hạ bệ” chính phủ bằng cách “chiếm đóng” thủ đô, làm tê liệt hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Yingluck ngày 17/1 cho rằng, cách tốt nhất để họ làm điều này là thông qua lá phiếu bầu cử.

Phát biểu trong một cuộc họp báo với các phóng viên nước ngoài, Thủ tướng Yingluck cho rằng, những người biểu tình cần thông qua bầu cử để thể hiện yêu cầu và nguyện vọng của họ, còn các giải pháp vi hiến khác đều không thể giải quyết được vấn đề.

Thủ tướng Yingluck giải thích rằng, bà đã trao lại quyền lực cho người dân bằng cách giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử. Hiện bà đang thực hiện đúng theo quy định của Hiến pháp là một thủ tướng tạm quyền cho tới khi có được một chính quyền mới.

“Không ai muốn làm cho người dân ghét mình mỗi ngày. Nhưng tôi muốn nói rằng đây là công việc mà tôi phải đảm trách. Tôi không thể thờ ơ hay thoái thác trách nhiệm của mình. Tôi không biết nền dân chủ Thái Lan sẽ đi đến đâu nếu tình hình cứ như thế này”, bà Yingluck nhấn mạnh.

Thủ tướng Yingluck kêu gọi các bên ngồi lại với nhau để tìm ra cách giải quyết vì đề xuất của người biểu tình là không thể thực hiện được theo Hiến pháp. Theo bà, một cuộc đảo chính nếu diễn ra cũng không giải quyết được vấn đề hiện nay.

Trong khi đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban yêu cầu giới chức an ninh Thái Lan phải sớm công bố kết quả điều tra vụ nổ bom nhằm vào người biểu tình vào ngày 17/1.

Trong cuộc lục soát một tòa nhà gần khu vực nổ bom, cảnh sát Bangkok phát hiện vật gây nổ và một số hung khí. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có kết luận về thủ phạm đứng đằng sau vụ việc này.

Trong khi đó, một quả lựu đạn đã được ném vào Cung điện Suan Pakkad nổi tiếng, nơi ở của Thị trưởng Bangkok, làm hư hỏng một chiếc ô tô.

Cũng theo cảnh sát Thái Lan, quả lựu đạn ném vào nhà Thị trưởng Bangkok cùng loại với quả lựu đạn ném vào nhà lãnh đạo đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva vào tối 14/1. Một vụ nổ khác cũng đã xảy ra tại nhà một lãnh đạo của phe biểu tình.

Tư lệnh lục quân Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha bày tỏ lo ngại có một nhóm vũ trang đứng sau những vụ tấn công liên tiếp trong vài ngày gần đây, nhằm mục đích khoét sâu thêm khủng hoảng trên chính trường Thái Lan./.

Ngọc Khương/VOV-Trung tâm Tin
Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/chinh-phu-thai-lan-muon-gianh-lai-quyen-kiem-soat-bangkok/306671.vov