Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu

Theo dự kiến, năm 2017, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động. Trong đó, có phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số và nguy cơ mất cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Điều chỉnh tăng tuổi để tránh thiếu hụt và lãng phí nguồn nhân lực. Ảnh: Đ.Việt

Điều chỉnh tăng tuổi để tránh thiếu hụt và lãng phí nguồn nhân lực. Ảnh: Đ.Việt

Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, để điều chỉnh tăng được tuổi nghỉ hưu thì trong năm 2016 - 2017, cần phải tổng kết 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động 2012, sau đó mới có thể tiến hành sửa đổi, bổ sung. Trên thực tế, quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH giữa thời gian đóng, mức đóng - mức hưởng và thời gian hưởng; phải xây dựng chính sách dài hạn, có sự kế tiếp và chuyển tiếp. Khi xã hội ngày càng phát triển, GDP tăng; mức sống, thể chất, thể lực, tuổi thọ của người lao động cao hơn thì cũng cần phải tăng tuổi nghỉ hưu.

Từ khi thực hiện BHXH theo nguyên tắc “có đóng, có hưởng” (năm 1995) đến nay, chính sách BHXH của Việt Nam vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Với thời gian đóng BHXH như Việt Nam, các nước chỉ cho hưởng lương hưu 40 - 60% nhưng Việt Nam mức hưởng lên tới 75% mức đóng. Bây giờ, phải điều chỉnh dần để cân bằng mức đóng, mức hưởng.

Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, để cân đối hài hòa có thể tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ lên 58 tuổi, nam 62 tuổi. Việc đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tùy theo loại hình lao động cho phù hợp với điều kiện lao động và sức khỏe. Trên thực tế, một số nhóm người lao động trong cơ quan hành chính nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia... đã được nâng tuổi hưu. Việt Nam sắp bước vào thời kỳ già hóa dân số, nếu không chuẩn bị, sẽ dẫn tới thiếu hụt và lãng phí nguồn nhân lực.

Hơn nữa, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, một bộ phận người lao động sẽ có cơ hội kéo dài thời gian làm việc, cống hiến và tham gia BHXH, lương hưu cũng sẽ cao hơn. Điều này, cũng giúp người lao động tránh gặp khó khăn về tài chính khi bước vào giai đoạn tuổi già.

Ngành bảo hiểm cũng đã tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của một bộ phận lao động trẻ. Tuy nhiên, điều này được cho rằng, cũng chỉ xảy ra trong một vài năm trong giai đoạn đầu. Còn sau khi đã cân bằng người vào, người ra khỏi hệ thống BHXH thì sẽ không còn tình trạng đó.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, nếu vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi thì kết dư quỹ đang giảm dần, nếu không điều chỉnh thì đến 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư quỹ, sẽ bằng mức chi, sau đó sẽ phải lấy ngân sách bù vào.

Theo công thức từ năm 1995, thời gian đóng trung bình của Việt Nam đang là 25 năm, hưởng 13 năm và nghỉ hưu là 54 tuổi. Nhưng tuổi thọ trung bình đã tăng lên 73, vậy cần tới 19 năm hưởng lương, mất cân đối tới 6 năm. Khi điều chỉnh tăng thêm tuổi nghỉ hưu như đề xuất thì khoảng hụt sẽ chỉ còn khoảng 1,5 - 2 năm thay vì 6 năm. Đây là bài toán đã được bảo BHXH Việt Nam tính toán rất kỹ.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chinh-phu-se-trinh-quoc-hoi-dieu-chinh-tang-tuoi-nghi-huu-20161007083454683.htm